Mai một thể thao Khánh Hòa

TP - Việc đội bóng đá Khatoco Khánh Hòa bị chuyển giao cho Hải Phòng là trường hợp mới nhất trong chuỗi “phú quý giật lùi” của thể thao Khánh Hòa.

> Vicem Hải Phòng tìm lại bản sắc?
> Khánh Hòa chìm sâu

Đội bóng ngổ ngáo bị bỏ rơi

Có bề dày truyền thống 37 năm, bóng đá Khánh Hòa được gắn biệt danh “đội bóng ngổ ngáo”, “ngựa ô miền Trung”. Thế nhưng, đầu tháng 12-2012, khi đội Khatoco Khánh Hòa đang dự giải tập huấn tại Nghệ An, họ nghe tin đội bị chuyển giao cho Hải Phòng. “Rất sốc, trước đó chúng tôi chưa từng nghe về chuyện đó”. Nguyễn Thanh Hải, cựu cầu thủ của đội bóng đá Khatoco Khánh Hòa (cũ) kể.

Cầu thủ Thanh Hải lo lắng về tương lai.

Tại đội 1 của CLB Khatoco Khánh Hòa (cũ), Thanh Hải là tiền vệ trung tâm, em ruột của Thanh Hải là Thanh Hùng chơi bóng ở vị trí tiền vệ biên.

Sau sáu, bảy năm theo nghiệp quần đùi áo số, các anh được gì khi bị bỏ rơi? Thanh Hải cho biết, mỗi cầu thủ bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn được đền bù 30 triệu đồng, tương đương 3 tháng lương, ngoài ra không có gì khác.

Thanh Hải mới học hết lớp 7, Thanh Hùng học hết lớp 10 phổ thông, chưa biết nghề gì ngoài đá bóng, lúc này họ đang tạm thất nghiệp.

Trong số các cầu thủ Khatoco Khánh Hòa không được chuyển giao cho Hải Phòng, chỉ còn anh em Thanh Hải, Thanh Hùng ở lại Nha Trang.

Võ Văn Hạnh, thủ môn đầu tiên đoạt Quả bóng vàng Việt Nam năm 2001, nay đành về Đà Nẵng cùng vợ mở quán cà phê Lucky. Gần chục cầu thủ không phải người Khánh Hòa đã tứ tán.

Sáu cầu thủ người Khánh Hòa là Lê Công Quốc, Phạm Xuân Bình, Nguyễn Chí Tâm… rủ nhau ra thử việc tại đội bóng hạng nhì Phú Yên. “Nếu đội bóng đá Khánh Hòa được khôi phục, tôi sẽ về đóng góp cho quê hương”. Phạm Xuân Bình nói.

Nhưng, có lẽ mong ước của Xuân Bình và nhiều cựu cầu thủ Khatoco Khánh Hòa sẽ không sớm trở thành hiện thực. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo, các đội bóng đá U17, U19, U21 của tỉnh sẽ không tham gia các giải vô địch quốc gia.

Nếu vậy, các cầu thủ trẻ hiện nay có yên tâm tập luyện không, khi chưa biết lúc trên 21 tuổi sẽ đi đâu? Một cựu HLV đội Khatoco Khánh Hòa đặt câu hỏi. Bản thân anh, sau gần 30 năm gắn bó với thể thao Khánh Hòa, cũng đang phải phân vân chuyện đi hay ở.

Phú quý giật lùi

Đoàn Kiến Quốc là tay vợt bóng bàn Việt Nam duy nhất được tranh tài ở hai kỳ Olympic liên tiếp là Athens 2004 và Bắc Kinh 2008, được bầu là VĐV tiêu biểu toàn quốc các năm 1996, 2004, 2008.

Sau hơn 20 năm cống hiến, là niềm tự hào của thể thao Khánh Hòa, đến năm 2009 Đoàn Kiến Quốc tròn 30 tuổi nhưng vẫn không có hợp đồng lao động, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng ba triệu đồng.

HLV Quang Nhật Mạnh (đứng) và các VĐV khuyết tật Khánh Hòa đang tập luyện và thi đấu cho thể thao Hà Nội ..

Lo lắng cho tương lai, tháng 3-2009 tay vợt số một Việt Nam xin nghỉ thi đấu cho Khánh Hòa.

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tăng mức đãi ngộ cho Đoàn Kiến Quốc lên 10 triệu đồng/tháng, hứa cho anh theo học đại học TDTT, khi giải nghệ sẽ được vào biên chế để làm huấn luyện viên, giúp anh được mua nhà với giá ưu đãi…

Đoàn Kiến Quốc tạm rút đơn xin nghỉ thi đấu cho thể thao Khánh Hòa. Tuy nhiên, một số lời hứa không thành hiện thực, tháng 11-2009 Đoàn Kiến Quốc đầu quân cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sau khi không còn anh em Kiến Quốc, Trọng Nghĩa, bóng bàn Khánh Hòa chìm dần.

