Mạnh thường quân 'Hai lúa'

Mạnh thường quân 'Hai lúa'
TP - Từ tháng 2/2004 đến nay, danh sách cho gạo của ông “Hai lúa” Bùi Xuân Hiền ở thôn An Bình 1, Lộc Vĩnh, Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) đã lên tới con số 80 gia đình.
Mạnh thường quân 'Hai lúa' ảnh 1
Ông Bùi Xuân Hiền cùng quyển sổ ghi danh sách những người được nhận gạo

Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 17 (dương lịch) hàng tháng là ông mở cửa đón bà con nghèo đến nhận gạo, mỗi người 15kg/tháng. Đến bây giờ đã được gần 4 năm, ông không nhớ là đã cho người nghèo bao nhiêu tấn gạo. Gian nhà không lấy gì làm giàu có của ông chật nhưng lúc nào cũng vui...

Ông già lạ lùng!

Tôi biết đến ông qua lời một vài người bạn học về quê ông đi thực tế: “dưới nớ (Lộc Vĩnh, Phú Lộc, TT Huế) có ông già lạ lắm, tóc bạc cả đầu rồi mà ngày mô cũng cưỡi xe đi loanh quanh từ xã này qua xã khác. Mà tới mô cũng luôn miệng một câu hỏi: “Ở vùng ni có nhà ai hoàn cảnh thật sự đặc biệt khó khăn không chỉ giùm tui tới coi với?”.

Nghe cũng lạ, có ai “rảnh việc” như vậy không nhỉ ? Tôi quyết định đi tìm cho được ông già lạ lùng ấy.

“Chú tìm nhà ai? Ông Hiền hả? Thằng út mô rồi, đem chú tới nhà bác Hiền “từ thiện” đi con” - một bà mẹ tay bồng đứa con nhỏ mà tôi gặp ở đầu con đường dẫn vào xã Lộc Vĩnh (mà sau khi gặp tôi mới biết cách nhà bác Hiền đến non 5 cây số) cuống quýt gọi đứa con sau khi biết nơi tôi cần tới.

Đây rồi! nhìn sâu vào ngõ, một ngôi nhà ba gian hết sức bình thường, thậm chí còn thua cả những ngôi nhà bên cạnh: Trong ni là nhà bác Hiền “từ thiện” đó!

Mạnh thường quân mà tôi nghe kể là một ngư dân tóc và chòm râu lốm đốm bạc, da sạm màu nắng gió, đặc biệt đôi mắt và giọng nói ẩn đầy nét nhân hậu, chất phác.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên nhìn quanh nhà, ông giải thích: “Bà con quanh mình còn khổ, mình có đỡ hơn một chút, thế là tui san sẻ cho họ!”.

Từng gắn bó gần trọn cuộc đời với sóng và gió nhưng chưa một ngày cả gia đình ông được sung sướng, thậm chí có khi phải chạy ăn từng bữa. Ông ra biển đánh cá, bà ở nhà chăm lo gia đình lớn đến 17 miệng ăn. Dưới chân toàn cát, một mảnh ruộng cũng không ra hồn. Hai vợ chồng cùng bà con miền quê biển ấy dìu dắt nhau, thế mà đã gần bảy chục năm.

“Thực ra, tui làm cái việc lạ lùng đó cũng không hoàn toàn muốn là làm, mà cũng nhờ có cháu tui, không có hắn thương tui thì mần răng tui thương lại bà con mình được” - ông Hiền nói.

Năm 2003, đứa cháu họ của ông qua Mỹ làm công nhân và lập gia đình luôn bên đó. Những người dân vùng cát ấy, người mừng thầm cho ông, không ít người ghen tị. Có cháu đi Mỹ mà lị!

Mà cũng đáng mừng thật. 300 USD mỗi tháng mà cháu gửi về cho là con số khổng lồ đối với ông cũng như những người dân quê vốn chỉ quen đếm từng nghìn tiền lẻ một từ mẻ cá kéo được hàng ngày.

