Man City và PSG bị phạt: Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Những ông chủ biết cách lách luật cho Man City. Ảnh: TGuardian
Những ông chủ biết cách lách luật cho Man City. Ảnh: TGuardian
TP - Hai đội bóng bị phạt nặng nhất trong số các trường hợp vi phạm Luật cân bằng tài chính (FFP) là Man City và PSG chấp nhận án phạt do UEFA đưa ra nhưng đều tỏ ra không hài lòng.

Hai đội bóng chi khủng trên thị trường chuyển nhượng mấy năm qua là Man City và Paris Saint-Germain bị phạt mỗi đội 60 triệu euro và cả hai chỉ được đăng ký 21 cầu thủ tham dự Champions League mùa tới. Đó là những án phạt đầu tiên mà UEFA đưa ra đối với hai đội bóng "vi phạm nghiêm trọng nhất" quy định FFP trong số 9 trường hợp bị nêu tên lần này.

Nhà tân vô địch Anh Man City cho biết chấp nhận án phạt và sẽ không kháng án, nhưng họ thừa nhận rằng đội bóng "bất đồng cơ bản" với UEFA về "cách diễn giải quy định FFP với những cầu thủ mua trước năm 2010".

Tương tự, nhà vô địch Pháp PSG cũng chấp nhận án phạt mà theo họ "có khuyết điểm to lớn khi phạt những đội bóng có khả năng cạnh tranh với các đội bóng lớn nhất". Trong bản thông báo, PSG còn nhấn mạnh rằng án phạt cho thấy UEFA không nhận ra "toàn bộ giá trị" các đối tác của họ với Qatar Tourism Authority khi mà sự việc đã bị các cơ quan chức năng thổi phồng.

UEFA cho biết 40 triệu euro sẽ được trả lại cho Man City và PSG nếu họ tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tài chính trong hai năm tới. Trong đó có giới hạn thâm hụt ngân sách đội bóng chỉ được phép ở mức 10 triệu euro trong năm tài chính kết thúc cuối 2015 đối với Man City, dù họ mong chờ chỉ áp dụng đến cuối 2014. Riêng PSG được phép thua lỗ 30 triệu euro.

Trong danh sách 9 đội bóng vi phạm FFP còn có ba đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ Galatasaray, Trabzonspor và Bursaspor, ba đội bóng Nga Zenit St Petersburg, Anzhi Makhachkala và Rubin Kazan, cùng đại gia mới nổi Levski Sofia từ Bulgaria. Các đội bóng này bị phạt từ 200.000 euro - đối với Galatasaray, Trabzonspor, Levski và Bursaspor - đến 12 triệu euro đối với Zenit.

Trước khi ra án phạt, UEFA cũng đã có những buổi đàm phán căng thẳng với đội ngũ luật sư của hai đội bóng. Đại diện Man City và PSG đều đồng ý "giới hạn đáng kể" chi tiêu của họ trên thị trường chuyển nhượng trong hai năm tới. Theo đánh giá, hình phạt của UEFA "sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch chuyển nhượng của các đội bóng".

Tương tự, việc giảm đội hình tham dự Champions League cũng sẽ không có quá nhiều tác động. Thông thường các đội được đăng ký 25 cầu thủ, nhưng ít khi các đội sử dụng hết số lượng này. Ngay như Man City và PSG thực tế chỉ sử dụng 21 cầu thủ trên sân trong mùa giải vừa qua, không tính những cầu thủ dự bị không được sử dụng.

"Tham vọng của chúng tôi là xây dựng một trong những đội bóng tốt nhất và hầu hết các đội có sức cạnh tranh tại châu Âu sẽ không bị suy yếu bởi các biện pháp này", Chủ tịch PSG Nasser Al-Khelaifi nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển một đội bóng cạnh tranh cao, chi mạnh để đầu tư sân và cơ sở hạ tầng tập luyện mà không nợ nần".

Đại đa số các đội bị nêu tên lần này đều chỉ trích FFP là chiếc rào cản được UEFA đưa ra nhằm ngăn chặn những đội bóng mới nổi đổ tiền đầu tư để tiếp cận với những ông lớn bóng đá châu Âu vốn đã có truyền thống.

Các ông lớn như Barcelona, Bayern Munich, Manchester United và Real Madrid, cũng có hợp đồng thương mại hấp hẫn toàn cầu như PSG và Man City, nhưng đều không bị phạt lần này. Điều đó có nghĩa Man City và PSG giờ đây sẽ bị đuối so với các ông lớn trên thị trường chuyển nhượng.

MỚI - NÓNG