Mắt mở, mắt nhắm mà sống

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Gặp lại Linh, tôi ngạc nhiên khi thấy cô bạn tươi vui, rạng rỡ, xinh xắn hẳn ra, khác với vẻ ủ ê, tiều tụy như trước đây. Tôi hỏi “bí kiếp”, Linh cười, trả lời tỉnh queo: “Tại lúc trước ghen quá nên mới ốm o gầy mòn. Giờ thì kệ ổng…”. Cũng giống với cách nghĩ của Linh, chị hàng xóm gần nhà tôi cũng chọn cách “làm ngơ” để chồng “đi rông” một năm về nhà một tuần vào dịp Tết. Phải chăng cứ “giả câm, giả điếc” mà sống với chồng cũng là cách hữu hiệu để giữ hạnh phúc gia đình?

Duyên muộn nên mãi 32 tuổi Linh mới lập gia đình. Không yêu đương mà qua mai mối, chỉ hai tháng, cô và Hùng làm đám cưới rình rang. Tình yêu đến sau hôn nhân nên hai vợ chồng cũng chật vật trong thời gian đầu sống chung. Là người chồng trách nhiệm, siêng năng, có chí cầu tiến nhưng khổ nỗi vì đẹp trai, giỏi giang nên xung quanh Hùng luôn có cả tá vệ tinh nữ bủa vây.

Kể về những phụ nữ đeo bám chồng mình, Linh không sao nhớ hết. Có lần cô dẫn chồng đi gặp một khách hàng nữ để trao đổi ký kết hợp đồng mua hàng. Suốt buổi nói chuyện, Linh không khỏi khó chịu khi cô khách hàng độc thân cứ tăm tia chồng mình. Cô ấy cười duyên, nói chuyện đẩy đưa đến cuối buổi còn thẳng thừng xin số điện thoại Hùng, kèm lời mời ăn cơm trưa vào ngày hôm sau. Về nhà, hai vợ chồng Linh hục hặc. Nếu chồng không xuống nước, năn nỉ và khẳng định chỉ có “mối quan hệ công việc” với cô khách hàng kia, có lẽ Linh đã bỏ luôn cái hợp đồng mà cô tin sẽ kiếm được vài chục triệu tiền lời.

Từ người thân đến bạn bè ai cũng nhận ra Linh luôn trong tư thế “phòng thủ” mỗi khi chồng gặp gỡ, chuyện trò với phụ nữ. Biết chồng là người ăn nói có duyên, nhỏ nhẹ, có sức hút đặc biệt với phái nữ nên Linh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ sẽ mất chồng. Từ khi có con nhỏ, nỗi lo chồng ngoại tình càng tăng thêm. Nhiều hôm, cô phải gửi con cho người giúp việc để đi rình chồng. Ngoài việc thường xuyên kiểm tra email, điện thoại và các trang mạng xã hội của chồng, Linh bí mật thuê người đặt cả camera trong cốp xe của anh.

Dù chưa một lần bắt gặp cảnh chồng “ăn phở” bên ngoài nhưng Linh vẫn không phút giây nào yên ổn. Nhiều hôm nửa đêm, có tin nhắn điện thoại hay những cuộc gọi, chồng bảo là “nhầm số” còn cô giật mình thon thót. Sau đó, chồng thiu thiu vào giấc ngủ còn Linh vẫn trằn trọc không yên, trong đầu đầy những tưởng tượng về các cuộc tình vụng trộm của chồng.

“Thời gian ấy, mình không ăn uống được. Người lúc nào cũng mệt mỏi, mặt mày ủ dột, gầy rộc đi đến chồng cũng phải nhắc nhở chú ý sức khỏe”, Linh thật thà kể. Một số chị lớn tuổi, chín chắn kinh nghiệm trong việc giữ chồng khuyên Linh nên dành thời gian quan tâm, chăm sóc bản thân, tìm cho mình niềm vui riêng thay vì chăm chăm quản chồng. “Họ bảo mình khờ, đàn ông như cát trong tay, càng nắm chặt lại càng rơi ra”, Linh triết lý.

Linh bắt đầu thay đổi tư tưởng. Cô tìm thêm nhiều việc khác để suốt ngày bận bịu, không có thời gian ghen tuông. Ngoài công việc kế toán ở công ty, con cái, Linh dành thời gian đăng ký các khóa nữ công gia chánh, học thể dục nhịp điệu, tham gia một vài chuyến thiện nguyện. Ngày nào cũng lấp đầy công việc, Linh không còn rảnh rỗi suy nghĩ vẩn vơ về chồng.

Mắt mở, mắt nhắm mà sống ảnh 1

Nhiều hôm, biết chồng nghe điện thoại lúc nửa đêm hay gần sáng nhưng người mệt lả, Linh chẳng mở mắt ra nổi. Hoặc đôi lần những ngày cuối tuần, chồng lên lịch hẹn hò cà phê cà pháo với bạn bè, đồng nghiệp, Linh cũng không đòi đi theo. Cô cố gắng tìm những niềm vui nho nhỏ khác thay cho việc lon ton theo đuôi chồng. Không còn nghe những lời cật vấn, tra hỏi như tội phạm của vợ nên Hùng cũng thấy về nhà “dễ thở” hơn. Sau giờ làm, anh thường siêng về sớm với con hơn, không còn la cà ngoài quán nhậu để tránh mặt vợ.