Hơn cả bóng bàn, quần vợt Khánh Hòa từng ở đỉnh cao trong làng quần vợt Việt Nam. Nữ hoàng quần vợt Nguyễn Thị Kim Trang vô địch đơn nữ quốc gia 17 năm liên tiếp từ năm 1984 đến năm 2000, cúp vô địch đồng đội nữ quốc gia 9 năm liền (1994-2002) về tay Kim Trang và các đồng đội Kim Lợi, Phương Hạnh... Tuy nhiên, sau lần Kim Trang – Kim Lợi giành giải vô địch quốc gia đôi nữ năm 2006, quần vợt Khánh Hòa dần bị lãng quên.

Tương tự, có thời kỳ Khánh Hòa là một trong ba trung tâm phát triển mạnh môn Wushu tán thủ, cùng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Năm 2001, VĐV wushu Khánh Hòa Diệp Bảo Minh giật giải vô địch thế giới tán thủ hạng cân 56kg. Nhưng giờ đây, Wushu không còn được đầu tư đào tạo ở Khánh Hòa.

Từng có những VĐV nổi tiếng như Phạm Đình Khánh Đoan, Phan Thu Lan, Đoàn Nữ Trúc Vân..., hiện nay điền kinh Khánh Hòa chưa có các VĐV đủ khả năng đạt thành tích cao tại các giải quốc gia.

Khánh Hòa là tỉnh có điều kiện rất tốt để phát triển các môn thể thao dưới nước, nhưng hiện nay thế mạnh này chưa được quan tâm phát huy.

Báo Tiền Phong số Xuân Quý Dậu – 2005 có bài viết về quán cháo gà nổi tiếng Nha Trang của cặp vợ chồng HLV bơi lội Phạm Văn Huỳnh, Đặng Thị Xuân Lai. Từng có các học trò giành huy chương quốc gia, nhưng năm 1997, khi thể thao Khánh Hòa không còn môn bơi lội, họ đành ra khỏi biên chế, kiếm tiền nuôi con bằng gánh cháo gà vỉa hè…

Năm 2002, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4, đoàn thể thao Khánh Hòa giành được 15 HCV, xếp vị trí thứ 7/63 đoàn; tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 năm 2006, đoàn thể thao Khánh Hòa xếp hạng 14/66 đoàn, với 11 HCV.

Tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 năm 2010, đoàn Khánh Hòa tiếp tục sa sút, chỉ giành 7 HCV, xếp hạng 25/67 đoàn.

“Lính đánh thuê tại gia”

Hiện nay, nhiều người cho rằng Khánh Hòa chỉ còn đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa ở đẳng cấp quốc gia.

Thực ra, tại Khánh Hòa còn có một đội thể thao với những thành tích cao và ổn định hơn hẳn, đó là đội thể thao người khuyết tật.

Họ là Đinh Thị Ngà - đoạt 2 HCV tại ASEAN ParaGames 3 ở Thái Lan năm 2008, HCB Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2007, HCĐ tại Giải vô địch cử tạ thế giới năm 2006…, Nguyễn Văn Hùng - 11 HCV quốc gia, 1 HCV và 2 HCB Đông Nam Á, một trong 5 VĐV người khuyết tật xuất sắc toàn quốc năm 2012, Nguyễn Thanh Xuân – 5 HCV quốc gia, 1 HCV tại ASEAN ParaGames 6... Mới nhất, Ngà, Hùng, Xuân và đồng đội giành 7 HCV, 1 HCB tại giải Thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2012, trong đó VĐV Trương Tấn Hiền giành 3 HCV ở môn chạy, cự ly 100m, 200 và 400m. Thế nhưng, các thành tích này không được tính cho thể thao Khánh Hòa.

Cuối năm 2003, Tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 (ASEAN ParaGames 2), hai VĐV người Khánh Hòa là Châu Hoàng Tuyết Loan và Nguyễn Văn Hùng giành HCB môn cử tạ.

Sau đó, các VĐV khuyết tật Khánh Hòa liên tiếp gặt hái thành công tại các giải quốc gia, quốc tế.

Năm 2008, Châu Hoàng Tuyết Loan và đồng hương Đinh Thị Ngà có tên trong danh sách 5 VĐV khuyết tật xuất sắc toàn quốc, HLV của họ ở Nha Trang và ở Paralympic Bắc Kinh 2008 là Quang Nhật Mạnh được bầu chọn là một trong ba HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc.

Tuy mang lại vinh dự cho thể thao Khánh Hòa, nhưng họ không nhận được sự đầu tư từ ngành thể thao tỉnh.

“Chúng tôi vừa tập luyện vừa phải lo kiếm sống, nhưng tỉnh hoàn toàn không hỗ trợ chúng tôi tiền ăn, phương tiện tập luyện, chỉ khi được giải thì tặng vài triệu đồng”. VĐV cử tạ khuyết tật Đinh Thị Ngà nói.

Từ năm 2009, HLV Quang Nhật Mạnh và phần lớn VĐV khuyết tật Khánh Hòa đã đầu quân cho thể thao Hà Nội.

“Đang sinh sống tại Khánh Hòa, hằng ngày tập luyện tại Khánh Hòa nhưng thi đấu và mang thành tích về cho Hà Nội, chúng tôi cũng buồn chứ. Nhưng không đầu quân cho Hà Nội, chúng tôi không có điều kiện để tiếp tục tập luyện và thi đấu đạt thành tích cao”. VĐV cử tạ Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ.

Theo Báo giấy