Mâu thuẫn vì chồng tự dưng mất việc

TPO - Cứ nghĩ cảnh về đến nhà nhìn thấy Hùng nằm ườn xem tivi hoặc đọc báo, chẳng giúp được việc gì cho vợ con là Hạnh lại bực tức.

Khi ra trường, Hùng được ông chú cho vào làm cùng ở một công ty nước ngoài với nhiều chế độ ưu đãi. Tuy nhiên, từ khi chú Hùng về hưu, vị thế của Hùng cũng tụt dốc không phanh. Hai năm gần đây, kinh tế khó khăn nên công ty phải cắt giảm nhân lực tối đa để duy trì hoạt động. Dù đã cố gắng làm việc nhưng cuối cùng Hùng vẫn bị nghỉ việc.

Lúc đầu Hùng hăng hái đi tìm việc, nhưng chẳng công việc nào khiến Hùng hài lòng và thỏa mãn. Hùng quan niệm, với kinh nghiệm đã làm ở công ty nước ngoài nên phải có một vị trí và mức lương tương ứng.

Nơi nào Hùng cũng chê công việc không phù hợp với năng lực trước đây, rồi lương thấp, môi trường làm việc chán,… Mọi lý do Hùng đưa ra đều có vẻ hợp lý.

Thấy chồng mãi chưa tìm được việc, Hạnh sốt ruột nhờ cậu xin cho Hùng làm phó giám đốc một trung tâm dịch vụ. Nghĩ Hùng sẽ an phận, ai ngờ Hùng kêu lương thì thấp mà trách nhiệm lại cao nên Hùng từ chối không làm.

Vậy là 2 tháng rồi 5 tháng trôi đi, Hùng vẫn là kẻ thất nghiệp ở nhà. Từ ngày nghỉ việc ở nhà, Hùng chẳng động tay vào bất cứ việc gì. Ngày nào đi làm về Hạnh cũng thấy chồng đang ngủ, hoặc xem tivi nếu không thì cũng đang la cà các quán cafe với lý do gặp bạn bè để tìm kiếm cơ hội việc làm và kiếm tiền.

Việc làm thì chẳng có và tiền cũng chẳng thấy đâu, chỉ thấy rằng khoản tiền tiết kiệm được của hai vợ chồng cứ lần lượt đội nón ra đi. Nhìn cảnh bạn bè cuối tuần rủ nhau đi chơi mà Hạnh thấy ngao ngán cho gia đình mình. Hạnh cũng chẳng muốn giao lưu bạn bè vì sợ mọi người hỏi công việc của Hùng khiến Hạnh cảm thấy xấu hổ.

Không biết công cuộc thất nghiệp của chồng còn đến bao giờ. Nhưng nếu cứ tiếp tục chắc chắn gia đình Hạnh sẽ không còn êm thấm được nữa. Những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng bắt đầu tăng lên từ những điều tưởng như rất vụn vặt và Hạnh cũng không thể nhẹ nhàng với Hùng như những lần trước. Hùng cho rằng, Hạnh giờ là người kiếm ra tiền nên lên mặt dạy đời khiến Hạnh càng ức chế.

Khác với gia đình Hạnh, thì gia đình Huy và Trang lại rơi vào hoàn cảnh hoàn toàn khác lạ. Từ khi bị công ty đột ngột cho thôi việc, Huy chẳng có hứng thú đi tìm việc mà nảy ra ý tưởng xách ba lô đi du lịch bụi. Huy lý luận trước là để xả xì tress và sau đó tìm kiếm cơ hội làm ăn mới.

Trang không hiểu Huy nghĩ gì khi đưa ra quyết định ấy, bởi Huy còn vợ và con nhỏ đang đi tuổi ăn học, kinh tế thì chưa khá giả lại còn mẹ già cần phụng dưỡng. Vậy mà, khi vừa biết mình bị thôi việc, vài ngày sau Huy cầm 15 triệu và xách ba lô lên đi du lịch bụi mà không cần biết Trang có đồng ý hay không.

