Mặt tối các tượng đài thương trường trên màn ảnh

TP - Sự thay đổi chóng mặt của nền kinh tế toàn cầu khiến nhiều người thức thời trở thành tỷ phú nếu biết bắt lấy cơ hội, và đó cũng là câu chuyện thành công của nhiều ông trùm tiền tỷ trong lịch sử. Thông qua các bộ phim thể loại tiểu sử - chính kịch về những doanh nhân thành công trên thế giới, ta sẽ có cái nhìn sâu hơn về hành trình xây dựng thương hiệu của họ cũng như khám phá mặt tối trong những con người tưởng chừng vĩ đại này.

The Social Network (2010) của biên kịch Aaron Sorkin và đạo diễn David Fincher, được xem như là một trong những bộ phim xuất sắc nhất của thập niên vừa qua và là một bộ phim quan trọng nói về sự khai sinh của mạng xã hội lớn nhất thế giới – Facebook, đưa Mark Zuckerberg trở thành tỷ phủ trẻ nhất lúc bấy giờ.

The Social Network không hẳn là một bộ phim tập trung khai thác về mạng xã hội Facebook cũng như là khía cạnh công nghệ và kinh tế mà thay vào đó, bộ phim chủ yếu khám phá những nhân vật phức tạp cùng với các câu chuyện phức tạp xoay quanh tình bạn, nỗi cô đơn, sự phản bội và cả sự trả thù cùng với những bài học thực tế dành cho doanh nhân trẻ.

Trong phim, ý tưởng về một mạng xã hội giúp kết nối mọi người trong một cộng đồng chung ban đầu thuộc về anh em nhà Winklevoss và Divya Narenda. Tuy nhiên, ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng cho đến khi Mark Zuckerberg lấy ý tưởng đó và tạo ra The Facebook (tên ban đầu của Facebook) khiến cho ba người còn lại vô cùng tức tối khi cho rằng Mark đã ăn cắp sản phẩm trí tuệ của họ. Thế giới hiện nay có khoảng 8 tỷ người, vậy nên cho dù ta có đang sở hữu bất kỳ ý tưởng kinh doanh nào trong đầu, mặc cho nó có vĩ đại và đột phá tới đâu, thì ở đâu đó trên quả địa cầu này cũng sẽ có hàng ngàn đến hàng triệu người cũng nghĩ như ta.

Điều quan trọng là liệu người đó có đủ khả năng, tài nguyên hay dũng cảm để biến ý tưởng đó thành hiện thực hay không. Đó chính là điều Mark Zuckerberg làm với Facebook, anh đã nhanh chóng dùng mọi khả năng và thời gian của mình để xây dựng một mạng xã hội lớn nhất thế giới thông qua một ý tưởng đơn giản, nhờ đó anh trở thành tỷ phú tự thân ở tuổi 23.

Steve Jobs (2015), cũng được chắp bút bởi Aaron Sorkin, kể về một thiên tài lắm tật trong lĩnh vực công nghệ, không ai khác chính là Steve Jobs của Apple. Tương tự như The Social Network, phần lớn các tình tiết trong Steve Jobs đều được sáng tạo bởi Aaron Sorkin để tạo tính kịch và không khí phù hợp hơn cho bộ phim. Mặc dù vậy, bộ phim vẫn khắc họa chính xác tính cách đặc trưng của Steve Jobs.

Mặt tối các tượng đài thương trường trên màn ảnh ảnh 1

Mark Zuckerberg (Jesse Eisenberg) cùng nhà đồng sáng lập của Facebook Eduardo Saverin (Andrew Garfield)

Đúng như ngoài đời, Steve Jobs trong phim hiện lên là người cầu toàn, vô cảm, kiêu ngạo cùng với cái tôi lớn và hành xử thô lỗ với nhân viên và đồng nghiệp. Ông từng từ chối nhận Lisa Brennan-Jobs là con gái mình và không chịu chu cấp tiền nuôi dưỡng cho cô bé. Song, dù cho Steve Jobs không phải là một người cha tốt hay là một người sếp/đồng nghiệp dễ mến, ta vẫn phải kính phục ông vì sự kiên trì, lòng quyết tâm và sự cầu toàn ông dành cho từng chi tiết nhỏ của các sản phẩm của mình. Để xây dựng nên một đế chế thiết bị điện tử hàng đầu thế giới như Apple hiện nay, Steve Jobs đã phải nhận lấy nhiều cay đắng khi các sản phẩm máy tính của ông thất bại ê chề về mặt doanh thu, khiến cho ông bị đuổi việc khỏi chính công ty mình tạo ra. Không bỏ cuộc, Steve Jobs tự lập ra công ty mới cho riêng mình, từng bước lấy lại vị trí CEO tại Apple và cứu vớt công ty đang trên bờ vực sụp đổ này.

