Mất ngủ kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tác hại của việc mất ngủ, thiếu ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe “khủng khiếp” hơn bạn nghĩ chứ không đơn thuần chỉ ảnh hưởng sức khỏe tạm thời.

Mất ngủ là tình trạng phổ biến và gây ra do nhiều nguyên nhân như stress, tuổi tác hay bệnh lý gây ảnh hưởng,… Do đó, nhiều người chủ quan cho rằng chỉ cần điều chỉnh chế độ ngủ hay uống thuốc thì mất ngủ không còn. Tuy nhiên, mất ngủ chính là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tiểu đường,… Nguy hiểm hơn trong số đó, bạn có thể bị rối loạn não bộ, gây trầm cảm, suy nhược và thậm chí là mắc bệnh ung thư.

Mất ngủ kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư ảnh 1

Những tác hại của việc thiếu ngủ

Suy giảm khả năng miễn dịch

Hệ thống miễn dịch liên quan trực tiếp đến giấc ngủ. Các nhà khoa học đã chỉ ra, nếu những người mất ngủ tiếp xúc với rhinovirus (một loại virus gây cúm) thì họ dễ bị cảm cúm hơn những người ngủ tốt. Do đó, việc thiếu ngủ làm cơ thể suy giảm khả năng kháng bệnh.

Phản ứng chậm

Tình trạng buồn ngủ sẽ khiến bạn mệt mỏi, phản ứng chậm, gây nguy hiểm nhất là khi lái xe.

Béo phì

Thiếu ngủ có thể dẫn đến tăng cân, béo phì. Điều này tưởng chừng vô lý nhưng đã được xác thực bởi nghiên cứu của các bác sĩ tại Đại học Chicago. Theo đó, những người thiếu ngủ, ít ngủ sẽ có cảm giác thèm ăn và tiêu thụ đồ ăn vặt rất nhiều do không kiểm soát được cơn đói, hậu quả là tăng cân mất kiểm soát.

Lão hóa da

Thiếu ngủ khiến cơ thể không sản sinh ra hormon sinh trưởng, mà lại tạo ra hormon căng thẳng làm phá vỡ nhiều collagen trong cơ thể. Hormon này khiến cho da xuất hiện nhiều nếp nhăn, mụn, đồi mồi, giảm độ ẩm và tăng độ nhạy cảm của da.

Nguy cơ ung thư

Thiếu ngủ khiến cơ thể không thể loại bỏ triệt để các gốc tự do có khả năng có khả năng hủy hoại tế bào và gây ung thư, đồng thời còn khiến độc tố tích tụ nhiều hơn, gây nguy hiểm cho cơ thể.

Giảm nhu cầu tình dục

Những người thiếu ngủ thường mang tâm trạng khó chịu và căng thẳng dẫn đến những mối quan hệ cũng trở nên căng thẳng theo. Khi bạn ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày, nồng độ testosterone sẽ giảm và hormone giới tính cũng giảm 15%, làm mất dần hứng thú với bạn đời.

Giảm trí nhớ

Thiếu ngủ dẫn tới suy giảm hoạt động của não bộ. Khi ngủ, não giúp chúng ta phân loại thông tin. Do đó, nếu thiếu ngủ sẽ gây suy giảm trí nhớ, khó tập trung chú ý, giảm sút khả năng lao động và hậu quả tất yếu là giảm tính tích cực trong cuộc sống.

Giảm khả năng tập trung

Thiếu ngủ triền miên sẽ khiến tinh thần mệt mỏi, vì thế mà khả năng tập trung cũng bị thuyên giảm. Nghiên cứu khoa học cho thấy những người thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ bị giảm 50% tốc độ phản ứng khi thực hiện các bài kiểm tra. Như vậy, thiếu ngủ có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập và chất lượng công việc.

Bệnh tim

Tác hại của thiếu ngủ đối với sức khỏe của người cao tuổi là không thể chủ quan. Bởi sức khỏe người già vốn đã yếu, cộng với tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ,… Thậm chí, chỉ cần thiếu ngủ một đêm thì ngày hôm sau huyết áp có thể tăng cao khó kiểm soát.

Ngủ gật không kiểm soát

Do ban đêm thiếu ngủ nên ban ngày bạn sẽ có cảm giác buồn ngủ và ngủ gật không kiểm soát. Cùng với đó, khả năng tập trung bị suy giảm nên bạn có thể ngủ gật ngay cả khi đang ăn, đang làm việc, hay nguy hiểm hơn là đang lái xe, gây nguy hiểm và hậu quả khôn lường.

Mất ngủ kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư ảnh 2

Cách để có giấc ngủ ngon

Chỉ có một cách duy nhất giúp bạn thoát khỏi tình trạng thiếu ngủ đó là ngủ nhiều hơn. Ngoài ra bạn có thể áp dụng các cách dưới đây để có 1 giấc ngủ ngon hơn:

Đi ngủ đúng giờ: Hãy rèn thói quen ngủ đúng giờ vào tất cả mọi ngày, kể cả ngày nghỉ. Cơ thể sẽ tự thiết lập một đồng hồ sinh học giúp bạn muốn đi ngủ vào đúng giờ đó. Bạn cũng nên áp dụng cả thói quen này vào giờ thức dậy, nhưng có thể ngủ thêm một chút vào ngày cuối tuần.

Vận động nhiều hơn: Cơ thể mệt mỏi sẽ là động lực cho giấc ngủ. Nếu công việc của bạn phải ngồi một chỗ, hãy thường xuyên tập thể dục buổi sáng hơn hoặc tập thể dục trước khi đi ngủ khoảng 2 tiếng.

Giảm lo lắng đến mức tối thiểu: Nếu có thể, hãy cố gắng để không vướng vào những cuộc tranh luận căng thẳng, tránh xem nhiều tin tức xấu trên TV hoặc mạng internet. Việc hiểu biết các sự kiện là quan trọng, nhưng đừng để những tin tức tiêu cực ảnh hưởng đến tinh thần của bạn.

Không ăn ngay trước khi ngủ: Sẽ không tốt khi đêm là khoảng thời gian nghỉ ngơi thì bạn lại “ép” các cơ quan tiêu hóa phải hoạt động. Do vậy, hãy ăn ít nhất 3 tiếng trước khi đi ngủ.

Không uống café vào buổi tối: Caffein là chất ức chế thần kinh, gây nên tình trạng mất ngủ và ảnh hưởng xấu đến não bộ. Bạn không nên dùng café vào buổi tối, tương tự với những thức uống chứa caffein khác như trà xanh, nước tăng lực, socola…

Không mang việc về nhà: Nhà là nơi để bạn thư giãn, nghỉ ngơi. Hãy để công việc trong ngày khép lại tại cơ quan. Những cuộc gọi, tin nhắn hay email không quan trọng hãy để nó cho ngày mai.

Thư giãn vào buổi tối: Tắm nước nóng, thiền hay đọc sách là một số cách rất hiệu quả giúp bạn thư giãn và đi vào giấc ngủ tốt hơn.

MỚI - NÓNG