Mắc cạn

Mắc cạn
TP - Cách đây hai năm, theo chính sách mời gọi của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã hăng hái tham gia đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp (TNT). Tham gia chương trình này, ngoài việc tìm kiếm lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp cũng thực tâm muốn làm một việc có ích với người TNT, chung tay cùng Chính phủ chăm lo chính sách an sinh xã hội.

> Nhà thu nhập thấp cũng khuyến mãi khủng
> Khổ vì được mua nhà thu nhập thấp!

Chính sách mới hợp lòng dân, còn doanh nghiệp thì hào hứng, nên chỉ thời gian ngắn, hàng loạt dự án nhà ở TNT tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng... được doanh nghiệp khởi công. Nhưng mới đi được quãng đường ngắn, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tỏ ra thất vọng, khi mà Quyết định 67 (ngày 24-4-2009) về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có TNT tại đô thị không được thực thi nghiêm.

Điển hình là việc doanh nghiệp không vay được vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như quy định. Trong số 39 dự án nhà TNT trên cả nước triển khai, chỉ có hai doanh nghiệp được vay vốn. Còn lại các doanh nghiệp đều phải bỏ tiền túi hoặc vay thương mại để đầu tư...

Nay thị trường bất động sản đóng băng, những doanh nghiệp này như bị mắc cạn, bán giá rẻ để thu hồi vốn, thậm chí khuyến mãi khủng cũng không có người mua. Một chủ doanh nghiệp đầu tư nhà TNT tại Huế tâm sự “đang bị đọng vốn cả trăm tỷ đồng, chưa thu hồi được, vì không có khách mua”.

Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư nhà TNT tại Hà Nội, đề nghị chính quyền thành phố mở rộng cho đối tượng hộ khẩu KT3 cũng được mua nhà TNT, giảm từ 10 năm xuống còn 5 năm được chuyển nhượng, nhằm tăng mãi lực, thu hồi vốn, nhưng đã nhiều tháng nay cũng chưa có được câu trả lời...

Một chính sách xã hội được cả người dân và doanh nghiệp chào đón, nhưng mới chỉ hơn 2 năm, đã khiến nhiều doanh nghiệp, và nay cả người mua trở thành nạn nhân. Vì doanh nghiệp không được tiếp sức, có thể sẽ phá sản. Còn với nhiều người TNT đã trót mua nhà, nay phải đóng tiền tiếp cũng khó khăn, khi mà vay ngân hàng không đơn giản, còn nếu may mắn vay được, cũng khó chịu nổi lãi suất thương mại tới trên 20%.

Chính sách của Nhà nước ban ra mà không có công cụ thực hiện thì chính sách dù hay đến mấy cũng chỉ là chính sách trên giấy. Nếu thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà TNT, mong muốn người TNT có nơi ở đàng hoàng, rất cần có công cụ tài chính cụ thể đi kèm. Chỉ khi đó, chính sách mới có thể đi vào cuộc sống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG