Trao đổi với Tiền Phong mới đây, một lãnh đạo Tổng Cty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay, hiện đơn vị đang thực hiện đổi từ “trạm thu giá” sang “trạm thu phí”, một số trạm chưa đổi tên vì chưa biết lấy kinh phí từ đâu. Các chi phí phải được thông qua các ban bệ, đề xuất từ dưới lên, nên chưa thể nói là thực hiện ngay được.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, tại một số trạm thu phí, việc đổi tên trạm đã xong như Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định), Trạm thu phí BOT Quốc lộ 2 (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, tại một số trạm, các biển như “biểu giá”, “mức giá” chưa được đổi thành phí, như Trạm BOT Mỹ Lộc, hiện vẫn treo biển “bảng giá cước”... Chủ đầu tư một trạm thu phí đã đổi tên cho biết, do các biển tên, bảng biểu... đều theo phương thức thủ công, nên tổng chi phí hết khoảng 10 triệu đồng/trạm. Phần chi phí này được tính vào chi phí hoạt động trích từ nguồn thu phí phương tiện. Như vậy, với 2 lần đổi tên, lần đầu tư “phí” sang “giá”, và nay từ “giá” sang “phí”, chi phí cho mỗi trạm thu phí BOT dùng biển báo truyền thống (không phải biển điện tử) khoảng 20 triệu đồng.
Về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định, các “trạm thu giá” đã đổi thành “trạm thu phí” đúng theo thời hạn đơn vị đưa ra.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện cả nước có 88 trạm BOT, trong đó có 67 trạm đang thực hiện thu phí. Những trạm này đều phải thực hiện đổi tên trạm, các bảng biểu, văn bản có từ “giá” thành “phí”.
Trước đó, sau khi bị dư luận phản đối vì sử dụng từ “trạm thu giá” là cụm từ không có nghĩa chiều 10/7, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư đổi thành “trạm thu phí”. Việc đổi tên phải xong trước ngày 20/7.