Không muốn làm áp lực cho chồng Trang đã tôn trọng quyết định của Huy. Trang nghĩ rằng chắc Huy đi vài ngày cho khuây khỏa rồi anh sẽ về và tìm kiếm việc làm như bao người khác. Nhưng 10 ngày trôi qua Huy vẫn lang bạc khắp các tỉnh thành Móng Cái, Sapa, Huế,….Trang ở nhà một mình, vừa đi làm, lại lo đưa đón con đi học rồi chăm mẹ chồng 75 tuổi khiến Trang mệt mỏi. Nhiều lần gọi điện giục Huy về nhưng đều nhận được câu thanh minh: em để cho anh xả xì tress tý đi, vài hôm nữa anh về. Gần nửa tháng cũng chẳng thấy chồng về Trang chẳng thèm gọi điện mà nhắn tin: Anh chỉ biết cho mình còn đẩy mọi khó khăn lại cho em. Anh có ích kỷ quá không. Nếu anh muốn thì em sẽ để anh được tự do như anh muốn. Chẳng thấy chồng nhắn tin hay gọi điện lại càng làm Trang ấm ức.

Trang đang nghĩ đến việc sẽ phải tìm ra cách để xử lý Huy đích đáng, nếu cần thì đường ai nấy đi chứ không thể chấp nhận kiểu vô trách nhiệm của chồng như thế.

Cũng trong trường hợp căng như dây đàn, vợ chồng Minh và Yến cũng đang có nguy cơ tan vỡ. Yến kiên quyết không đồng ý vay tiền để Minh chung vốn mở cửa hàng với bạn.

Từ ngày mất việc, Minh đã nhảy không biết bao nhiêu việc nhưng đều không trụ nổi 1 tháng. Minh luôn nghĩ, trước đây mình là trưởng phòng của một công ty, nên giờ không thể là một nhân viên quèn để mọi người sai khiến được. Công việc nào Minh cũng chỉ làm được vài bữa rồi bỏ dở với lý do không hợp. Minh không thể chịu đựng cái kiểu mình là nô lệ của kẻ khác. Chính vì thế Minh nảy ra ý định mở cửa hàng kinh doanh riêng.

Chiều ý chồng Yến đã đầu tư để Minh mở quán ăn và thuê người làm còn Minh quản lý. Nhưng đầu tư được 2 tháng thì Minh không muốn làm nữa với lý do không kinh doanh được. Chịu lỗ mấy chục triệu nhưng Yến đành chấp nhận với mong muốn sau đợt này Minh sẽ phải cân nhắc để đi xin việc và gom tiền để trả nợ. Nhưng Minh lại đòi Yến đi vay tiền để chung mở nhà hàng lớn với bạn. Vừa thất bại và thua lỗ, nợ lần trước còn chưa trả hết, Minh đã lao vào đòi làm ăn chung. Yến kiên quyết không đồng ý để Minh tiếp tục mở cửa hàng mà khuyên Minh nên kiếm việc để làm. Nếu sau này có vốn làm ăn cũng chưa muộn.

Bỏ qua mọi phân trần của vợ, Minh cho rằng Yến là dạng đàn bà chỉ nghĩ đến những cái lợi trước mắt. Lời qua tiếng lại ai cũng bảo vệ quan điểm của mình. Yến tuyên bố mặc kệ nếu Minh cứ vay tiền để đầu tư, thua lỗ Minh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và Yến sẽ không đưa giấy tờ nhà để Minh thế chấp vay ngân hàng.

Yến khẳng định: nếu Minh kiên quyết, cô sẽ ly hôn để Minh muốn làm gì thì làm. Cô sẽ có trách nhiệm nuôi con mà không cần Minh đóng góp.

Yến than thở: nếu ông ấy không mất việc thì có lẽ sẽ không có chuyện ông ấy đòi mở cửa hàng rồi góp vốn làm ăn chung để rơi vào cảnh nợ nần, vợ chồng mâu thuẩn.

Mai Phong

Theo Viết