Khách mời của Quốc hội - Kỳ cuối:

Ma lực Đặng Quốc Bảo

Ma lực Đặng Quốc Bảo
TP - ...Có một phiên họp QH giờ giải lao, tôi ngồi lại với vị thủ trưởng cũ Đặng Quốc Bảo (Ông nguyên là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn). Ông nhiều năm nay là khách mời thường xuyên của QH.

>> Kỳ III: Vũ Quốc Hùng, một thời ngự sử

Nhớ năm đã xa, lần đi Bắc Thái công tác, người ta bố trí tôi với ông cùng ngủ một phòng. Ông hỏi ngay cậu có ngáy không, nếu không quen nghe ngáy thì kiếm chỗ khác. Tôi không biết đáp ra sao. Cũng chả biết là mình có ngáy nữa không. Đang là tuổi ăn tuổi ngủ, nhỡ ra. Nhưng quả giường bên, ông kéo gỗ ghê thật. Vừa hoang mang vừa ngại, thế là trắng đêm luôn.

Lại nhớ lần đi Đông Bắc cuối năm 1979. Đường vừa xa vừa xấu, thầy trò lèn nhau trên cái Uoát dã chiến. Trên xe có Bùi Đức Huyên, PV Đài TNVN, buổi phát thanh thanh niên. Huyên tính ngang thẳng lại thích tranh luận. Lại được ông khuyến khích nữa. Ban đầu thì có vẻ hợp cạ. Nhưng sau tôi khiếp quá bởi tính vốn nhát với lại tình hình có vẻ căng bởi cứ như  cãi nhau trên xe. Thế mà tới nơi ông cười hề hề.

Cuối chuyến đi, ông bảo rẽ vào huyện ủy Tiên Yên. Ông cho chúng tôi dự buổi làm việc suốt một buổi chiều với Bí thư Huyện ủy. Cuối buổi, ông thân mật vỗ vai Bí thư Huyện ủy trẻ trung, rồi hướng cái cười về đám chúng tôi, các cậu thấy đồng chí bí thư đây có xứng đáng làm thủ lĩnh của Đoàn không? Cứ nghĩ ông nói cho vui. Nhưng cuối năm 1980, Đại hội Đoàn Toàn quốc Lần thứ IV, người đắc cử chức bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn là Bí thư Huyện ủy Tiên Yên năm ấy, ông Vũ Mão.

Có lần về một vùng xa vùng sâu, đang nói chuyện thì ngọn đèn sáu mươi oát chạy máy nổ phụt tắt do trục trặc. Hội trường ba ngàn thính giả chỉ có độc một chiếc đèn bão. Thế mà ông liền một lèo suốt ba tiếng đồng hồ. Tất nhiên người nghe không phải vì nể ông hay vì phép lịch sự và cả những tràng pháo tay liên tục dành cho ông cũng vậy! Tận bây giờ, thú thực  lâu lắm tôi chưa được mục sở thị cái không khí lẫn khung cảnh người nghe mắt chữ O miệng chữ A như cái đêm vùng biên viễn ấy.

Tâm trí tôi xuôi về cái làng Hành Thiện mình từng qua. Hành Thiện, chuyên làm việc thiện. Nằm trên hành lang Phủ Thiên Trường, làng Hành Thiện có từ đời Lê Trung Hưng. Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện. Hành Thiện kém chi Cổ Am Vĩnh Bảo quê Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Địa linh? Có lẽ. Địa linh tất sinh nhân kiệt. Thời Nho học, làng Hành Thiện có 419 người đỗ đạt. Bảy đại khoa (ba tiến sĩ, bốn phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài.

Người có bằng cấp cao nhất trong làng là cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh) sinh năm 1828; năm 1856 đỗ tam giáp tiến sĩ đệ nhất.

Làng có bốn quan thượng thư; bốn ông tuần phủ; bốn người làm quan tổng đốc; 23 người làm quan giúp việc triều đình; 69 người làm quan tri phủ, tri huyện, chưa kể số đỗ đạt đi làm thầy giáo (sư phụ), thầy thuốc (đại phụ) ở khắp nơi. Thời hiện đại, làng Hành Thiện có 88 người là giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân, trong khi dân số của làng chỉ trên 6.000 người.

