Mai Tết Bình Định náo nức xuất hàng

Mai Tết Bình Định náo nức xuất hàng
TP - “Thời tiết như nửa tháng trước thì mai Tết nở tung, nông dân ở đây cũng chết theo. May là thời tiết đã ủng hộ”, quyền Chủ tịch xã Nhơn An, ông Trần Anh Dũng phấn khởi

> Mai nở rộ, người trồng héo hắt
> 'Mặc áo' sưởi ấm, 'gội' sương cho đào Nhật Tân

Về lại làng mai Háo Đức nổi tiếng (xã An Nhơn, TX An Nhơn, Bình Định), dù trời mưa phùn lấm láp, nhưng không khí đã vui hơn. Bà con nhân dân đồng loạt ra đồng tỉa lá, chở mai tập kết địa điểm để chuẩn bị xuất đi các thị trường bắc, nam.

Anh Lê Văn Phú, chủ một vườn mai hơn 2.000 chậu tại Háo Đức, cho biết: “Mấy tuần trước, mai đã nở hoa đến 1/3 số lượng, lo lắm. Giờ nhờ trời lạnh, hoa mai thực sự hãm nở, cứu nguy cho bà con chứ, nếu không có lẽ cả làng bể hết vì nợ nần”.

Thống kê từ UBND xã Nhơn An, xã có gần 2.500 hộ dân có đến 2.000 hộ trồng mai tết. 5/6 thôn, được công nhận làng nghề trồng mai, trong đó Trung Định là thôn đầu tiên thí điểm thôn mai sạch để nhân rộng ra toàn xã. Xã có tới 90% hộ dân cam kết trồng mai sạch (không dùng thuốc hóa học, độc hại, và bảo vệ môi trường xanh).

Sau hàng chục năm trồng mai đại trà, tạo ra thương hiệu truyền thống cho một loại hoa Tết đặc trưng của miền nam, từ tháng 11-2012, thủ phủ mai tết này đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể Thương hiệu Mai vàng Nhơn An.

Theo ông Trần Anh Dũng: Từ mùa mai năm nay trở đi, mỗi cây mai của dân làng xuất ra khỏi địa bàn đều được gắn thương hiệu mai vàng Nhơn An. Khách chơi mai tết trên mọi vùng miền, nếu chọn mai Bình Định dễ dàng nhận biết vì đã có thương hiệu riêng.

Trời lạnh cứu nguy cho thủ phủ mai tết Nhơn An
Trời lạnh cứu nguy cho thủ phủ mai tết Nhơn An.

Anh Nguyễn Văn Sơn - chủ sở hữu khoảng 1.000 chậu mai thế nói: “Tui đã ngưng trồng mới khoảng 3 năm nay để chuyên sâu vào tạo thế cho mai chuẩn. Dáng cây của mai Nhơn An rất đặc thù, rất đẹp, đáp ứng sở thích của khách hàng. Trong vườn đã có số ít nở sớm, số còn lại đã đâu vào đó, đơn đặt hàng gửi về liên tiếp, chỉ còn thao tác ngắt lá là xuất đi”.

Theo UBND xã Nhơn An, đến thời điểm này toàn xã đã thu về khoảng 3 tỷ đồng tiền mai cảnh xuất đi các thị trường Tây Nguyên và TPHCM. Nếu thời tiết thuận lợi như bây giờ, đến cận tết nguồn thu từ Mai vàng Nhơn An lên trên tỷ đồng.

Từ sau giải phóng, cây mai Bình Định nổi danh cả nước, đặc biệt chuyên về mai chưng ngày tết cổ truyền. Cứ dịp này, cả làng xôm tụ cảnh mua bán mai tết, rạo rực như ngày hội.

“Người làng lao động cả năm nhưng nguồn thu chỉ có một tháng cận tết mà thôi. Nếu thời tiết thất thường, mai nở sớm hoặc không nở là coi như cả làng đói. Nên trồng mai tết hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, có kinh nghiệm cũng không khắc phục được”, chị Nguyễn Thị Hương (làng Thuận Thái), tâm sự.

“Năm nay Mai vàng Nhơn An mới được công nhận thương hiệu, nhưng người chơi hoa tết khắp cả nước chọn từ lâu không chỉ vì dáng thế đẹp, hoa có mùi hương mà do cây mai Bình Định được người dân ươm mầm và trồng rồi được nghệ nhân tạo dáng. Người dân chỉ cần bán được khoảng 50% số cây trong vườn là đủ lãi” - Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh xã Nhơn An, ông Nguyễn Tấn Dũng cho hay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG