Ly kỳ chuyện hai đứa trẻ mất tích vì... trăn “thần” (!?)

Ly kỳ chuyện hai đứa trẻ mất tích vì... trăn “thần” (!?)
Gần bốn tháng trôi qua, chuyện hai đứa trẻ - con của vợ chồng chị Y Công (SN 1985) và anh A Phan (SN 1983, trú làng Đắk Lấp, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà) mất tích vẫn trở thành nỗi ám ảnh với gia đình, dòng họ và bà con dân làng. Câu chuyện được nhiều người kể lại nhuốm màu kỳ bí.

Ly kỳ chuyện hai đứa trẻ mất tích vì... trăn “thần” (!?)

Gần bốn tháng trôi qua, chuyện hai đứa trẻ - con của vợ chồng chị Y Công (SN 1985) và anh A Phan (SN 1983, trú làng Đắk Lấp, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà) mất tích vẫn trở thành nỗi ám ảnh với gia đình, dòng họ và bà con dân làng. Câu chuyện được nhiều người kể lại nhuốm màu kỳ bí.

BÁN TRĂN “THẦN” CHO... QUÁN NHẬU

Vào những ngày đầu năm 2013, khi cái nắng khô hạn đặc trưng của vùng Tây Nguyên bắt đầu tràn đến các bản làng, người dân tộc Xê Đăng thường rủ nhau lên rừng bẻ đót (dùng làm chổi quét nhà, quét sơn) về bán. Chị Y Công khi đó mới sinh đứa con gái út chưa đầy tháng, sức khỏe còn yếu, nhưng vì nhà nghèo, con đông, chị phải cùng chồng địu con lên rừng bẻ đót. Trong khi đứa con gái lớn dắt theo hai em đã rời nhà đi chơi đâu đó, hai đứa trẻ Y Phới (9 tuổi) và A Phú Kàn (3 tuổi) một mực đòi theo cha mẹ đi rừng. Chị Y Công địu con gái nhỏ, tay dắt theo con gái Y Phới, anh A Phan bế cậu con trai “độc đinh”, men theo con đường mòn vào rừng. Khi đó khoảng 2 giờ chiều 3-1-2013.

Vào đến rừng, vợ chồng anh A Phan chia thành hai hướng đi bẻ đót. Chị Y Công địu theo đứa nhỏ, hai đứa còn lại ngồi chơi ở lán. Vợ vừa đi khuất dạng, bất ngờ anh A Phan nghe tiếng la thất thanh của chị, liền vội vã chạy tới. Đến nơi, anh kinh ngạc khi thấy vợ vẫn lành lặn nhưng mặt mày tái mét, run rẩy nói không thành tiếng. Sau một hồi trấn tĩnh, chị Y Công cho biết vừa gặp một con trăn khổng lồ. Nghe vợ mô tả con trăn màu đen, to như gốc cây rừng thở phì phì, anh A Phan cũng thấy kinh hãi. Nhưng nghĩ rằng con trăn to bán được nhiều tiền, vợ chồng A Phan vẫn quyết định gọi thêm người bẻ đót gần đó tìm bắt. Trong số ba người nữa tham gia bắt trăn, có ông A Yeng, chú họ của chị Y Công. Với quyết tâm bắt bằng được con trăn, họ hè nhau lùng sục và bắt được nó dễ dàng.

Cháu Y Phới và A Phú Kàn tóc trắng khác lạ
Cháu Y Phới và A Phú Kàn tóc trắng khác lạ.

Con trăn sau đó được khiêng ra trung tâm chợ huyện, cân nặng 15 kg, bán cho một quán nhậu với giá 1,5 triệu đồng. Vợ chồng Y Công được chia 400 ngàn đồng. Mải mê với chiến lợi phẩm, vợ chồng Y Công quên luôn việc bẻ đót. Khoảng hơn một tiếng sau đó, họ quay lại lán đón hai con nhưng không thấy chúng đâu. Nghĩ rằng các con ham chơi nên bị lạc, vợ chồng chị Y Công tất tả đi tìm và hô hoán những người cũng đi bẻ đót chia nhau tìm kiếm, nhưng hai đứa trẻ vẫn bặt tăm.

