Uống vitamin trước khi sinh
Các bác sỹ khuyên rằng, phụ nữ nên bổ sung vitamin trước khi sinh, thậm chí cả khi đang có kế hoạch mang bầu. Bé cần vitamin để phát triển dây thần kinh – cơ sở để hình thành não và dây cột sống. Chính vì vậy, mẹ cần bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất như Axit folic, Canxi, Sắt từ ngay từ giai đoạn đầu tiên của thai kỳ.
Phụ nữ mang bầu cần duy trì hoạt động cơ thể, tập thể dục thường xuyên để kiểm soát cân nặng, tăng cường tuần hoàn, cải thiện tâm trạng và có những giấc ngủ sâu hơn. Không chỉ vậy, mẹ tập thể dục sẽ là một tấm gương tốt cho bé sau này. Phụ nữ mang thai nên tham gia những môn thể thao như yoga, bơi lội, đi bộ… Tuy nhiên, trước khi tham gia những môn thể thao này, mẹ cần được tư vấn bởi bác sỹ. Thời gian tập thường là 30 phút/ngày và tập luyện đều đặn các ngày trong tuần.
Ăn nhiều thực phẩm giàu Folate
Trước và trong khi mang thai, phụ nữ nên bổ sung những thực phẩm giàu Axit folic. Axit folic rất cần thiết cho sự phát triển ống thần kinh của bé (bao gồm cả tủy sống). Ngoài ra, chúng còn giúp hình thành những tế bào máu đỏ. Mẹ nên bổ sung thực phẩm chứa Axit folic thường xuyên như ngũ cốc, măng tây, đậu lăng, mầm lúa mỳ, cam…
Nạp năng lượng bằng trái cây
Hầu hết các bác sỹ đều khuyên mẹ không nên sử dụng đồ uống chứa caffein bởi chúng có những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe hai mẹ con. Tuy nhiên, với những mẹ đã có thói quen từ trước, điều này rất khó để bỏ. Thay vào đó, mẹ có thể sử dụng tăng cường một số loại hoa quả như chuối, táo để cung cấp nhiều vitamin và năng lượng hơn.
Ăn cá
Trong một nghiên cứu năm 2007 tiến hành ở 12.000 trẻ em, các nhà nghiên cứu cho biết, những bé có mẹ ăn cá trong thời kỳ mang thai có chỉ số thông minh cao hơn, hành vi và khả năng giao tiếp tốt hơn những bé khác. Cá chứa axit béo Omega-3, dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ. Tuy nhiên, trong cá có chứa hàm lượng thủy ngân nhất định, có thể gây độc cho mẹ và bé.
Để an toàn, Cục quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên ăn quá 348g cá mỗi tuần. Về chủng loại, phụ nữ nên ăn cá ngừ trắng đóng hộp, cá hồi, tôm, cá da trơn...; không nên ăn thịt cá mập, cá kiếm, cá thu hay cá kình bởi chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao.
Dùng kem chống nắng
Mang thai khiến làn da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Vì vậy, da sẽ dễ bắt nắng, trở nên đen sạm, xuất hiện những vết thâm nám. Các mẹ mang thai có thể sử dụng kem chống nắng có hàm lượng SPF 30 hoặc cao hơn. Hiệp hội Thai nhi Mỹ khuyến cáo, mẹ không nên tắm nắng trong thời kỳ mang thai dù hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng tắm nắng có thể ảnh hưởng tới em bé.
Hiện tượng thèm ăn
Có chuyên gia cho rằng, thèm ăn là điều tự nhiên để cung cấp cho mẹ những dinh dưỡng thiếu hụt khi mang thai. Nhiều người lại cho rằng, điều này phụ thuộc vào cảm xúc. Tuy nhiên, các bà mẹ cần tránh một số thực phẩm như thịt, trứng hay những thực phẩm chưa được nấu chín, phô mai chưa được tiệt trùng, trà thảo dược, giá đỗ sống…
Đi spa
Mang thai là thời gian để các mẹ có thể “nuông chiều” bản thân mình. Tuy nhiên, các bà mẹ cần lưu ý khi đi tắm hơi bởi cơ thể có thể bị quá nóng. Theo Hiệp hội Thai nhi Mỹ, chỉ cần ngồi trong phòng xông hơi từ 10 tới 20 phút, nhiệt độ cơ thể mẹ có thể lên tới 38.8 độ C – gần đạt tới giới hạn cảnh báo mức độ an toàn cho mẹ mang thai.
Ngoài ra một số loại dầu massage có thể là nguyên nhân gây ra những cơn co thắt tử cung, đặc biệt trong ba tháng đầu và ba tháng giữa giai đoạn thai kỳ. Khi đi massage, thai phụ nên được tư vấn bởi bác sỹ và tránh sử dụng những loại thảo dược như cây bách xù…
Thu Hiền
Đơn vị tư vấn chuyên môn:
Website: www.methongthai.vn
Email: tuvan@methongthai.vn
Số điện thoại: 1800.8155 | 0943.48.49.94
Địa chỉ: Phòng 2203 nhà 24T2 đường Hoàng Đạo Thúy, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội