Mất kiểm soát diện rộng
Ngày 21/11, một ngày sau sự cố tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài tại TPHCM, lãnh đạo Bộ GTVT, Quân chủng Phòng không không quân họp kín từ sáng đến đầu giờ chiều vì mức độ nghiêm trọng, khẩn nguy của sự cố.
Trao đổi sau đó, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, cho hay: Thời gian hệ thống ngưng hoạt động kéo dài 35 phút (từ 11 giờ 5 phút) ngày 20/11. Lúc đó, 54 tàu bay đang trong vùng kiểm soát bay HCM; trong đó có 8 máy bay đang tiếp cận hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất; chưa kể các máy bay đang tiếp tục bay vào.
Biện pháp ứng cứu là chuyển sang dùng đài kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất, điều hành các máy bay hạ cánh mà không có radar. Các sân bay khác trên toàn quốc được yêu cầu dừng cất cánh. Các chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất quay lại, bay chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị. Đồng thời, Cục Hàng không thông báo cho các vùng thông báo bay lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hà Nội... yêu cầu máy bay không tiếp tục bay vào. Giải pháp khắc phục này được đại diện Cục Hàng không cho rằng đúng quy trình, “vượt trên cả mong đợi” khi không xảy ra tai nạn đáng tiếc nào. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Hàng không, đây là sự cố bất khả kháng nên không đặt vấn đề đền bù cho các hãng hàng không và hành khách.
Dự phòng 3 cấp vẫn tê liệt
Ông Lại Xuân Thanh cho hay, nguồn điện cấp cho Trung tâm Kiểm soát không lưu TPHCM kết nối với 3 bộ lưu điện (UPS). Ba bộ UPS này có ba chức năng: Kết nối nguồn điện với hệ thống, lưu trữ điện để cấp điện ngay lập tức cho hệ thống và chuyển tiếp sang nguồn điện dự phòng (chạy bằng 3 máy nổ, một máy nổ có thể cấp điện đủ cho cả hệ thống). Khi xảy ra sự cố, một UPS đủ khả năng kết nối, cung cấp điện cho toàn hệ thống.
Sự cố ngày 20/11 xảy ra khi một trong 3 bộ UPS bị hỏng. Thông thường, 2 UPS còn lại sẽ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi khởi động lại chiếc UPS bị hỏng đã làm hỏng luôn 2 UPS còn lại. Vì thế, điện lưới và ba máy nổ dự phòng vẫn hoạt động bình thường nhưng do tất cả UPS bị hỏng nên không đưa điện được vào, dẫn đến toàn bộ hệ thống điều hành bị tê liệt.
Ông Thanh cho biết, đây là hiện tượng hết sức bất thường so với quy chuẩn vận hành. Cục đã lập tổ điều tra để xem xét lại quy trình sử dụng, bảo dưỡng máy và cả khâu thiết kế (các UPS này do nước ngoài sản xuất, chuyển giao).
Tại cuộc họp, phóng viên đặt vấn đề về năng lực của các nhân viên điều hành bay; thậm chí, 1 trong 4 nhân viên của kíp trực là con em lãnh đạo Tổng Cty Quản lý bay. Ông Đài Hữu Gia, Phó Tổng GĐ Tổng Cty Quản lý bay, nói: “Việc con em lãnh đạo ngành nào cũng có, không chỉ hàng không. Nhưng chúng tôi cam kết, việc tuyển dụng cũng như sử dụng phải đảm bảo yêu cầu. Bất cứ ai sai cũng phải kỷ luật”.
Trong khi đó, trả lời Tiền Phong, ông Đào Hữu Gia cho hay, doanh thu của Tổng Cty Quản lý bay mỗi năm là hơn 2.000 tỷ đồng; Tổng Cty này được giữ lại 35% trong đó có các nội dung chi cho mua sắm trang thiết bị, máy móc.
Sự cố trực thăng quân đội cắt ngang máy bay của Vietnam Airlines khi vừa cất cánh tại Sân bay Tân Sơn Nhất hôm 29/10 vẫn chưa có kết luận chính thức. Ông Lại Xuân Thanh cho biết, có sự thiếu đồng bộ trong hiệp đồng bay giữa quân sự và dân dụng. Tuy nhiên, việc khẳng định có sai sót từ chỉ huy điều hành bay quân sự như trước đó là chưa đủ cơ sở.