Mạo danh sản phẩm Viện Hàn lâm lừa người dùng

Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng nên truy cập vào địa chỉ này để xác minh sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hoài
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng nên truy cập vào địa chỉ này để xác minh sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hoài
TP - Sản phẩm không do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, sản xuất nhưng lại được ghi sản phẩm của Viện Hàn Lâm, sản phẩm do Viện Hàn lâm nghiên cứu…là hình thức giả mạo xảy ra thường xuyên, nhất là với thực phẩm chức năng.

Nhà có người bị tiểu đường, chị Nguyễn Thu Huế (Đống Đa, Hà Nội) đặt mua nồi cơm điện tách đường với giá 3,5 triệu đồng. Sản phẩm được giới thiệu là “Nghiên cứu Viện Hàn lâm Việt Nam-Giải pháp hữu ích cho bệnh tiểu đường: được Viện Hàn lâm Việt Nam chứng nhận có công dụng tách đường lên đến 33% trong cơm trắng và gạo lứt…giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch”.

Tuy nhiên, khi nhờ người quen kiểm tra lại thông tin từ phía Viện Hàn lâm thì được biết, đây không phải là sản phẩm của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ngay tên đơn vị cũng không đúng. Tại Việt Nam hiện nay chỉ có hai Viện Hàn lâm là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học&Xã hội Việt Nam, không có đơn vị nào là Viện Hàn lâm Việt Nam.

Trước đó, anh Đ.V.Q, một cán bộ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tá hỏa khi phát hiện một trung tâm xét nghiệm về ADN có trụ sở đặt tại 18 Hoàng Quốc Việt. Trung tâm này được giới thiệu cung cấp những dịch vụ khá nhạy cảm như xét nghiệm ADN cha (mẹ) - con, xét nghiệm ADN họ hàng. Địa chỉ 18 Hoàng Quốc Việt là trụ sở của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Tuy nhiên, phía Viện khẳng định không hề có trung tâm nào có tên như vậy. Hiện tại, trên website của đơn vị này đã bỏ địa chỉ 18 Hoàng Quốc Việt.

Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) từng phản ánh việc có một số trang mạng đăng quảng cáo sản phẩm, trong đó có ghi tên Viện Hàn lâm và địa chỉ chung là 18 Hoàng Quốc Việt. Thực tế, thông tin trên các trang mạng nói trên là không rõ ràng, không thông tin rõ sản phẩm là của đơn vị nào dưới sự quản lý của Viện Hàn lâm.

Theo ông Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, lợi dụng kẽ hở trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng, thời gian gần đây một số đối tượng đã mạo danh Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để quảng cáo sản phẩm với nội dung không chính xác làm ảnh hưởng đến uy tín của Viện Hàn lâm và gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Ông Quỳnh cho biết, có nhiều hình thức mạo danh như trên bao bì sản phẩm như tại phần “Địa chỉ” ghi: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Trên bao bì sản phẩm, tại phần “Tư vấn” ghi: bởi Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Trên bao bì sản phẩm ghi: Chuyển giao từ đề tài/kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Ngoài ra, trên các website, fanpage bán hàng, để tăng độ tin cậy và uy tín, nhiều doanh nghiệp, cá nhân thường xuyên nhắc đến xuất xứ sản phẩm là từ Viện Hàn lâm KH&CN  Việt Nam. “Vấn nạn này càng đặc biệt nghiêm trọng với các sản phẩm thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền”, ông Quỳnh 
chia sẻ.         

Để chấn chỉnh tình trạng mạo danh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xây dựng trang web công bố các sản phẩm của mình ở địa chỉ: http://www.vast.ac.vn/?Itemid=249. Ông Hà Quý Quỳnh cho biết, khi mua sản phẩm có ghi sản xuất/tư vấn/địa chỉ tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khách hàng nên truy cập vào đường link trên. Nếu không có trong danh mục sản phẩm thì đó là hàng giả mạo, người dùng cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

MỚI - NÓNG