Má tôi là tiểu thơ Sài thành, là nàng tiên thứ chín trong câu chuyện cổ tích của tôi

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Hồi đó, tôi cứ nghĩ má là nàng tiên thứ chín bị mất đôi cánh phải ở lại trần gian. Tôi tìm trong tủ quần áo xem ba có giấu đôi cánh nào của má, tôi sẽ đem đi đốt để má khỏi bay về trời.

Trước khi về nhà nội làm dâu, má là một tiểu thơ khuê các vì gốc gác bên nhà ngoại làm quan, mong manh như nhành liễu. Sau tôi, thêm hai đứa em ra đời, cuộc sống thay đổi, ba đưa má, tụi tôi và các cô chú rời Sài Gòn về Trà Vinh sinh sống. Từ một trưởng ty bưu điện, một tiểu thơ sống trong nhung lụa, má không hề biết gì về đồng áng, nhưng yêu ba, má bắt đầu tập làm người nhà quê.

Ngày má về quê, ngoại lo lắng dấm dúi cho má một số vàng phòng thân. Cất nhà, má bán vàng. Mua trâu, má bán vàng. Mua cái chài má cũng bán vàng. Mùa đồng áng, má lại bán vàng thuê người cấy, gặt... Chỉ vài năm, của cải ngoại cho đã hết sạch. Má phải tự lực cánh sinh vì không muốn ngoại phải nặng lòng.

Má tôi là tiểu thơ Sài thành, là nàng tiên thứ chín trong câu chuyện cổ tích của tôi ảnh 1

Ảnh minh họa: Phim Cô Ba Sài Gòn.

Ba má bắt đầu vất vả hơn. Ba trồng giồng, đào giếng vừa nuôi cá phi vừa lấy nước tưới. Nhà có chú Bảy Long phụ với ba, cô Tư Hạnh phụ với má. Má phải tập làm đủ thứ, bấy giờ má đã biết gánh nửa thùng nước tưới hoa màu. Chiều chiều má và cô tôi hái cà chua để sáng gánh ra chợ bán. Chợ nhóm từ bốn giờ, cân cho bạn hàng thu mua, má còn phải tranh thủ về lo ăn cho chị em tôi rồi đi dạy học. Vất vả thế nhưng má luôn mỉm cười trong hạnh phúc.

Mỗi buổi chiều, tôi rất thích theo má và cô thu hoạch rau trái. Tôi ngồi trên bờ cỏ nhìn má hái đậu đũa bên giàn, gió bay những lọn tóc mai bên gương mặt trái xoan xinh đẹp của má vương giọt mồ hôi.

Má tôi là tiểu thơ Sài thành, là nàng tiên thứ chín trong câu chuyện cổ tích của tôi ảnh 2

Ảnh minh họa: Phim Cô Thắm Về Làng.

Má nấu ăn rất ngon, hồi thời đó ở quê tôi bà con có cá là thường nấu canh chua và kho thôi nhưng má tôi làm được nhiều món lạ và hấp dẫn lắm, mà toàn từ cây nhà lá vườn. Ba chài được cá phi, má hái đọt khoai mì về om cá phi với nước cốt dừa, mâm cơm dọn lên nghi ngút khói.

Ba và chú Long đi chài, có nhiều cá nên nhà ăn không hết. Má và cô Tư Hạnh bưng đi bán. Hai chị em mắc cỡ, ngại ngùng không dám rao, may mà bà con ủng hộ mua giúp cô giáo. Có hôm bán ế, má phải mang cả thúng cá về ướp muối phơi khô. Tụi tôi thích nhất là đón má đi chợ về, trong thúng lúc nào cũng có quà: Bánh bò, da lợn bột gạo nước cốt dừa béo ngậy, bánh cam giòn rộm miếng đường trong như kẹo gương... Có lần má đi chợ về quần áo bê bết bùn sình, cô Tư Hạnh kể là do má cố sức gánh nhiều cà hơn mọi ngày nên bị té xuống ruộng.

Má tôi là tiểu thơ Sài thành, là nàng tiên thứ chín trong câu chuyện cổ tích của tôi ảnh 3

Ảnh minh họa: Phim Cô Thắm Về Làng.

Ban đêm, ba với chú Bảy Long cùng mấy chú bác trong xóm đi chài tận mé rừng nước mặn vì được rất nhiều cá tép, nhưng khá nguy hiểm, phải đi chân trần lội bùn len lỏi vào những vạt cây, bơi qua bên kia sông. Nhiều lần ba giẫm nhầm gai, vết thương mưng mủ. Má không muốn ba đi chài ban đêm. Mỗi lần ba đi má đâu ngủ được, hết soạn giáo án lại ngồi bằm rau lang nấu cháo heo rồi dọn dẹp... Tôi giật mình bao nhiêu lần, đều thấy má còn thức chờ ba về.

Một hôm khoảng gần hai giờ sáng trong xóm náo động vì có tin người đi chài lội qua sông bị chết đuối đang được đưa về. Cả nhà tôi choàng tỉnh dậy, tụi tôi ngơ ngác, má lo lắng đứng ngồi không yên, cô Tư Hạnh mạnh mẽ hơn, chạy đi nghe ngóng tình hình. Nghe người gặp nạn tên Nghiệp, má tôi ngất xỉu luôn, cô Tư Hạnh phải xoa dầu giật tóc mai cho má tỉnh. Đến ba giờ sáng, ba và chú Bảy Long mới về đến nhà. Má ôm lấy ba khóc nức nở. Thì ra người bị chết đuối là bác Sáu Nghiệp, còn ba của tôi là Ba Nghiệp. Sau lần đó, má mạnh mẽ và quyết liệt lắm, nhất định không cho ba đi chài đêm nữa.

Má tôi là tiểu thơ Sài thành, là nàng tiên thứ chín trong câu chuyện cổ tích của tôi ảnh 4

Ảnh minh họa: Phim Cô Thắm Về Làng.

Qua năm qua tháng, nay vào mùa cấy má cũng biết lội ruộng sâu cấy lúa. Mùa gặt, má cũng biết tay liềm tay hái gặt lúa, gánh về. Nhà tôi không phải thuê người làm ruộng như hồi mới về quê nữa.

Má viết chữ đẹp, hát hay, nấu ăn ngon, xinh xắn, dịu dàng... Má truyền dạy tất cả cho chị em tôi. Tôi viết chữ đẹp và hát hay yêu thơ, yêu nhạc là thừa hưởng từ má. Hồi đó, tôi cứ nghĩ má là nàng tiên thứ chín bị mất đôi cánh phải ở lại trần gian, tôi tìm trong tủ quần áo xem ba có giấu đôi cánh nào của má, tôi sẽ đem đi đốt để má khỏi bay về trời.

Má tôi là tiểu thơ Sài thành, là nàng tiên thứ chín trong câu chuyện cổ tích của tôi ảnh 8
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.