Man City một năm nhìn lại: Có sức mạnh nhờ đồng tiền

Man City một năm nhìn lại: Có sức mạnh nhờ đồng tiền
TPO - Câu nói “những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” của nhà tài phiệt John D. Rockefeller xem ra đã đúng với Man City.

Tiền là kim chỉ nam…

Với ngân sách gần như vô biên của ông chủ Sheik Mansour, Man City được mua sắm thả phanh, mặc cho cái nhìn thèm thuồng của Arsenal, Man Utd, dù cho 2 đội bóng này vẫn tự chữa ngượng cho mình bằng điệp khúc “chúng tôi muốn thành công dựa trên một nền tảng vững chắc”. Và cũng mặc cho thái độ ganh đua quyết liệt của Chelsea hay ít nhiều là Liverpool, Man City vẫn làm bá chủ thị trường chuyển nhượng nước Anh. Không chỉ đủ khả năng trả những mức phí ngất ngưởng, Man xanh còn lôi kéo được các ngôi sao nhờ mức lương vô tiền khoáng hậu. Bằng chứng là có ít nhất một nửa đội hình Man xanh lúc này nhận 150.000 bảng/tuần, ¼ đội hình nhận hơn 200.000 bảng/tuần và không ít cái tên tiệm cận kỷ lục 300.000 bảng/tuần của Rooney như Yaya Toure, Sergio Aguero, Dzeko…

Nhờ liều doping ấy, và cũng nhờ tài của Roberto Mancini, Man City nhanh chóng phất lên để trở thành một quyền lực mới, phá tan cái khái niệm gọi là “big-four”. Tiềm năng của Man City bắt đầu lộ rõ ngay từ khi năm 2011 bắt đầu. Bằng chứng là họ liên tục đứng vững ở vị trí thứ 3 từ tháng 1 đến khi mùa giải kết thúc để giành suất dự Champions League. Thời điểm đó, người ta gọi Man xanh với 2 từ - đáng gờm.

Còn sau chiến dịch tuyển quân mùa Hè, họ đã trở thành - đáng sợ. Thanh lý triệt để, nếu không muốn nói là có phần bạc bẽo, Mancini đã đưa về không nhiều nhân tố mới song thực sự chất lượng, như Aguero, Nasri, Clichy… Không ít thì nhiều, họ đã và đang cùng dàn quân cũ tạo thành một đối trọng với những quyền lực cũ, thậm chí Man xanh còn đạp lên tất cả để độc cô cầu bại ở Premier League suốt phần lớn chặng đường lượt đi bằng nhờ những chiến thắng ấn tượng trước Tottenham (5-1), Arsenal (1-0) và đỉnh cao là màn thăng hoa tại Old Trafford, biến người hàng xóm khổng lồ ngày nào trở thành kẻ tội nghiệp tí hon.

Dù ngôi đầu của Man City đang lung lay dữ dội, song chẳng ai có thể phủ nhận màn trình diễn ấn tượng mà đội bóng này đã thể hiện. Điểm số: 45 (sau 18 trận), trung bình 2,5 điểm/trận, ấn tượng hơn cả Barcelona, đội bóng đang được xem là vĩ đại nhất thế giới đương đại (Barca mới chỉ giành được 37 điểm qua 16 trận, trung bình 2,31 điểm/trận). Mà nên nhớ rằng, Premier League có tính cạnh tranh khốc liệt hơn La Liga rất nhiều. Hiệu số: +38, kém Barca chút ít (+42). Tất cả những con số ấy, những dấu ấn ấy, đáng để Man City hân hoan kết thúc năm 2011, đồng thời đặt hoài bão lớn cho một chu kỳ thành công ở phía trước.

… nhưng cũng là mặt trái của thành công

Ngoài câu nói của John D. Rockefeller, người ta cũng nói rằng “Tiền có thể thoả mãn được tham vọng nhưng không thỏa mãn được khát vọng”. Tham vọng là trở thành một thế lực mới, nâng cao tầm vóc cũng như địa vị ở nước Anh, Man City đã làm được. Còn khát vọng, họ khát khao được sưu tập những chiếc cúp, được xem là lá cờ đầu của xứ Sương mù tại Champions League League…

Man City một năm nhìn lại: Có sức mạnh nhờ đồng tiền ảnh 1

Khát vọng ấy xem ra vẫn còn xa xôi lắm, nhất là khi Man City được xây dựng dựa trên một nền móng không thật vững chãi. Man City đang bị đe dọa ngôi đầu, họ cũng đã không còn cơ hội đi tiếp tại Champions League. Nhìn vào những gì Chelsea đang trải qua, Man City có thể lấy đó làm bài học. Chelsea chỉ có thể xưng hùng xưng bá ở nước Anh 2 mùa, Chelsea cũng chỉ đủ sức 1 lần tiến đến chung kết Champions League, còn lại vẫn là quãng thời gian chịu sự thống chị của quyền lực truyền thống Man Utd.

Ở Man City, có một thứ người ta còn lo lắng hơn, đó là sự kiên định và cách sử dụng quyền lực của Roberto Mancini. Người ta chỉ nói rằng ông là nhà cầm quân may mắn nhất thế giới chứ chẳng ai nhận xét Mancini là một người bản lĩnh, kể cả hà khắc, dẫu chỉ bằng một góc của Mourinho. Thế mới hiểu ở hậu trường Etihad, vì sao sóng ngầm cứ diễn ra. Hết Balotelli, Tevez, Nigel de Jong rồi đến Kolo Toure. Họ vốn được quen chiều chuộng, được coi là “sao bự” nên hễ một chút đụng chạm tự ái là dỗi. Không biết bao lần, Mancini phải mất thời gian giải quyết những chuyện lãng nhách của các học trò. Mà vấn đề là ông chỉ có thể giải quyết chứ không biết cách phòng chống, để rồi hết lần này sang lần khác, chuyện không đâu vào đâu cứ đến.

Mancini cũng được biết đến với cung cách khá lãng tử, như phong cách ăn mặc của ông. Nhà cầm quân này chưa khi nào biết cách biến Man City thành một tập thể xù xì để chiến thắng, điều đó đôi khi cũng cần lắm, ngay cả Man Utd thời trên đỉnh cao cũng phải chơi với kế sách phòng ngự phản công đó thôi! Còn Man xanh, hầu hết thắng lợi đến với họ nhờ lợi thế dẫn bàn trước, còn khi đã bị dẫn, bị bắt bài, coi như tập thể này chấp nhận bó tay. Thế chẳng khác nào Mancini chỉ biết lắp các mảnh ghép vào rồi rung đùi ngồi chờ chiến thắng?

Mặt trái của tiền bạc nằm ở chỗ đó. Khi có sẵn sự giàu sang, khi đã quá quen với thuận lợi, người ta sẽ chẳng biết cách làm thế nào vượt qua khó khăn cả!

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.