Báo điện tử Tiền Phong

Sự thức thời của những chiến binh Samurai Xanh

Nhật Bản đã đi vào lịch sử World Cup khi trở thành đội bóng đầu tiên vào vòng knock-out nhờ chỉ số fair-play, họ cũng là đội bóng duy nhất của châu Á vượt qua vòng bảng. Thành công ấy đến từ sự hòa trộn mọi giá trị đang tồn tại ở đội tuyển xứ hoa anh đào.

Khi tiếng còi mãn cuộc trận đấu Nhật Bản thua 0-1 trước Ba Lan ở lượt đấu cuối cùng của bảng H vang lên, tất các cầu thủ Nhật Bản đứng lại nghe ngóng. Điều đó rất khác với những gì diễn ra sau một trận đấu thông thường, thay vì những cảm giác buồn bã, thất vọng các cầu thủ Nhật Bản tỏ ra hồi hộp, lo lắng.

Cầu thủ Nhật Bản có thái độ khác lạ là do trận đấu cùng giờ giữa Senegal và Colombia ở bảng H chưa kết thúc. Vài phút sau đó, các cầu thủ Nhật Bản bắt đầu ăn mừng, họ vui sướng bởi Colombia đã thắng Senegal 1-0, qua đó trợ giúp đội bóng xứ hoa anh đào giành vị trí nhì bảng H và sẽ trở thành đội bóng có quyền đi tiếp vào vòng 1/8.

Sau ba trận ở vòng bảng, Nhật Bản có bốn điểm, ghi được bốn bàn thắng và để lọt lưới bốn bàn. Kết quả này giống hệt với Senegal, nhưng đội bóng tới từ châu Á xếp trên nhờ FIFA áp dụng luật fair-play như một chỉ số để xếp thứ hạng. Tại vòng bảng, các cầu thủ Nhật Bản chỉ nhận bốn thẻ vàng, trong khi Senegal nhận tới sáu thẻ nên đại diện tới từ châu Phi phải xếp sau.

Một luật chơi rất mới, lần này Nhật Bản được hưởng lợi. Đó là phần thưởng xứng đáng, vì Nhật Bản thể hiện được giá trị tinh thần cao nhất của thể thao. Nếu như người hâm mộ của đội bóng này khiến người hâm mộ khắp nơi khâm phục với hình ảnh luôn dọn rác sau khi trận đấu kết thúc, thì trên sân cỏ, các cầu thủ Nhật Bản luôn nở nụ cười dù họ phạm lỗi hay bị đối phương phạm lỗi.

Nhắc tới con đường Nhật Bản giành tấm vé vào vòng đấu loại trực tiếp, có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là sự kiên cường, mạnh mẽ, dám đương đầu với thử thách, đúng với tinh thần của những chiến binh Samurai

Nhật Bản xuất quân gặp Colombia ở trận đấu đầu tiên, họ sớm được hưởng lợi với bàn thắng mở tỉ số từ phạt đền, cộng thêm đối phương bị đuổi người. Các học trò của Nishino chỉ thực sự bị chọc giận sau khi Colombia gỡ hòa ở cuối hiệp thi đấu thứ nhất. Sang hiệp hai, Nhật Bản bung sức tấn công dồn dập và thành quả là bàn thắng thứ hai để tiến tới thắng lợi.

Thử thách thứ hai mang tên Senegal khó khăn hơn, vì đối thủ có nền tảng thể lực rất dồi dào, nhưng trong gian khó mới tỏ mặt anh hào. Nhật Bản hai lần bị đối thủ vượt lên dẫn trước, họ không hề run sợ trước đối phương ở bất kỳ một thời điểm nào, cho nên gỡ hòa được cả hai lần. Chính tinh thần thi đấu quả cảm giúp Nhật Bản tạo nên một trận đấu sòng phẳng và chia điểm với Senegal.

Tinh thần chiến binh Samurai được nhắc tới hai trận đầu tiên của đội tuyển Nhật Bản, tuy nhiên điều đó không được thể hiện ở trận cuối cùng tại vòng bảng gặp Ba Lan. Sau trận đấu, huấn luyện viên Nishino thừa nhận có chỉ đạo các học trò thi đấu cầm chừng, thậm chí chơi "bóng ma" khoảng 10 phút cuối trận để tránh nhận thêm bàn thua, thẻ phạt.

Màn trình diễn ấy khiến Nishino nhận không ít chỉ trích từ cổ động viên, giới truyền thông nước nhà. Quả thật, Nishino có chút liều lĩnh, bởi đội bóng của sẽ bị loại nếu Senegal gỡ hòa ở trận đấu với Colombia. Tuy nhiên thành công nào cũng phải có sự mạo hiểm, Nishino chọn một con đường ông cảm thấy đúng đắn, kiên định với con đường ấy, điều đó là quan trọng nhất.

Ngay ở World Cup, trước Nhật Bản, chẳng phải Pháp và Đan Mạch cùng nhau "đi bộ" suốt 90 phút? Nhìn lại lịch sử bóng đá cũng ghi nhận nhiều đội bóng chơi không đẹp để đạt được mục đích, thậm chí vô địch những giải đấu lớn. Tất nhiên, lịch sử chẳng nhớ tới kẻ "thua đẹp" mà chỉ tập trung vinh danh người chiến thắng.

