Mập mờ ăn theo thương hiệu lớn

Mập mờ ăn theo thương hiệu lớn
TP - Phân biệt như thế nào giữa bột giặt TOMOT với bột giặt OMO khi hai chữ T đã được làm mờ tối đa, hoặc phân biệt giữa nước khoáng LaVie với TaVie khi màu sắc, kiểu dáng nhãn hiệu na ná nhau? Vi phạm sở hữu trí tuệ kiểu ăn theo thương hiệu lớn đang gia tăng với mức độ ngày càng tinh vi.

Vi phạm sở hữu trí tuệ:

Mập mờ ăn theo thương hiệu lớn

Mới đây, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, đã xử phạt Cty Cổ phần Cửa châu Âu do có dấu hiệu vi phạm bản quyển đối với nhãn hiệu Eurowindow của Công ty cổ phần Cửa sổ nhựa châu Âu - Eurowindow. Trước đó là vụ Cty Cổ phần Vincom kiện Cty Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon. Rồi sự na ná lập lờ TaVie đối với LaVie, hay TOMOT đối với OMO khi hai chữ “thừa” được làm mờ.

Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, việc tạo nhãn mác ăn theo là việc làm cố ý gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, tạo sự mập mờ thương hiệu các công ty lớn đã có thành công tại quốc tế và Việt Nam.

Chỉ tính từ năm 2010 tới nay, Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ đã xử phạt 30 vụ vi phạm sở hữu công nghiệp, thu nộp ngân sách gần 600 triệu đồng. Để tránh xảy ra tranh chấp, vi phạm vi phạm SHTT, lãnh đạo Cục SHTT cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm thỏa đáng đến SHTT từ khi mới thành lập, từ tên doanh nghiệp, mặt hàng kinh doanh, công nghệ chế tạo, xuất khẩu ở thị trường nào đều phải được đăng ký SHTT...

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục SHTT sẽ cho phép nộp đơn đăng ký SHTT qua mạng, đồng thời hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật để có thể nhận đăng ký SHTT 24/24h chỉ qua một cái click chuột.

Xử phạt vi phạm SHTT ở Việt Nam chủ yếu mới là xử phạt vi phạm hành chính, vừa mang tính tuyên truyền, vừa mang tính giáo dục. Mức phạt cao nhất hiện nay 500 triệu đồng vẫn là quá thấp, chưa đủ sức răn đe - Ông Hoàng Văn Tân - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ - cho biết.

Theo ông Tân, lý do là Luật SHTT còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Cả công chúng và doanh nghiệp đều chưa nhận thức được các vấn đề liên quan SHTT. Việc xử phạt như thế nào còn phải căn cứ điều kiện thực tế của Việt Nam.

Ông Tân nêu ví dụ, thời gian qua có nhiều vụ việc đình đám về vi phạm SHTT đối với nhãn hiệu xe máy Honda với các mẫu xe: Wave, Future. “Cứ thấy mẫu nào bán chạy là nhái” - Ông Tân nói.

Một số nước khi bắt được các vụ nhái mẫu mã như vậy thường tiêu hủy tang vật vi phạm, nhưng ta chỉ cấm lưu thông mặt hàng vi phạm, đồng thời buộc gỡ bỏ các yếu tố vi phạm như khung, yếm, yên xe ...

“Làm vậy không phải là ta tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái. Mà việc xử lý ra sao còn tùy vào điều kiện kinh tế của Việt Nam, đồng thời để giáo dục, răn đe cho các doanh nghiệp trong bối cảnh SHTT còn quá mới mẻ, ta đi sau các nước hàng trăm năm” - Ông Tân lý giải.

Theo ông Tân, vi phạm SHTT là quan hệ dân sự, tốt nhất nên đưa ra tòa án giải quyết, tòa án sẽ có phán quyết và đưa ra mức đền bù cho bị hại. Ở ta giải quyết vi phạm SHTT qua tòa án còn ít, do nhiều người vẫn ngại “dính dáng” đến tòa án, ngại mất thời gian, mất án phí...

Trong khi đó, nếu chỉ giải quyết bằng xử phạt vi phạm hành chính, tiền xử phạt nộp vào công quỹ Nhà nước trong khi phía bị xâm phạm SHTT không được bồi thường gì.

“Cá nhân tôi mong muốn trong tương lai sẽ có tòa chuyên trách về SHTT. Các vụ việc vi phạm SHTT sẽ được xử tại tòa này chứ không thiên về xử vi phạm hành chính như hiện nay. Quan tòa, thẩm phán được đào tạo chuyên môn về SHTT, thay vì xử tất tật từ ly hôn tới phạm tội.” - Ông Tân nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG