Nhìn lại thể thao Việt Nam tại SEA Games 25:

Mặt trái tấm huy chương

Mặt trái tấm huy chương
TP - Xếp thứ hai bảng tổng sắp với 83 HCV, chỉ kém đoàn dẫn đầu Thái Lan 3 HCV, là một thành công lớn của TTVN tại SEA Games 25. Nhưng thành công đó chưa trọn vẹn, bởi thất bại của bóng đá nam trong trận chung kết và…

Khép lại SEA Games 25 với 83 HCV, 75HCB, 57HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) vượt chỉ tiêu đề ra (60-70 HCV và lọt vào top 3) và khẳng định được sức mạnh của mình trong khu vực.

Có thể nói đây là thành tích tốt nhất của TTVN tại SEA Games từ trước đến nay, kể cả ngôi toàn đoàn tại SEA Games 22 trên sân nhà nếu xét về mặt chất lượng. 

TTVN có 27 đội tuyển (ĐT) dự tranh 28 bộ môn và phân môn tại SEA Games 25 thì có đến 26 ĐT giành được HC, trong số đó có đến 20 ĐT giành được HCV.

Bắn súng dẫn đầu với 11 HCV, tiếp theo là những môn thế mạnh như võ thuật, lặn, vật, điền kinh,... Trong đó có những tấm HCV quý giá như HCV đôi nam bóng bàn, HCV hai nội dung Pool Billiards vốn không được xem là thế mạnh và ngôi vô địch của bóng đá nữ.

Đặc biệt việc phá 12 kỷ lục SEA Games, trong đó hai kỷ lục của Nguyễn Hữu Việt trên đường bơi ếch nam và Vũ Văn Huyện ở 10 môn phối hợp điền kinh là những kỷ lục giá trị, minh chứng cho sự tiến bộ về chất của TTVN.

Hạn chế và những điều đáng tiếc

Một thực tế là TTVN vẫn lấy số lượng HC để giành thứ hạng cao trên bảng tổng sắp là chủ yếu chứ không phải theo xu thế cải thiện chất lượng để tiếp cận trình độ châu Á hay Olympic. Trong đó, số lượng HC của karate, bắn súng (không thi Olympic), lặn, đá cầu chiếm tỷ lệ khá lớn.

Ở các đại hội thể thao quốc tế, điền kinh và bơi lội luôn là hai môn thi bắt buộc và có nhiều bộ huy chương nhất, trong đó điền kinh còn được ví là môn thi “nữ hoàng” nhưng số lượng 8HCV mà hai môn này gộp lại của TTVN còn chiếm tỷ trọng khá thấp so với con số 86 bộ huy chương hai môn điền kinh và bơi lội của Đại hội.

Bơi lội thì trước sau vẫn chỉ mỗi Nguyễn Hữu Việt, còn điền kinh cũng vẫn chủ yếu dựa vào ba gương mặt cũ Vũ Thị Hương (100 và 200m), Trương Thanh Hằng (800 và 1.500m) và Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp).

Không kể những trường hợp nước mắt tức tưởi như võ sỹ karate Nguyễn Thị Hải Yến thì những thất bại vốn được kỳ vọng cũng rất ấn tượng!

Đó là các trường hợp Hoàng Anh Tuấn - lực sĩ cử tạ, từng đoạt HCV giải trẻ thế giới, HCB Olympic Bắc Kinh; của Bùi Thị Nhung ở nhảy cao nữ, từng đoạt HCV châu Á và từng vượt qua mức xà 1m90 tại những giải đấu lớn nhưng lại không qua được mức xà 1m83; của Nguyễn Tiến Minh, tay vợt hiện đang đứng trong top 11 cầu lông thế giới bỗng nhiên gục ngã ở tứ kết cho dù đối thủ chính là Lee Chong Wei (Malaysia) từng đứng số 2 thế giới không tham dự.

Wushu cũng đầy thất vọng khi những nhà vô địch thế giới, vô địch châu Á lại gặp nhiều khó khăn và trở lực ở kỳ SEA Games này. Nhưng thất vọng não nề nhất vẫn là bộ HCB bóng đá nam, bởi sự chờ đợi quá lâu và sự kỳ vọng quá lớn của giới mộ điệu nước nhà.

Vẫn biết, bóng đá không thể đại diện cho cả một nền thể thao cũng như sự hy sinh, nỗ lực của tất cả VĐV đã chiến đấu vì màu cờ sắc áo quốc gia, nhưng do đặc điểm đại chúng của môn thể thao vua nên nó có tác động tinh thần rất lớn đến người hâm mộ thể thao.

Câu nói có tính thậm xưng của vị trưởng đoàn thể thao Myanmar ở SEA Games Jakarta 1997 “sẵn sàng đổi 100 chiếc HCV khác để lấy HCV bóng đá” đã nói lên tầm quan trọng của tấm HCV bóng đá nam SEA Games.

Thêm vào đó, thất bại trước một trận đấu mà những thuận lợi lớn như chưa hề có đã làm lu mờ những nỗ lực phi thường trước đó cùng với ánh sáng từ chiếc HCB.

Ngôi á quân SEA Games 25 đã khẳng định vị thế hàng đầu của TTVN tại đấu trường khu vực. Tuy nhiên, nếu xem sân chơi Đông Nam Á là bàn đạp để vươn lên các đấu trường ASIAD hay Olympic thì TTVN cần phải cải thiện và đầu tư nhiều hơn nữa các môn thể thao cơ bản.

MỚI - NÓNG