“Ở nhà thì biết đó là chồng mình còn ra ngoài thì chồng của ai cũng không quan trọng. Chỉ cần anh ta luôn hoàn thành trách nhiệm với vợ con, lương đưa về đầy đủ là OK”, Linh tiếu táo nửa đùa, nửa thật. Cô bảo từ khi “mắt nhắm, mắt mở sống”, bản thân cô hạnh phúc hơn và gia đình cũng yên ấm hơn.

2. Chị Vân hàng xóm gần nhà tôi cũng khiến không ít phụ nữ xung quanh ngạc nhiên. Thời gian đầu mới về đây ở, tôi thắc mắc khi thấy nhà chị ngày nào cũng chỉ có ba mẹ con ra vào. Tôi nghĩ có thể chị mới ly hôn hay góa bụa nhưng ngại nên không dám hỏi chuyện đời tư. Khi thân thiết hơn, chị kể: Ông xã chị là chủ thầu công trình, thường hay nhận các công trình ở tỉnh nên ít khi ở nhà. Thường ngày Tết mới về nhà một-hai tuần, còn cả năm đi biền biệt. Chị cười: “Ổng đi riết, chị và mấy đứa nhỏ cũng quen luôn. Không thấy nhớ nữa”.

Ngôi nhà không mấy khi có đàn ông nhưng luôn được chị Vân chăm chút tỉ mỉ, từ nước sơn đến đồ đạc trong nhà đều được mẹ con chị bài trí ngăn nắp, gọn gàng. Những khi ống nước, điện đóm hư, chị gọi thợ đến sửa. Những việc nhỏ nhặt như thay bóng đèn, bắt lại con ốc cái kệ sách, thay cái chốt cửa… nếu làm được, chị đều tự làm lấy.

Thời gian làm việc của chị Vân cũng kín bưng. Ngoài thời gian bán quần áo ở sạp chợ cho người em gái, chiều tối, chị lấy thêm card điện thoại về bán, làm thêm sữa chua bỏ mối cho các tiệm tạp hóa, bán bảo hiểm. Chưa hết, chị còn nhận thêu tranh tay bán cho bạn bè, người quen… “Vừa kiếm thêm tiền, vừa giết thời gian. Ở không mất công rảnh rỗi sinh nông nỗi…”, chị chia sẻ.

“Chị có sợ ông xã ra ngoài… sinh tật không?”, tôi hỏi thật. Chị Vân cười cười: “Hồi đầu, ổng mới đi, chị cũng ghen dữ lắm. Nhưng công việc của ổng là phải đi, làm sao cản được. Lúc trước, chị nghe lời mấy chị bạn xúi, làm ầm ĩ lên, còn dọa ly hôn mà ổng cũng đâu có ở nhà lâu. Mình làm quá, coi chừng ông đi luôn”.

Mắt mở, mắt nhắm mà sống ảnh 2

Tuy để chồng đi thoải mái nhưng chị Vân đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt. Mỗi tháng, anh đều phải gửi 15 triệu vào tài khoản để chị nuôi hai con ăn học. Đến Tết, ngoài khoản tiền lương gấp đôi, còn có tiền quà cáp cho cha mẹ nội ngoại hai bên. Chị không chấp nhận bất cứ lý do nào khác để thoái thác việc gửi tiền cho mẹ con chị.

Không quan tâm ở bên ngoài chồng làm gì, sống với ai, với chị Vân, trách nhiệm, tình nghĩa vợ chồng là khoản tiền anh đóng góp lo cho hai con. “Không có chồng bên cạnh, mình có thiệt thòi một chút nhưng còn đỡ hơn là ly hôn. Con mình vẫn có cha đàng hoàng, có tiền ăn học tới nơi tới chốn”. Giờ tôi mới hiểu nguyên nhân vì sao chị chọn cuộc hôn nhân ràng buộc trên giấy tờ với chồng nhưng lại để anh “tự do như chim trời”.

Chị vẫn mạnh mẽ sống mà không cần chồng bên cạnh. Hai con ăn học giỏi giang, ngoan ngoãn, lễ phép. Những ngày bên nhau ngắn ngủi, vợ chồng anh chị luôn hạnh phúc, vui vẻ, ấm cúng. Chị tuyệt nhiên không căn vặn, trách móc hay nặng nhẹ chồng nửa lời. Ngược lại, anh cũng tôn trọng và có phần nể vợ. So với nhiều người có chồng kè kè bên cạnh nhưng chồng suốt ngày ăn nhậu bê tha, sáng đá gà, chiều đề đóm, thì cách sống và quan niệm hôn nhân tiến bộ như chị Vân khiến tôi ngưỡng mộ.

Tôi thích cách nghĩ của Linh và chị Vân. Có lẽ phụ nữ khổ vì họ luôn lo sợ những điều chưa kịp xảy ra. Sống mà luôn nơm nớp lo lắng chồng theo vợ nhỏ, chồng bỏ, chồng chán… thì còn đâu tâm trí để tận hưởng và cảm nhận hạnh phúc hiện tại. Đừng xem đàn ông như những món đồ “quý hiếm” rồi ra sức khư khư giữ gìn để tự đày đọa, làm khổ bản thân mình. Phụ nữ nên tìm cho mình công việc, niềm vui riêng thay vì chăm chăm lo giữ tấm chồng đến hao mòn thân xác.

Theo Theo PNO
MỚI - NÓNG