Ta có thể thấy không có gì gọi là thành công qua đêm cả, đến cả tập đoàn hùng mạnh như Apple và thiên tài như Steve Jobs cũng phải mất hơn 20 năm mới đạt được vị trí không thể thay thế được như ngày nay.

Mặt tối các tượng đài thương trường trên màn ảnh ảnh 2

Màn hóa thân vào nhà sáng lập Apple Steve Jobs của Michael Fassbender

Phần lớn các bộ phim về doanh nhân được xây dựng theo khuôn mẫu về hành trình vượt khó của một kẻ yếu thế hoặc người bình thường có nhiều khiếm khuyết thường để tạo sự đồng cảm với người xem. Niềm cảm hứng sẽ càng lớn hơn khi bộ phim đó nói về người thật việc thật.

Không phải hình tượng doanh nhân nào cũng đáng học hỏi, đơn cử như nhân vật có thật Jordan Belfort trong bộ phim The Wolf of Wall Street (Sói già Phố Wall, 2013) của đạo diễn gạo cội Martin Scorsese. Nội dung bộ phim 3 tiếng này có thể tóm gọn lại như sau: Belfort bắt đầu như một chàng trai trẻ làm nghề môi giới chứng khoán tại phố Wall và kết thúc với việc trở thành một tên tội phạm liên bang với các tội danh như thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo và tàng trữ/sử dụng ma túy. The Wolf of Wall Street là một ví dụ xác đáng cho thuyết tha hóa của Karl Marx, một thuyết nói về sự chối bỏ của một người khỏi bản chất của chính họ khi phải sống và làm việc trong một hệ thống xã hội tư bản, để rồi họ mất kết nối với những việc họ làm hay sản phẩm họ làm ra. Như chính bộ phim đã thừa nhận, nghề môi giới chứng khoán không tạo ra một giá trị cho xã hội hay sản phẩm gì ngoại trừ việc kiếm tiền cho bản thân. Những kẻ như Jordan Belfort, làm giàu bằng nghề môi giới chứng khoán thông qua lừa đảo và thao túng thị trường, sẽ luôn phi nhân tính hóa. Chúng không cảm thấy tội lỗi khi đẩy những nạn nhân của mình vào cảnh đói nghèo, bị cướp đi những đồng tiền cuối cùng.

Cho dù sức ảnh hưởng của Facebook đang dần giảm sút, nhưng ta không thể phủ nhận sự thật rằng Mark Zuckerberg đã thay đổi cách con người kết nối với nhau mãi mãi.

Tuy nhiên, thật trớ trêu khi một bộ phim nói về sự tha hóa và cái ác của con người trong xã hội kim tiền lại được thần tượng hóa bởi nhiều người trẻ, thay vì căm ghét một tên tội phạm như Jordan Belfort. Họ mê mẩn tài ăn nói và lối sống xa hoa của y mà bỏ qua những hậu quả chính Belfort gây ra cho nền kinh tế quốc gia. Một sự “tha hóa kép” đáng sợ.

Mặt tối các tượng đài thương trường trên màn ảnh ảnh 3

Gương mặt đắc thắng của Jordan Belfort (Leonardo DiCaprio) tại bữa tiệc thác loạn của công ty.

Phim tiểu sử về các doanh nhân nổi tiếng lẫn tai tiếng luôn là một nguồn nghiên cứu thú vị về mặt tối của những tượng đài, những người tiên phong trên thế giới công nghệ - kinh tế và sản phẩm của họ. Có thể nhiều tình tiết trong các bộ phim này được thêm thắt vào để gây kịch tính, nhưng sự thật về con người và việc làm của những người nổi tiếng trên vẫn là cốt lõi của bộ phim, và vì thế bài học thực tế chúng đem lại cho những doanh nhân trẻ đều vô cùng hữu ích trên con đường làm giàu của họ.