Làng có bốn tướng lĩnh quân đội là Đặng Quốc Bảo, Đặng Kinh, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Sĩ Quốc; hai Anh hùng Lực lượng vũ trang là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính. Hàm bộ trưởng có Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư. Hàm giáo sư có Đặng Vũ Khiêu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh. 

Làng Hành Thiện còn là nơi phát tích của hai hoa hậu Báo Tiền Phong. Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa là cháu gọi ông Đặng Vũ Minh bằng cậu. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy, con bà Đặng Thị Bính; bà Bính con ông Đốc Hỷ, cũng là người có danh trong làng.

Bữa gặp mới đây, trên tay ông là cuốn Hàn Phi tử mới mua “Tớ đã đọc nay phải đọc lại. Có lẽ người ta bảo cực đoan, nhưng phương Tây có Platon thì phương Đông có Hàn Phi tử. Cậu thấy thế nào?”.

Còn thế nào nữa,  được nói chuyện với ông là một cái thú. Được tranh luận (có lẽ gọi là hầu chuyện ông mới phải), còn khoái hơn! Tôi chẳng rõ trước đây, chức việc của ông bộn bề là thế, không biết ông đọc các thứ sách vào lúc nào! Ma lực Đặng Quốc Bảo.

Một ông bạn không giấu giếm khi bộc bạch cảm giác của mình. “Ông ấy làm được cái việc rất đơn giản mà nhiều, rất nhiều người, không làm được là nhắc người ta chợt nhớ, mà nhớ một cách tự nguyện và ngoan ngoãn rằng không phải miếng ăn là tất cả!

Anh cũng dài dòng rằng, tiếp chuyện ông, người ta dễ rơi vào trạng thái tâm lý mà có người gọi là tình cảm tôn giáo. Có hơi ngược một chút là con chiên chả phải làm phận sự xưng tội bởi tâm trí bận cuốn theo những dẫn dắt của thứ thủ lĩnh tinh thần là ông.

Tôi nghe vậy cũng chỉ biết vậy nhưng lờ mờ nhớ lại ông là dân toán lý. Suốt tám năm (1968- 1976), Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo là Phó Giáo sư, Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Quân sự. Nhớ một lần ông bộc bạch tớ dân toán quen tư duy logic.

Tư duy logic có những thế mạnh. Nhưng nếu chỉ có vậy thì ông biết thứ lý luận của mình chỉ là mớ ngôn từ khô xác khi không có sự liên hệ xâu chuỗi có lý lẫn thông minh đời sống trần tục này. Một thủ lĩnh thanh niên rất cần sự cuốn hút đồng cảm. Có vẻ như ông luôn làm mới mình. Mà cái mới đó là vẻ lấp lánh của trí tuệ? Xin trích  một đoạn trong trả lời phỏng vấn VietNam Net gần đây của ông.

Tốc độ tiến lên của Việt Nam phụ thuộc vào sự trưởng thành của lực lượng trẻ và tôi khẳng định người trẻ hiện nay dễ thích ứng với tốc độ nhanh hơn, cao hơn mà thế hệ đàn anh chưa làm được. Tổ chức Đoàn phải thấy được vấn đề để thiết kế chương trình hoạt động, như là phần linh hồn của phong trào dẫn dắt thanh niên đi lên.

Tổ chức Đoàn phải vượt qua những trở ngại thuộc về triết lý trong cuộc sống của giới trẻ. Đó là sự giả dối. Học hành giả dối, đối phó nên bằng cấp là giả dối. Sự lệch lạc này là do nền giáo dục chạy theo thành tích, mua điểm, bằng giả gây ra. Mà hệ quả của sự giả dối là tính phô trương, hư danh.