Nghe tin hai đứa nhỏ bị lạc trong rừng, già làng huy động cả làng mang đèn, đuốc đổ xô vào rừng tìm kiếm. Họ gọi tên hai đứa trẻ, lật soi từng gốc cây, con suối, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Sáng 4-1, UBND xã huy động hàng trăm dân quân, thanh niên từ nhiều thôn, làng trong xã và các xã lân cận lên rừng tìm kiếm hai cháu bé, nhưng vẫn không thấy. Việc tìm kiếm kéo dài suốt cả nhiều ngày sau, hy vọng tìm thấy hai đứa trẻ dần tắt lịm.

THÊU DỆT CHUYỆN KỲ BÍ

Ngày 20-4-2013, chúng tôi trở lại làng Đắk Lấp tìm gặp gia đình chị Y Công (cách trung tâm TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum 160km) để hỏi thăm, nhưng cửa nhà khóa im ỉm. Người làng cho biết, hơn một tuần nay vợ chồng chị Y Công đã mang theo bốn đứa con còn lại sang làng khác làm thuê. Đến nay, dân làng vẫn không nghe tin tức gì về hai đứa trẻ. Nhà ông A Yang - chú họ chị Y Công, người cùng tham gia bắt trăn đem bán cũng đóng cửa đi đâu không ai rõ.

Chuyện hai đứa trẻ nhà Y Công bị mất tích cùng việc vợ chồng họ chính là người phát hiện, kêu gọi và tham gia bắt trăn khiến nhiều dân làng Đắk Lấp thêu dệt theo hướng thần thánh hóa. Do cả hai cháu bé Y Phới và A Phú Kàn đều có mái tóc màu trắng, nhiều người nói chúng là con của Yàng nên đã về với Yàng. Người khác lại nói do bị con trăn “thần” trả thù. Chị Y Liên - một người dân trong làng kể: “Con trăn đó là con của rừng, là thần linh. Họ tham gia bắt con của rừng bán lấy tiền uống rượu nên bị thần rừng phạt đó mà”.

Chúng tôi điện thoại cho anh A Phan theo số di động, được anh thổ lộ: “Nhiều người nói Yàng bắt hai đứa nhỏ để phạt vì vợ chồng mình đã bắt con trăn “thần”, nhưng vợ chồng mình không tin. Con trăn đó chỉ là trăn trong rừng thôi mà. Người bắt trăn bán cũng là chuyện bình thường”. Anh A Phan cho rằng, khả năng hai đứa con bị lạc hay bị ai đó bắt cóc. Chị Y Công buồn rầu: “Vợ chồng mình thương nhớ chúng lắm! Mong có ngày hai đứa trở về, nếu không mình chết cũng không an lòng vì để lạc mất con trong rừng”.

Già làng A Dơk vẫn giữ suy nghĩ như nhiều người dân khác trong làng: “Nhà A Phan, Y Công mất hai đứa con là do nó có tội với Yàng. Tháng trước nó làm lễ cúng Yàng mà chỉ cúng một con bò nhỏ thôi. Nó cúng tội với Yàng mà còn nhỏ cái bụng trong khi nhà nó đâu có nghèo. Nhà nó là nhà xây to gần nhất làng Đắk Lấp này còn gì. Nhà to, con đông mà vợ chồng A Phan còn tham đi bắt con trăn đem bán lấy tiền uống rượu. Yàng phạt vợ chồng nó mất con là đúng, không sai đâu mà”.

Chuyện hai đứa trẻ 9 và 3 tuổi bị lạc trong rừng khi không có người lớn dẫn đường là điều tất yếu xảy ra. Từ đó có thể đoán biết sự việc thật khó lường. Hy vọng hai cháu nhỏ sẽ gặp điều may mắn kỳ diệu, được ai đó cưu mang. Chỉ đến lúc đó sự thật về câu chuyện hai đứa trẻ mất tích mới được sáng tỏ.

Thượng tá Đoàn Ngọc Thắng, Trưởng Công an huyện Đắk Hà cho biết: “Vụ việc đang được cơ quan CA tích cực điều tra, nhưng chưa có kết quả”.

Theo Báo CATPHCM

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.