Ma túy đưa 'ông cử' vào lao lý

Ma túy đưa 'ông cử' vào lao lý
TP - Tốt nghiệp Học viện Báo chí - Tuyên truyền, làm ngành nghề hiểu rõ về luật pháp, nhưng Đạt lại vướng vào vòng lao lý vì tàng trữ trái phép chất ma túy…

> Phạm tội xong chỉ sợ bố đánh
> Một giây nóng nảy, đánh chết người tình của mẹ
> Một phút 'anh hùng rơm' trả giá bảy năm tù
> Trải lòng sau song sắt: Mất tuổi xuân sau cuộc 'giải cứu'

Trần Thành Đạt, cái tên rất “kêu” như hứa hẹn nhiều thành công trong cuộc sống cho chủ nhân của nó. Chẳng ai ngờ, ngã rẽ số phận lại đưa Đạt sang một con đường mà chẳng ai mong muốn – tù tội. Ngồi xuống ghế đối diện, Đạt kiệm lời, chỉ giới thiệu sinh năm 1978. Hỏi về quê quán, Đạt cau có. Liếc nhanh qua người quản giáo, Đạt miễn cưỡng nói: “Tôi quê ở Vĩnh Phúc, vào trại vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy, mức án 2 năm 9 tháng tù”.

 “Chỉ vì một chút yếu lòng nên mới ra nông nỗi này. Tôi hẫng hụt rất nhiều, không nghĩ là mình phải đi tù. Nhưng thời gian ở trại, được cán bộ trại giam phân tích, cảm hóa, tôi bình tâm suy nghĩ, thấy được chuyện đúng sai, được mất”. 

Phạm nhân Trần Thành Đạt

Vẫn giữ thái độ miễn cưỡng và vẻ mặt lạnh, Đạt kể về vụ án của mình. “Tôi bị đau chân, vào bệnh viện đúng lúc hết thuốc. Đau quá, không chịu được nên tôi ra ngoài mua ma túy về điều trị để dứt cơn đau. Mua xong được khoảng 40 phút, cán bộ kiểm tra hành chính khám người, phát hiện ma túy nên tôi bị bắt”, Đạt nói, vẫn với giọng đều đều và vẻ mặt cau có. “Tôi cũng biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng lúc bị bắt, tôi vẫn sốc”.

Đạt kể, ngày mới vào trại, Đạt suy nghĩ nhiều, tâm lý lúc nào cũng hoang mang. Nhưng dần dần, được các cán bộ trại giam phân tích, khuyên giải, Đạt nhận ra lỗi lầm của mình. “Chỉ vì một chút yếu mềm nên mới ra nông nỗi này. Tôi hẫng hụt rất nhiều, không nghĩ là phải đi tù. Nhưng thời gian ở trại, được cán bộ trại giam phân tích, cảm hóa, tôi bình tâm suy nghĩ, thấy được chuyện đúng sai, được mất”, giọng Đạt trầm buồn.

“Trước đó anh làm nghề gì”? Nghe chúng tôi hỏi, mặt Đạt biến sắc. Đạt hỏi lại: “Câu này có cần thiết phải trả lời không, cán bộ?”. Đạt lại liếc sang người quản giáo, rồi đáp chiếu lệ: “Tôi làm mỗi nơi một tí, gọi là làm tự do cũng được!”.

Đạt chia sẻ, những ngày trong trại, lúc nào cũng nhớ về vợ con, gia đình. Đạt vào tù để lại vợ dại, con thơ không biết nương tựa vào ai. Càng suy nghĩ, Đạt lại tự động viên mình, rằng cần phải cải tạo tốt để sớm trở lại với xã hội, với cuộc sống bình thường.

Nhắc tới cuộc sống phía trước đang chờ đợi, Đạt mở lòng kể thêm, vì vướng vòng lao lý, mà bao nhiêu ước mơ, hoài bão tan thành mây khói. “Trước lúc bị bắt, vợ chồng tôi đang ấp ủ nhiều dự định như chuyển nhà, sinh thêm em bé…”, Đạt nói. Giọng Đạt chùng xuống khi nhớ về vợ, con: “Đến nay, con trai tôi vẫn chưa biết tôi vào trại. Gia đình vẫn giấu”.

Điều Đạt hối tiếc nhất là giá như biết kiềm chế, biết chịu đựng cơn đau một chút, thì bây giờ, cuộc sống đã không có vết đen tù tội. “Nếu được làm lại, chắc chắn tôi sẽ chờ có thuốc chứ không tìm đến ma túy”, Đạt nói.

Còn 15 tháng nữa là mãn hạn tù, Đạt bảo, bây giờ, ước mơ, mục tiêu phấn đấu lớn nhất của Đạt là cải tạo tốt để mong được giảm án, sớm trở về với vợ con. Đạt cũng thoáng lo ngày về, cộng đồng sẽ đón nhận mình như thế nào. “Khi trở về, tôi chỉ sợ bị người ta kỳ thị”, Đạt lo lắng.

Cuộc nói chuyện kết thúc, Đạt nở nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt từng trải lúc chia tay chúng tôi để quay trở lại phòng giam. Nụ cười ấy của Đạt chỉ có được khi chia sẻ ngày về chẳng xa xôi nữa. Cán bộ quản giáo cho hay, Đạt từng là phóng viên một tờ báo ở Hà Nội.

Phá gần 21.000 án ma túy năm 2012

Theo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, trong năm 2012, cơ quan chức năng phát hiện, điều tra gần 21.000 vụ, bắt trên 31.000 đối tượng phạm tội về ma túy trên cả nước, thu giữ 692 kg heroin, 225 kg thuốc phiện, hơn 1.160 kg cần sa, 192kg + 500 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật, tài sản khác… Tình hình tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp, liều lĩnh. Các đối tượng phạm tội chống trả các lực lượng chức năng một cách manh động, quyết liệt. Lực lượng chức năng đã truy tố, xét xử gần 19 nghìn bị cáo, trong đó 194 bị cáo bị tuyên án tử hình hoặc tù chung thân, 615 bị cáo bị tuyên phạt tù từ 15 năm trở lên, 3.521 bị cáo bị phạt từ 7 - 15 năm tù.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.