Có thêm chút tiền, ông thảnh thơi hơn. Chiều chiều, ông có thời gian đi dạo quanh vùng. Nhưng càng đi nhiều, ông lại càng chứng kiến nhiều cảnh đời éo le mà một con người đã từng đi qua đói khổ như ông không thể nào ngoảnh mặt làm ngơ được.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông đi đến một quyết định: trích ra 250 USD mà cháu gửi về cho mình hàng tháng để mua gạo chia cho những người dân gặp cảnh thật sự túng bấn trong vùng, còn 50 USD ông sẽ dành cho chi phí xăng xe ông đi lại tìm người nghèo! 

Cả vợ con, cả hàng xóm đều bị “sốc” với cái quyết định “điên rồ” đó của ông. Ai đời cả một đời đói khổ, nay được bù đắp đôi chút lại đem đi cho thiên hạ. Rứa mà ông làm thật!

“Có bữa thằng con út bị ốm, không có sẵn tiền, bà nhà tui bàn mượn tạm “quỹ gạo” lo cho con. Nhưng tui quyết không chịu, nếu như vậy thì những người nghèo lấy đâu ra gạo để ăn trong tháng đó. Vậy là bà ấy phải đi vay mượn người bà con được mấy triệu đi lo cho con” - Ông kể lại.

Hành trình đi tìm… người nghèo!

Đã gần bảy mươi xuân rồi, dường như quãng thời gian lênh đênh chừng đó năm trên biển là quá ít. Ông lại một mình một ngựa đi tìm… người nghèo. Rồi ông cẩn thận ghi vào một quyển sổ.

Hễ nghe đâu đó có người nghèo khó, neo đơn, gia cảnh bi đát là ông lại tìm tới. Không chỉ tới một lần, mà vài lần, để động viên họ vượt qua khó khăn và tìm cho họ cách làm ăn trong tương lai. “Tui chỉ muốn là người đưa đò ra khỏi bến cạn, còn đi đâu thì mỗi người phải tự chèo lái”.

Bắt đầu từ tháng 2/2004, đến nay danh sách cho gạo của ông “Hai lúa” Bùi Xuân Hiền đã lên tới con số 80 gia đình. Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 17 (dương lịch) hàng tháng là ông mở cửa đón bà con nghèo đến nhận gạo.

Gian nhà của ông chật nhưng vui lắm. “Mỗi người 15kg/tháng. Đến bây giờ đã được gần 4 năm. Tui cũng không nhớ là đã cho bao nhiêu tấn gạo nữa. Mình làm việc thiện thì kể làm gì”.

Hàng tháng, ông đi mua gạo phát cho người nghèo, ông phải chọn cho được loại gạo ngon. Có người hỏi: “tại sao ông không mua loại gạo thường cho rẻ, ông cũng đâu có ăn mà lại mua được nhiều gạo phát cho nhiều người nữa?”. Ông chỉ cười: “Người nghèo họ đã quá nghèo rồi mà mình còn cho họ “gạo khổ” nữa thì tội lắm”. Và cũng từ đó, biệt danh ông Hiền “từ thiện” ra đời thay thế cho biệt danh ông Hiền “râu”.

Tiếng lành đồn xa, có những người ở tận những xã xa như Lộc Thủy, Lộc Trì… biết tiếng cũng đến gõ cửa nhà ông Hiền. Họ không có trong danh sách nhưng ông không đành lòng nói từ chối. Lắm khi, ông phải cho chia nhỏ số gạo ra, từ 15kg/người xuống 10kg/người.

Cũng có khi ông cám cảnh người ta đến tìm, bàn với vợ xúc một ít gạo nhà đem cho. “Những lúc ngặt nghèo là những lúc người ta cần mình nhất. Có nhiều chia nhiều, có ít mình chia ít, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn đó cũng là cái lẽ ở đời”. Rồi ông thoáng buồn: “Chỉ tiếc là sức tôi có hạn, chỉ làm được bấy nhiêu”.

