Tọa đàm do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trước thực tế: Khoảng 5-6 triệu người Việt du lịch nước ngoài, nguy cơ hành vi xấu ảnh hưởng hình ảnh quốc gia không thể xem nhẹ.
Người Việt xấu xí từ lâu
“Hình ảnh người Việt thê thảm trong mắt người nước ngoài không phải bây giờ mới có”, ông Nguyễn Văn Mỹ (Cty Lửa Việt) nói. Ông kể lại câu chuyện những năm 1980, một đoàn thanh niên Việt Nam sang Đức giao lưu ăn mặc nhếch nhác quần jeans, áo phông, mang thùng giấy thay cho vali trong khi đoàn của Lào đóng bộ vest, kéo vali Samsonite.
Tạm gom tám tật xấu của người Việt khi ra nước ngoài: Mặc đồ ngủ, đồ bộ ra ngoài, nói chuyện điện thoại ồn ào và chửi thề, tác phong “không đi trễ không phải người Việt Nam”, lãng phí khi ăn uống nhất là buffet, xả rác tuỳ tiện, đi chơi chủ yếu để chụp ảnh, ít tìm hiểu, nghiên cứu, thích “cầm nhầm đồ ở cửa hiệu”, du lịch để trốn ở lại, cư ngụ bất hợp pháp. Phó giám đốc Cty Transviet Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, mới đây, khi đưa một đoàn người Việt tham quan một hòn đảo xinh đẹp ở Nhật, anh Đạt chứng kiến người trong đoàn tha hồ xả rác, trễ giờ thản nhiên vì mải shopping.
Nhiều người Việt du lịch nước ngoài mang tiếng lây, bởi ngày càng nhiều nước có biển cảnh báo bằng tiếng Việt ngăn chặn nạn trộm cắp, xử phạt nếu để đồ ăn thừa, đề nghị không xả rác bừa bãi. “Chúng tôi mong đem lại dịch vụ tốt nhất, tôn trọng du khách nhưng phải thừa nhận bộ phận hành xử không đẹp ngày càng tăng. Chúng ta không ai muốn tiếng Việt bị quốc tế hoá theo xu hướng của những tấm biển báo kể trên”, anh Đạt nói. Người Việt trước khi du lịch thường mù mờ thông tin về tập quán, văn hoá địa phương.
Chấn chỉnh thế nào?
Đợt phát động chiến dịch thay đổi hình ảnh du khách Việt ra nước ngoài do một công ty du lịch tiên phong, nay được Hiệp hội Du lịch Việt Nam đứng ra chủ trì để nhân rộng. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội biết đây là “cuộc vận động đầy gian khổ vì người Việt ít tiếp thu lời khuyên, sống bản năng nhiều hơn”, tuy nhiên đã đến lúc không thể khoanh tay mãi.
Xử phạt thật mạnh tay, đối với người vi phạm nặng có thể cấm xuất cảnh. Ông Nguyễn Văn Mỹ đề xuất vậy, nhưng tự biết “đó là chỉ là bẻ ngọn, còn cái gốc phải ngăn ngừa bằng giáo dục, để người Việt không có điều kiện và không dám vi phạm”. MC Lê Anh (Khoa Du lịch học, trường ĐH KHXH&NV) cho rằng, cần đào tạo thêm, đào tạo lại những người trực tiếp giao dịch với khách như hướng dẫn viên, người bán, điều hành tour. “Khách Việt ra nước ngoài không những thiếu thông tin mà thiếu luôn kỹ năng sinh tồn. Trước hết phải trách nhóm những người này chưa nêu cao tinh thần định hướng hành vi của khách ở nước ngoài”. Các chuyên gia du lịch cho rằng, khách được hướng dẫn viên nhắc nhở kịp thời có thể giảm đến ba phần tư khả năng vi phạm.
“Chúng ta nên tập trung vào những thứ khả thi, còn luật để xử phạt rất khó. Cấm hút thuốc nơi công cộng, vứt rác bừa bãi đều có luật cả rồi nhưng lâu nay có xử lý được ai đâu”, ông Nguyễn Quang Vinh, Khoa Du lịch học, trường ĐH KHXH&NV nói.
Dự thảo lời khuyên cho du khách dài 6 trang do Hiệp hội Du lịch soạn thảo, mới ở bước đầu đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Ba nội dung trong văn hóa ứng xử trong khi đi du lịch và 10 hành động đẹp được đề xuất: Đúng giờ, xếp hàng, bỏ rác đúng nơi quy định, không gây ồn ào, tránh lãng phí, biết nói xin chào, cảm ơn, xin lỗi, xin vui lòng. Dẫu vậy, nhiều đại biểu chờ đợi hành động của cơ quan chức năng-Tổng cục Du lịch Việt Nam- để đạt được sự thay đổi có hệ thống.