Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một ca bệnh trong tình trạng nguy kịch do rượu gây ra. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng, hôn mê sâu và nguy kịch.
Bệnh nhân là T.V.H, 49 tuổi, được chẩn đoán là ngộ độc rượu và viêm phổi do trào ngược. Theo nguồn tin từ người nhà, ông H là người nghiện rượu nhiều năm, mỗi ngày ông uống khoảng 500-600ml rượu. Đỉnh điểm là vào ngày 23/10/2018, ông đã nạp vào cơ thể quá nhiều rượu, dẫn đến bất tỉnh, nôn và trào ngược thức ăn vào phổi.
Mặc dù đã được các y bác sĩ tại bệnh viện Phố Nối (Hưng Yên) cấp cứu tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục diễn biến xấu, hôn mê sâu và viêm phổi nặng. Do đó, rạng sáng ngày 24/10/2018, ông H được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện TWQĐ 108. Tại đây bệnh nhân được điều trị thải độc, thở máy và kháng sinh mạnh chống viêm phổi.
Theo Bác sĩ Ngô Đình Trung – Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện TWQĐ 108, nguyên nhân của ngộ độc là do trong rượu có chứa hợp chất Ethyl alcohol, hợp chất này thường có trong các loại đồ uống có cồn, nước súc miệng, sản phẩm chiết xuất dùng trong nấu ăn và một số loại thuốc khác.
Khi uống quá nhiều rượu và trong một khoảng thời gian ngắn, có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp, nhịp tim…, trường hợp nặng sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong. Bác sĩ Trung cũng đưa ra khuyến cáo, không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém như rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Lý do là chúng có nguy cơ ngộ độc nguy hiểm hơn từ các tạp chất khác trong rượu như methanol. Đây là chất cực độc đối với cơ thể, gây ức chế thần kinh, tổn thương mắt, rối loạn chuyển hóa nặng và tử vong dù chỉ uống một lượng nhỏ.
Còn theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cảnh báo nguy cơ hạ đường huyết do chỉ uống mà không ăn. Trước đó, Trung tâm Chống độc từng cấp cứu một trường hợp là cô gái 24 tuổi được đưa tới Trung tâm Chống độc do hạ đường huyết, ngất xỉu vì chỉ uống mà không ăn.
Bác sĩ lý giải, khi say rượu, sau lúc nôn, lảm nhảm, nói nhiều người say thường lịm đi, thậm chí ngủ một mạch vài tiếng đồng hồ. Trong khi đó bụng lại đói, lúc này xuất hiện nguy cơ bị hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng trên não. Được biết, đa số các ca do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, bản chất methanol là chất độc, được trà trộn vào rượu uống (rượu trắng). Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Người uống không hề biết mình đã uống nhầm rượu độc, đến khi được đưa vào viện thì thường đã quá muộn. Hàng tiếng sau khi uống, thậm chí sau 2 ngày, người bệnh mới có biểu hiện mờ mắt, hôn mê, mệt mỏi; gia đình đưa đi cấp cứu thì đã muộn. Nếu như biết ngộ độc methanol, bệnh nhân được đưa vào viện sớm, không đợi các dấu hiệu thì sẽ không có tổn thương não, di chứng mắt.