Mầm thiện

TP - “Khi một quả táo chín và rụng xuống - điều gì khiến nó rụng? Liệu có phải vì nó bị lực hấp dẫn kéo xuống đất, hay cành cây đã mục ruỗng, vì mặt trời đốt khô héo, vì nó trở nên nặng hơn, vì gió giật, hay vì thằng bé đứng bên dưới muốn ăn nó? Không bao giờ chỉ có một nguyên do duy nhất”. (Lev Tolstoy - “Chiến tranh và hòa bình”).

Dẫn lại đoạn văn trên, Rolf  Dobelli – một doanh nhân người Thụy Sĩ, cũng là cây bút bình luận nổi tiếng, cho rằng hàng ngàn năm qua, chúng ta luôn là những kẻ “Săn tìm kẻ hiến tế thời đồ đá”. Khi chỉ chăm chăm quy kết mọi sự việc, vấn đề với chỉ một nguyên do duy nhất.

“Ảo tưởng về nguyên do duy nhất bắt nguồn từ thời xa xưa và có tính nguy hại… Những hành động của chúng ta là kết quả từ sự tương tác giữa hàng ngàn yếu tố - từ tố chất di truyền cho đến quá trình nuôi dạy, từ học vấn đến sự tập trung hoóc môn giữa các tế bào não đơn lẻ. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ khư khư bám vào hình ảnh tự do ý chí xưa cũ kia. Cách suy nghĩ ấy không chỉ sai lệch, mà còn đáng đặt nghi vấn về đạo đức. Khi mà vẫn còn tin vào các lý do đơn lẻ, thì chúng ta sẽ luôn quy trách nhiệm về những thành tích và thảm họa cho cá nhân” - Rolf  Dobelli viết.

Cô giáo quỳ, cô giáo “tịnh khẩu” trên lớp, nay đến cô giáo bắt học sinh lớp 3 “uống nước giẻ lau”... Những sự việc đau lòng đó đến từ nguyên nhân nào? Những ông tướng công an lừng lẫy gần cả đời là khắc tinh đáng sợ của tội phạm, giờ vừa bị bắt để điều tra về hành vi được cho là bảo kê và ăn chia với tội phạm. Nhiều quan chức vừa được tung hô nức lòng, giờ ra tòa lãnh án. Chúng ta nghĩ gì?

Hôm trước, ngay sau khi vụ việc “uống nước giẻ lau” bị phát hiện, phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại lớp 3A5 trường tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng). Và trực tiếp chứng kiến những giọt nước mắt “thương cô” của một số bạn nhỏ. Có em đứng bật dậy nói là do bạn kia “hay hư, cô nói không nghe!”. Hình ảnh, bằng chứng về diễn biến tâm lý rất hồn nhiên, rất thật ấy của những em nhỏ đã được ghi lại đầy đủ. Vậy theo các bạn, phóng viên sẽ phải phản ánh thế nào trên mặt báo? Đợi dư luận nguội bớt đi ư? Nói tránh ư? Nước giặt giẻ lau thì đã rõ, còn nước mắt những đứa bé lớp 3 ấy là không đáng tin, không đáng nói ư?! Hay chúng ta chỉ muốn nghe 50% sự thật?

Cô giáo trẻ nọ đã bị buộc thôi việc. Tôi cho rằng đó là quyết định rất đúng và kịp thời. Nhưng như trong mọi bài viết trước đó, tôi luôn cho rằng với những câu chuyện đau lòng liên tiếp xảy ra nơi học đường và xã hội, thì đó xuất phát từ ngưỡng tâm lý không chỉ thuộc về những ứng xử mang tính cá nhân, mà đã trở thành tín hiệu cảnh báo. Rằng mọi hệ hình tư duy đã quá thay đổi, mà cơ chế quản lý, điều hành ở tất cả mọi lĩnh vực hiện nay đã không theo kịp, thậm chí còn bỏ qua. Nhưng lại đang dễ dàng bị hiệu ứng đám đông dẫn dắt, để nhiều khi đưa ra những quyết định mang tính nhất thời, thỏa hiệp.

Cô giáo ấy nhận hình phạt hành chính, dư luận và lương tâm đầy đủ, xứng đáng rồi. Nhưng cô ấy sẽ phải sống tiếp, hy vọng trở thành người tốt. Mầm thiện trong con người cô ấy thực ra là có. Không nên giết chết cái mầm thiện đó

Thật khó khăn để nói ra những điều này. Bởi bất kỳ ai cũng dễ trở thành “kẻ hiến tế”. 

MỚI - NÓNG