Tấm bia đầy chiến tích
Làng Ho, thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Từ Đông Hà (Quảng Trị) xe chúng tôi chạy hết tốc lực trên cung đường được rải nhựa hoàn toàn nhưng đi từ tờ mờ sáng, tới giữa trưa mới đặt chân đến Làng Ho.
Quãng đường rừng núi trên vách đông Trường Sơn vẫn còn rất thưa thớt bản làng, chỉ thấy khe suối và rừng núi trùng điệp. Mãi khi lên tới đỉnh Trường Sơn cao chất ngất, rồi xuôi đổ đèo dốc mù sương về mạn Tây Trường Sơn và lấp ló Làng Ho ở đó.
Đến bản Ho mới biết được ý nghĩa câu hát “Đông Trường Sơn nhớ Tây Trường Sơn”. Trên vách núi nghiêng về phía mặt trời lặn, chúng tôi nhìn thấy một tấm bia cao hơn đầu người, ghi tạc những dòng chữ: “Làng Ho - nơi đây tháng 10 năm 1959 đã được chọn đặt chỉ huy sở tiền phương của Đoàn 559, là điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị - Thiên và khu 5 từ năm 1959 đến năm 1962.
Năm 1966, 1967, bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn đã mở đường cơ giới Thạch Bàn - Làng Ho; Làng Ho- Khe Sanh; Làng Ho - Bản Đông (Lào) để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 Nam Lào năm 1971”.
Theo tính toán, đến cuối năm 1970, Đoàn 559 đã có 27 binh trạm, vận chuyển tới 40.000 tấn hàng với tỷ lệ mất mát chỉ là 3,4%, góp phần không nhỏ vào sự sống còn của con đường Trường Sơn huyền thoại.
Nhiều người Vân Kiều lấy họ Hồ làm họ của mình, xem mình là con cháu của Bác Hồ. Bởi vậy họ thường tự hào: “Người Vân Kiều ở đâu thì nơi đó có cách mạng”. Đại úy Cao Thanh Luận, trạm quân dân y ở Làng Ho nói: “Đồng bào Vân Kiều ở đây một lòng theo cách mạng, không quản ngại hi sinh, đến nay vẫn vậy”.
Thầy cô bám trụ
Cô Huệ sinh năm 1988, bế đứa con 7 tháng tuổi trên tay, cô là giáo viên người Kinh dạy học tại bản Ho. Lớp của cô vỏn vẹn 13 học sinh. Cô nói: “Các em rất ham học, dù cuộc sống khó khăn hơn em hình dung rất nhiều. Trời rét căm căm thế mà các cháu đi chân đất, đầu trần, áo mưa không có. Tội nghiệp lắm! Ngày nào các cháu cũng mặc một bộ áo quần đó thôi. Cả lớp chỉ vài em đỡ hơn tí chút. Quần áo không thay nên cứ vào lớp là đã nghe mùi”.
Lan (15 tuổi) bồng em cho biết sắn là thực phẩm chủ lực
Bản Ho giống như một bức tranh vẽ hay một bộ phim đẹp nhưng lại thiếu âm thanh. Đường dây điện nối nhau nằm đó, nhưng điện chưa tới. Nhiều người vẫn giữ bên mình điện thoại, song hiếm khi gọi được. “Phải tìm nơi nào đỉnh núi cao, sóng rớt, để im điện thoại rồi gọi vào đó” - các thầy cô kể.
Ngôi trường khang trang với những ổ cắm, quạt trần, nhưng thầy cô bảo: “Không có điện nên học sinh chưa bao giờ được nhìn thấy quạt điện quay”. Buổi tối, máy phát điện công suất rất nhỏ chạy tới 9 giờ rồi tắt.
Thầy Thuần, hiệu phó nhà trường nói: “Trường chúng tôi 12 lớp, 185 em học sinh. Các điểm lẻ việc dạy học đang mượn nhà dân. Lúc này mưa nước khe suối đang lên, chia cắt không vào thăm được đâu”. Thầy Thuần nói rằng nhiều bản không chỉ thiếu lớp học mà nhà tạm trú cho các cô cũng thiếu và tạm bợ: “Ở bản Mít, các cô tắm rửa phải nhờ các thầy đưa ra suối. Các cô sợ rắn rít, sợ bất trắc giữa rừng thẳm nên không dám đi một mình”.