Vì vậy việc Nishino thức thời, sẵn sàng vứt bỏ sĩ diện để mong nhận một kết quả tốt cũng không phải việc làm sai trái. Lịch sử đã ghi nhận ông là người thứ ba đưa Nhật Bản vượt qua vòng loại, nối tiếp chu kì thành công 8 năm của đội bóng ở World Cup. Đó sẽ là giá trị cao nhất.

Hai tháng trước khi World Cup 2018 bắt đầu, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) đưa ra một quyết định vô cùng dũng cảm và liều lĩnh, họ quyết định sa thải huấn luyện viên Vahid Halilhodzic. Vị chiến lược gia người Bosnia gắn bó với tuyển Nhật Bản từ năm 2015, đưa đội bóng này đứng đầu vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á, đồng nghĩa giành tấm vé thẳng tới thẳng Nga.

Thành tích ở vòng loại rất hoành tráng, song Halilhodzic phải ra đi do không duy trì sự ổn định cho quá trình chuẩn bị trước thềm World Cup. Đội tuyển Nhật Bản trong giai đoạn cuối năm 2017 tới đầu năm 2018 không biết tới chiến thắng, chuỗi năm trận liên tiếp của đội tuyển quốc gia khiến JFA hết kiên nhẫn và chọn cách thay đổi ban huấn luyện.

Akira Nishino được bổ nhiệm vào ghế nóng, vị chiến lược gia lão luyện người Nhật Bản từng gặt hái rất nhiều thành công cùng Kashiwa Reysol và Gamba Osaka với nhiều chức vô địch J.League. Ở tuổi 63, lại không tham gia công tác huấn luyện ba năm, nhiều người nghĩ rằng Nishino đã "rửa tay, gác kiếm".

Khi được JFA mời, Nishino không ngần ngại "nhảy vào lửa" với hai lý do. Trước hết là vinh dự được cống hiến phục vụ cho tổ quốc. Thời mới khởi nghiệp cầm quân, Nishino cũng từng dẫn dắt các đội tuyển trẻ của Nhật Bản, nhưng chưa từng cầm tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, Nishino cũng nhận thấy tiềm năng của đội hình tốt hơn so với những gì họ đã thể hiện.

Nishino là người rất giỏi trong việc gắn kết đội, triết lý sức mạnh tập thể đã xuyên suốt sự nghiệp cầm quân của ông và điều đó một lần nữa được vị chiến lược gia này lặp lại trong buổi ra mắt đội tuyển quốc gia. "Nếu các cầu thủ thể hiện được hết khả năng và kết hợp được cùng nhau, họ sẽ cho chúng ta thêm một điều gì đó", Nishino chia sẻ.

Đa phần giới chuyên môn của xứ hoa anh đào đều ủng hộ Nishino. Takeshi Okada, người dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản hai lần dự World Cup chia sẻ: "Ông ấy thành tích tốt ở J.League và luôn giỏi trong giao tiếp với các cầu thủ. Nishino là lựa chọn tốt nhất lúc này, vì ông ấy biết rõ đội bóng".

Bao năm qua, châu Á bị nhắc đến như vùng trũng của bóng đá thế giới. Bốn năm trước tại World Cup 2014 ở Brazil, người hâm mộ châu Á chẳng còn biết giấu mặt vào đâu khi các đại diện tham dự đều thua thảm, cùng nhau đứng bét bảng. Nỗi buồn cứ đến rồi qua đi sau bao giải đấu, còn người hâm mộ châu Á vẫn đau đáu niềm tin vào một ngày các đội bóng ở châu lục sẽ vươn tầm ở sân chơi thế giới.

Tại Nga World Cup 2018, ngoại trừ Ả Rập Xê Út thua trắng ba trận, các đội bóng châu Á còn lại đều tạo được dấu ấn. Iran từng khiến Bồ Đào Nha sợ khiếp vía, suýt chút nữa họ hạ gục nhà đương kim vô địch châu Âu. Hàn Quốc tạo nên chấn động địa cầu với chiến thắng trước Đức khiến nhà đương kim vô địch về nước sớm. Australia cũng chỉ từ bỏ hi vọng đi tiếp ở trận đấu cuối cùng.

Dẫu vậy những điểm sáng kể trên sẽ phai mờ nếu thiếu một điểm nhấn khẳng định giá trị thành công. Điểm nhấn ấy chính là suất vào vòng 1/8 của Nhật Bản. Giờ đây đội tuyển Nhật Bản đã trở thành lá cờ đầu, là đội tuyển đem hết hi vọng của người hâm mộ bóng đá châu Á và cũng để làm nổi bật hơn thành tích của các quốc gia cùng châu lục.

Nhật Bản đang bước trên chu kỳ 8 năm một lần thành công ở World Cup, hai lần trước vượt qua vòng bảng (2002, 2010), Nhật Bản đều phải dừng lại ở vòng 16 đội. Lần thứ ba này, họ phải đối đầu với ứng viên vô địch Bỉ. Dẫu như vậy, với tinh thần chiến binh của các cầu thủ, sự thức thời của Nishino, biết đâu rằng bóng đá Nhật Bản đêm nay sẽ viết nên một trang sử mới.

More Stories