Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2019), tại Nhà Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội đã có buổi gặp mặt đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân các gia đình liệt sỹ và các cựu chiến binh tiêu biểu, đại diện Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam Lê Văn Hân, được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, Hội đã tiến hành hỗ trợ giám định ADN cho 800 hài cốt liệt sỹ; tổ chức lấy mẫu ADN liệt sỹ tại nhiều nghĩa trang trên cả nước để xây dựng ngân hàng thông tin; xây dựng nhà ở cho Mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng sổ tiết kiệm cho gia đình liệt sỹ…
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Đoàn đại biểu về thăm Thủ đô và có nhiều hoạt động ý nghĩa. Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống, uống nước nhớ nguồn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân mãi ghi nhớ và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Thấm nhuần sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đền ơn đáp nghĩa; không ngừng hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về người có công, tạo mọi điều kiện để người có công và thân nhân được hưởng các chế độ.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng có hiệu quả thiết thực và đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng đã cơ bản bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tuy vậy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng ở một số địa phương còn có một số hạn chế, vướng mắc, một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị các bộ, ban ngành ở Trung ương tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách pháp luật đối với người có công; làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện chính sác đối với người có công, đồng thời cần tập trung rà soát để nắm thật chắc số người trong diện hưởng chính sách; rà soát lại các quy định về thủ tục, sự thống nhất trong các văn bản hướng dẫn để người có công, được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và nhà nước.