Chuyển đổi canh tác
Hồ Văn Thạch, Trung đội trưởng, được ở nhà tình nghĩa. Thạch nói: “Người Vân Kiều chúng em thường trồng lúa cạn thôi. Trồng lúa xung quanh khe suối. Nhà em được 2 sào, nhưng thu ít thóc lắm. Mỗi năm được 5 tạ, chưa đủ ăn. Trồng sắn ăn thêm”. Thạch chỉ nhà bên cạnh, đóng cửa vắng tanh, bảo: “Nhà này vất vả lắm, ăn sắn, khoai, rau rừng trường kỳ”.
Bé Lan 15 tuổi, ở nhà, bồng em, bảo: “Không đủ lúa gạo ăn, ăn sắn ba bốn ngày rồi”. Bố mẹ em ngày ngày hái lượm kiếm sống trên vách núi cao.
Các tăng ni đưa áo ấm đến Làng Ho
Thầy Thuần kể: “Một trăm phần trăm dân nơi này là người Vân Kiều. Theo chế độ hỗ trợ của nhà nước mỗi học sinh được cấp 75 kg gạo một học kỳ. Nhờ gạo của con mà bố mẹ thêm được cái ăn. Không thì gia đình đi rừng kiếm củi về bán. Nay rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, đi gỗ về bán cũng không ai dám mua”. Nhiều người Vân Kiều cũng hay tự ái lắm. Thầy kể: “Nói nặng, học trò không đi học, hết sức nhẹ nhàng với học sinh và phụ huynh”. Nguồn gạo trợ cấp cho các em lại được các em cõng về hỗ trợ cho gia đình.
Đại úy Cao Thanh Luận làm ở trạm quân dân y ở Làng Ho và nắm tình hình tại đây nói: “Chính quyền đang bóc tách đất rừng và đất canh tác để chuyển giao cho dân. Mấy đoàn lên đo thực địa rồi. Thực hiện khảo sát mấy đề án lúa nước. 5 hộ được chọn làm thí điểm, hy vọng nhân rộng. Lúc đó tình hình thiếu đói sẽ được cải thiện.
Nỗi niềm biên cương
Đoàn từ thiện của các tăng ni trẻ người Quảng Trị đang sống ở TPHCM và Bình Dương như cô Nguyên Đông, Diệu Sơn, Trúc Nhiên, Diệu Hằng, thầy Nhất Nghĩa, Nguyên Chính, Chiêu Biên cùng các phật tử trong và ngoài nước đã trao hàng trăm phần quà cho tất cả học sinh, giáo viên Làng Ho gồm áo ấm, dép, sữa, mì tôm, dầu ăn, tiền mặt… Ai cũng thấy được tinh thần vượt khó của người dân Tây Trường Sơn.
Cuộc sống rất vất vả nhưng nụ cười luôn nở trên môi người Vân Kiều. Người dân cũng cho biết báo Sài Gòn Giải Phóng đã quyên góp làm hơn 30 căn nhà tặng người dân bản Ho.
Điều lắng lại khi chúng tôi rời bản Ho đó là tâm sự của cô giáo Huệ: “Chúng em đang dạy học ở bản cuối cùng, tiếp giáp với Lào. Đứng nhìn là thấy đỉnh núi của nước bạn Lào, nhưng chúng em lại không được hưởng chế độ chính sách dành cho người công tác nơi biên giới!”.
Đại úy Cao Thanh Luận cũng nói, đây là điểm trường biên giới, không hiểu sao các giáo viên lại chỉ được hưởng chính sách dành cho giáo viên miền núi. Thầy hiệu phó nhà trường bảo: “Có lẽ vì xã biên giới rộng quá, từ đầu này tới đầu kia xa tới mấy chục cây số, nên nhiều điểm ở vùng thấp còn thuận lợi hơn chăng? Câu hỏi và băn khoăn ấy, thôi đành, chúng tôi gùi xuống phố thị hỏi nhà chức trách…
Bản Ho không chợ và nằm biệt lập trên triền Tây Trường Sơn. Người ta chở đồ ăn, thực phẩm dưới đồng bằng lên bán với giá cao. Chợ gần nhất để đưa rau dưa lên bản Ho cũng cách xa chừng 50 cây số. Cô Huệ nói: “Em dạy học ở bản Ho 5 năm rồi. Em thấy người dân ở đây chủ yếu ăn gạo cứu trợ chứ làm không ra. Nếu có, thì rất ít hộ làm lúa cạn, diện tích rất nhỏ”.