Có nhiều bạn trẻ chưa làm được gì nhiều đã vội vàng ca ngợi mình và lăng - xê bản thân một cách giả dối. Để khắc phục điều này, phải lấy thước đo là thực lực đưa ra mọi quyết định trong việc sử dụng nhân lực, giao việc làm. Thứ ba là tính ích kỷ, vụ lợi, sống trước mắt, không có cách sống bền vững, lâu dài.

Thời đại đã tạo ra thời cơ thuận lợi nhất cho giới trẻ thuận lợi chưa từng có lịch sử - nên cần phải khắc phục những thói xấu trên để nắm lấy cơ hội, phát triển đất nước.

Nhân loại đang dịch chuyển sang nền văn minh trí tuệ và bản chất của văn minh trí tuệ chính là nền văn minh sáng tạo ra những ý tưởng mới được tập hợp thành những khái niệm, phạm trù, lý thuyết để hiểu thế giới khách quan ở cấp độ cao hơn.

Trên nền tảng ấy đã tạo ra công nghệ cao hơn, góp phần hình thành nền kinh tế tri thức.

Vai trò chính của thời đại là sự xuất hiện các học giả trẻ tiến tới trình độ của thời đại và có tính chủ động cao. Chưa bao giờ đòi hỏi của dân tộc đối với lớp học giả trẻ lại cấp bách như hiện nay, để họ vượt lên, làm nòng cốt dẫn dắt đất nước đi lên. Sự hình thành của lớp học giả trẻ trí tuệ là cơ sở hình thành các chính sách chiến lược.

vv...

Có chút thời gian, mỗi ngày tớ đọc khoảng 200 trang, nếu không thì viết...”. “Hồi ký?”. Tôi bật lên một câu hỏi lộp chộp  trước sức đọc và viết ở tuổi 80.

Ông nhăn mặt “Tớ không theo phong trào viết hồi ký mà những ghi chép của tớ chỉ để đọc trong một phạm vi hẹp có tính nghiên cứu. Mình viết rất nhiều nhưng không phải để in”. Thời gian giải lao chẳng có nhiều, tôi vội trở lại với những lo toan thường nhật của nghề báo. 

Chia tay ông, chợt nhớ trong buổi trao phần thưởng cao quý Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007) cho ông Đặng Quốc Bảo, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, người từng kề vai sát cánh với ông nhiều năm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, có những lời khá tâm huyết.

Nhiều người có mặt bữa đó tạm chia ra làm hai phần, phần khánh tiết và cật ruột. Chủ tịch nói đại ý rằng tinh thần kiên định, tính chiến đấu cao của đồng chí Đặng Quốc Bảo  luôn động viên, cổ vũ, khích lệ chúng ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước vững bước đi lên. Dường như đó là phần khánh tiết của buổi lễ.

Còn cật ruột? Không dễ có những lời như thế này: “Đồng chí Đặng Quốc Bảo là con người trung thực. Vì lợi ích cách mạng, đồng chí dám phê phán. Những bài phát biểu của đồng chí Đặng Quốc Bảo đều góp phần phát triển lý luận cách mạng. Đặc biệt đồng chí có công đào tạo ra một thế hệ mang ba đặc tính. Đó là tâm huyết, độc lập sáng tạo và mang trong mình khả năng mầm mống của sự phát triển”...

... Những bận Hội trường Ba Đình hay bây giờ ở chỗ nhà họp tạm của QH ngó qua khoang dành riêng cho các khách mời, tôi vẫn thấy chĩnh chiện và đường bệ những mái đầu bạc của các bậc huân lão.

Có một lúc, một chút thôi, không hiểu sao, tôi chợt bâng khuâng, giật thột cho cái cảm giác, nhỡ mà mai kia sẽ như thế nào nếu mà vòng quay nghiệt ngã của tạo hóa sẽ chẳng lúc nào quên chức phận lạnh lùng sinh, lão, bệnh, tử của nó? Thôi nào, xin được nguyền rủa và phỉ phui cái ý nghĩ u ám ấy cho dù nó bất chợt ló ra.

Mùa Quốc hội năm Sửu

MỚI - NÓNG