Khi “dự án” mới bắt đầu được một thời gian, ông có dịp qua làng Cảnh Dương (Lộc Vĩnh) dự đám giỗ người bà con. Đang ăn, nghe người ta kể về gia cảnh của một gia đình có hai đứa con gái bị nhiễm chất độc da cam, ông làm cho những người có mặt sửng sốt khi vội buông đũa, hỏi địa chỉ rồi tìm ngay tới.

“Lòng tui thấy xót xa thật sự khi nhìn người mẹ già 77 tuổi sáng chiều hai buổi tảo tần trên chiếc thuyền nan câu được con cá, con tôm nuôi hai đứa con (đứa 28 tuổi, đứa 25 tuổi) bé xíu như đứa con nít chỉ biết nằm một chỗ, những buổi mưa gió là cả nhà chơi vơi với miếng ăn”.

Từ ngày đó, ông tự điền thêm vào danh sách một cái tên: Lê Thị Chung.  Cũng ngày 17 một tháng cuối năm 2004, một người phụ nữ trẻ trên tay bồng một đứa bé sơ sinh đến nhà ông xin giúp đỡ, khi biết mình không có tên trong danh sách, chị quay lưng khóc một mình.

Không phải khóc vì không được cho gạo, mà khóc vì số phận hẩm hiu của mình. Cưới nhau chưa được bao lâu thì người chồng nhẫn tâm bỏ đi, để lại chị bơ vơ với đứa con nhỏ tật nguyền trong túp lều giữa cánh đồng hoang vắng.

Mạnh thường quân 'Hai lúa' ảnh 2
Hai mẹ con chị Hứa Thị Bé được ông Hiền cưu mang .

Quẫn chí, có lúc hai mẹ con định quyên sinh cho bớt khổ nhưng ông Hiền đã kịp thời xuất hiện và cưu mang mẹ con chị đến tận bây giờ.

Đối với chị Hứa Thị Bé (Phú Gia, Lộc Tiến), ông Hiền như người cha thứ hai của mình. “May có ông cứu vớt, nếu không…” - chị nhìn đứa con mà nước mắt trào ra.

Cơn bão Xangsane hồi tháng 10/2006, người dân trong xã ông bị thiệt hại khá nặng, quặn lòng khi những người dân thẫn thờ trước cảnh tan hoang nhà cửa, ông lại vận động quyên góp tiền từ mấy đứa cháu.

“Kỳ đó tui xin được 2.000 USD, mừng quá, đem về mua ngay áo quần, chăn màn, mắm muối cứu đói cho dân trong vùng. Trước khi chính quyền địa phương đến hỗ trợ”.

Giấc mơ của ông “Hai lúa”

Có sẵn tấm lòng tương thân tương ái, nhưng sức người có hạn, một mình ông không thể trải lòng ra với tất cả người nghèo. “Nhiều lúc qua một vùng quê, thấy có nhiều gia cảnh đáng thương lắm, nhưng mình tui lo không hết được”. Ra về mà lòng ông cứ nặng trĩu.

Ông “Hai lúa” chỉ ao ước một điều, làm sao cho những người xung quanh mình bớt khổ. Nhưng muốn làm được điều đó thì cần phải có cả sức người và sức của. Cần phải có sự hợp sức của cả cộng đồng.

“Tui muốn giúp không chỉ những người nghèo trong bốn xã này mà trong tương lai phải mở rộng ra nhiều nơi nữa, một hiệp hội của những tấm lòng vàng trên quê hương là điều mà tui đã nghĩ đến. Khi hội này ra đời thì sẽ có nhiều người nghèo được giúp đỡ hơn”.

“Lỡ sau này bác không còn nữa thì người nghèo biết dựa vào ai?” - tôi đùa. “Thì con cháu tui phải tiếp tục cái nghiệp đó”. Rồi ông cười nụ cười phúc hậu: “Mà tui không thể chết sớm rứa được mô. Tui phải sống để giúp người nghèo đã chứ”...

Quốc Nam

MỚI - NÓNG