Mang tội với dân vẫn được hưởng chính sách người có công

Mang tội với dân vẫn được hưởng chính sách người có công
TP - Không hề tham gia cách mạng, thậm chí từng mang tội với dân, nhưng nhiều người ở xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc) vẫn được nhận Huân chương kháng chiến (HCKC) và chế độ trợ cấp hàng tháng (TCHT)...

Từ năm 2005 trở về trước, Lộc Điền đã triển khai thủ tục xác nhận cho nhiều trường hợp tham gia kháng chiến.

Lợi dụng chủ trương này, ông Nguyễn Minh, nguyên cán bộ chính sách xã Lộc Điền, cùng một số lãnh đạo địa phương đã “phù phép” hồ sơ công nhận người có công cách mạng (CCCM), biến giả trở thành thật. Việc làm sai trái của các “quan xã” Lộc Điền đã bị nhân dân tố giác.

Bức xúc của dân lên đến đỉnh điểm kể từ tháng 9/2006, khi có một trường hợp tên là Đỗ Cho nhận HCKC và chế độ TCHT, bị phát hiện từng là đảng viên đảng Đại Việt khét tiếng “chống Cộng” và làm ấp trưởng dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Trước phản ứng quyết liệt của người dân, Đảng ủy xã Lộc Điền đã tiến hành kiểm tra và phát hiện gần 50 trường hợp xác nhận CCCM có dấu hiệu nghi vấn. Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan điều tra Công an huyện Phú Lộc buộc phải vào cuộc.

Đến nay, theo nguồn tin của Tiền phong, qua thẩm tra 43 hồ sơ được công nhận CCCM bị nghi vấn giả mạo tại Lộc Điền, cơ quan chức năng đã xác định có ít nhất 40 trường hợp không đúng đối tượng.

Còn một vấn đề cần phải làm rõ, đó là có hay không đường dây chuyên giả mạo thủ tục xác nhận người CCCM tồn tại lâu nay tại huyện Phú Lộc?

Ngoài ông Nguyễn Minh, CQĐT hiện đang kiến nghị xử lý nghiêm đối với các đối tượng liên quan từng là lãnh đạo cũng như cán bộ đương nhiệm xã Lộc Điền...

Ông Lê Đẩu -Bí thư Đảng ủy xã Lộc Điền- khẳng định với phóng viên Tiền phong, trong quá khứ ông Đỗ Cho chẳng những không có công mà thậm chí còn mang tội với cách mạng (!).

Đảng ủy, chính quyền xã đang chịu áp lực lớn trước bức xúc ngày càng tăng của người dân, còn phía huyện Phú Lộc lại chậm xử lý sai phạm.

Ông Phan Tư - lão thành cách mạng xã Lộc Điền - bày tỏ bất bình: “Hơn một năm nay, chúng tôi nhiều lần chất vấn Bí thư Đảng ủy xã, nhưng đều nhận được câu trả lời qua loa là phải đợi, với lý do vụ việc vượt ngoài tầm kiểm soát và khả năng xử lý của địa phương”.

Tiền trợ cấp người có công phải cất ngân hàng

Kể từ tháng 11/2006, sau khi sai phạm được phát hiện, tiền TCHT dành cho 43 trường hợp từng được công nhận CCCM tại Lộc Điền (tổng cộng mỗi tháng trên dưới 11 triệu đồng), buộc phải đem gửi ngân hàng.

Theo Chủ tịch xã Huỳnh Bình, chính quyền buộc tạm gửi tiền TCHT vào ngân hàng do chưa xác định bao nhiêu trường hợp mạo nhận CCCM. Được biết, ở Lộc Điền trước đây có đến 47 hồ sơ CCCM bị nghi vấn làm giả mạo, nhưng 4 trường hợp được công nhận đã chuyển đi nơi khác.

Theo chứng cứ chúng tôi thu thập được, hồ sơ ban đầu của 47 trường hợp kể trên không hề được hội đồng thi đua khen thưởng (HĐTĐKT) xã Lộc Điền xét duyệt, nhưng lại dễ dàng “lọt cửa” các cơ quan chức năng cấp huyện.

Điều khó hiểu, các trường hợp nghi vấn nêu trên sau khi được công nhận CCCM, nhận HCKC và đều đặn đến lãnh tiền TCHT tại UBND xã Lộc Điền, nhưng Đảng ủy và chính quyền địa phương không hề hay biết (?).

Dù không qua HĐTĐKT xã, nhưng vẫn có không ít cán bộ ở Lộc Điền xác nhận vào hồ sơ xin công nhận CCCM của 47 trường hợp nêu trên (cấp xã phải xác nhận 7 chữ ký) với tư cách là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã...

Có người liên quan đến vụ việc hiện đã kịp leo lên đến ghế một phó phòng cấp huyện. Riêng ông Nguyễn Minh hơn một năm nay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trước đó, ông Minh còn dính dáng đến một vụ chiếm dụng 37 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội và tử tuất tại địa phương.

Dù tự ý bỏ nhiệm sở hơn một năm nay, ông Minh vẫn được UBND huyện Phú Lộc “ưu ái” cho kéo dài công tác đến ngày 31/12/2007 mới bị sa thải vì lý do “bỏ việc dài ngày”.

 Nhiều người tỏ ra bất ngờ trước nguyên nhân bị sa thải rất “nhẹ nhàng” của ông Minh, không vì lý do chiếm dụng tiền tử tuất hay giả mạo hồ sơ CCCM, trong khi vụ việc sai phạm đã được CQĐT kết luận từ tháng 10/2007.

MỚI - NÓNG