Chiều 20/4 (mùng 9/3 âm lịch) hàng nghìn người từ mọi miền Tổ quốc về viếng Đền Hùng, tưởng nhớ tổ tiên.
Ngồi ngay chân bậc thềm chuẩn bị lên viếng Đền Hùng, ông Phùng Văn Tùng, sinh năm 1966, chờ cả gia đình con cháu cùng đi. Ông Hùng nom có vẻ già hơn với tuổi, bởi sức khoẻ yếu hơn bình thường. Dù thế, ông bảo vẫn đủ sức leo hàng trăm bậc thang để lên được Đền Thượng.
Đông đảo người dân về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng 2021. Ảnh: Trọng Tài |
Đã gần chục năm nay, mỗi dịp giỗ Tổ, ông và gia đình đều về đây. “Cả năm mới có một ngày. Năm ngoái vì đại dịch nên chúng tôi không đi được, nhưng năm nay dịch được kiểm soát nên trở lại”, ông Tùng nói.
Ông Tùng di chuyển từ Hà Nội lên, dự kiến viếng xong Đền, ông cùng gia đình trở lại Thủ đô luôn. “Chúng tôi hướng về tổ tông, cội nguồn. Nhà tôi cũng đưa nhiều con cháu còn nhỏ đi theo để hiểu thêm về cội nguồn, về công ơn của Tổ tông”, ông Tùng chia sẻ.
Cách đó một đoạn, chị Nguyễn Thị Mai và gia đình cũng từ Hà Nội đến viếng Đền Hùng. Chị Mai có vẻ nặng nề của một bà bầu chỉ còn một tháng nữa là đến ngày sinh nở. Chị bảo, 3 – 4 năm nay cả nhà chị đều về lễ Đền Hùng dịp giỗ Tổ. Trong lúc cháu lớn nhà chị cùng bố lên viếng đền, chị ngồi nghỉ ngơi để chờ đợi chứ không lên Đền.
“Dù không lên viếng Đền được, nhưng mình ngồi dưới này cũng thành tâm rồi. Con người có Tổ, có tông, mình lên đây cũng mong muốn cả gia đình được bình an, cũng là một dịp nhớ về nguồn cội, nhớ công ơn những thế hệ đi trước”, chị Mai nói.
Năm nay đã gần 80 tuổi, cụ Vũ Thị Tới, nhà ở huyện Thanh Sơn lặn lội cùng một nhóm chị em và các con, cháu trong nhà vượt đường xá xa xôi đến viếng Đền Hùng. Cụ Tới, dù đã cao tuổi, sáng sớm vừa làm một vòng lên tận đền Thượng rồi xuống nghỉ dưới vườn cây. Cụ Tới bảo, đã đi viếng đền Hùng được hơn chục năm.
Cụ Vũ Thị Tới cùng con cháu về Đền Hùng tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn. Ảnh: Trọng Tài |
“Từ hồi con gái tôi đi lấy chồng là tôi bắt đầu đi, mà đến nay cháu tôi đã hơn chục tuổi rồi”, cụ Tới nói. Bỏm bẻm nhai trầu, cụ Tới bảo, sức vẫn còn khoẻ, vẫn đi bậc thang lên tận Đền Thượng được. Thay vì làm cơm cúng ở nhà, cụ chọn cách đến đây để thể hiện sự thành tâm với các vua Hùng, với Tổ tông, với cội nguồn.
“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng 3”, cụ Tới vừa đọc, vừa bảo, ai cũng biết câu thơ đó, nên cứ đến ngày này là tìm về với Đền Hùng. “Sáng nay con trai tôi đưa chúng tôi đến đây. Giờ chúng tôi ngồi nghỉ để chờ con đến đón về”, cụ Tới bảo.
Cụ nói, được đi Đền Hùng đúng dịp lễ trọng, cũng giúp bản thân cụ và những người cao tuổi như cụ cảm thấy thanh thản, còn các con, các cháu được dịp tìm hiểu, biết về cội nguồn dân tộc, cội nguồn đồng bào.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, từ ngày 1/3 âm lịch đến nay, có khoảng 5 – 6 vạn đồng bào, du khách mọi miền về với đất Tổ, về với Đền Hùng.
Camera giám sát an toàn tại Lễ hội Đền Hùng 2021. Ảnh: Trọng Tài |
Năm nay, do dịch COVID-19 được kiểm soát, lễ giỗ Tổ và lễ hội Đền Hùng tổ chức trọng thể, hoành tráng. Tối 20/4, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức điểm bắn pháo hoa tầm cao với thời lượng 15 phút tại thành phố Việt Trì sau chương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”.
Trước đó, một loạt hoạt động đã được tổ chức, như Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 17/4; Giải Bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng sáng 18/4; Thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ lần thứ VIII ngày 19/4; Vòng Chung kết cúp Hùng Vương - Giải bóng chuyền vô địch Quốc gia năm 2021, diễn ra từ ngày 18-21/4 tại Nhà luyện tập và thi đấu thể thao tỉnh Phú Thọ; trình diễn hát Xoan làng Cổ từ ngày 17-21/4 tại Miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Hùng Lô - thành phố Việt Trì; tổ chức tour du lịch đêm Đền Hùng “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ"...
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, năm nay, từ cổng đến trung tâm lễ hội và các đền đều có các hệ thống camera cảnh báo trạng thái của du khách, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tính toán đếm người tại các khu vực. Màn hình trung tâm sẽ đưa ra các cảnh báo: xanh là bình thường, vàng là đông, đỏ là rất đông, nếu cần thiết, lực lượng chức năng sẽ cử người đến điều tiết.
Cùng với đó, thông qua hệ thống camera cũng phát hiện những du khách không đeo khẩu trang phòng chống dịch để kịp thời phát hiện, nhắc nhở đồng thời phát hiện nguy cơ cháy rừng…
Người dân được phát khẩu trang miễn phí và nhắc nhở thực hiện đúng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Trọng Tài |
Sáng 21/4, đúng ngày 10/3 âm lịch, sẽ diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Cùng với đó, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh thực hiện theo nghi thức truyền thống từ 7h ngày 21/4.
Dịp này, tỉnh Phú Thọ vận động, khuyến khích các gia đình trên địa bàn tỉnh có mâm cơm do gia đình tự chuẩn bị đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc.