Lý Hùng - Ngôi sao không danh hiệu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Diễn viên Lý Hùng, người đang nắm giữ nhiều kỷ lục của điện ảnh Việt Nam nhưng anh vẫn có những nỗi buồn khó chia sẻ. Lý Hùng đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Tiền Phong về ước mơ và dự định sắp tới của mình.

Đi đóng phim theo lời khuyên của mẹ

Anh Lý Hùng đến với điện ảnh như thế nào?

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống điện ảnh và võ thuật. Bố tôi hơn 20 tuổi đã là võ sư. Thời trước trở thành võ sư phải qua đấu đài rất khó khăn. Lúc lớp một, tôi đã sống, học, lớn lên trong võ đường. Mười mấy tuổi tôi đã làm huấn luyện viên, dạy lại cho các bạn trẻ như mình. Tôi rất đam mê nghệ thuật. Tôi mê đấu đài hơn đóng phim, vì thích xem hình ảnh của bố đấu đài. Tôi đi đóng phim là cái duyên, còn võ thuật là đam mê.

Mẹ tôi nói: “Võ thuật là một nghề nguy hiểm. Ba đánh trúng người ta vài cái, người ta đánh trúng ba con một vài cái, con không nên đi theo con đường đấu đài mà nên theo nghệ thuật”. Tôi nghe lời của mẹ nên đi đóng phim.

Lý Hùng - Ngôi sao không danh hiệu ảnh 1

Gia đình cố NSND Lý Huỳnh nhận Huân chương lao động hạng ba và bằng khen. Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ

Anh thành công với điện ảnh từ rất sớm, câu chuyện là như thế nào?

Các đoàn làm phim thấy tôi có duyên, nên cho đóng phim rất sớm. Phim đầu tiên tôi tham gia là “Đàn chim và cơn bão”, tôi đóng vai chính dù khi ấy mới 12 tuổi. Tôi đóng vai một cậu bé bụi đời ở chợ Bến Thành, một cậu bé nghèo khó, nhưng có lòng tốt, hướng thiện.

Người ta nói rằng tất cả những người đẹp của điện ảnh Việt Nam đều là vợ hoặc người yêu của Lý Hùng trên màn ảnh. Ngoài ra tôi cũng đóng phim với các nữ diễn viên nước ngoài, đặc biệt có mỹ nữ Hồng Kong Lý Tư. Song giữa chúng tôi không có một tình yêu như dư luận thường gán ghép.

Tiếp đó, tôi đóng phim “Nơi bình minh chim hót” của đạo diễn Việt Linh, khi tôi mới 17 tuổi thôi. Bộ phim được chiếu khắp cả nước.

Sau đó, tôi đóng một loạt phim nhựa, cũng đều đóng vai chính cả.

Bộ phim nào tạo bước ngoặt trên con đường nghệ thuật của anh?

Tôi nghĩ có lẽ bộ phim giúp tôi nổi tiếng khắp cả nước là bộ phim quay khi tôi 19 tuổi, đó là phim “Phạm Công Cúc Hoa”.

Sau bộ phim ấy, tôi đi đâu người ta cũng nhận ra tôi, khen ngợi tôi. Thực sự tôi rất trẻ, rất ngại sự nổi tiếng, nhưng bộ phim Phạm Công Cúc Hoa làm nhiều người biết tới tôi và tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn về công việc của một người nghệ sĩ điện ảnh chuyên nghiệp.

Khi đó anh quyết định từ bỏ võ thuật chuyên nghiệp và gắn bó với màn ảnh?

Sau giải phóng, một số đài đấu võ được tổ chức và tôi cũng đi xem, rất thích. Nhưng rồi việc đấu đài bị cấm, tôi chuyên tâm vào điện ảnh. Học hết lớp 12, tôi vào học Lớp Khóa 1 của Đại học Điện Ảnh Việt Nam. Tôi rất may mắn học cùng hơn hai mươi người là nghệ sĩ nổi tiếng như Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Thiệu Ánh Dương, Thanh Huyền, Minh Huyền, Vân Dung…

Trong trường tôi cũng tham gia ca hát và học thêm về thanh nhạc với một số nghệ sĩ nổi tiếng.

Việc được đào tạo chính quy giúp tôi và các bạn bè của tôi thực hiện tốt nhiều bộ phim lớn thời kỳ những năm 1990. Tôi nghĩ khóa chúng tôi khá thành công trong nghề nghiệp của mình.

Lý Hùng - Ngôi sao không danh hiệu ảnh 2

Lý Hùng và ngọc nữ Hồng Kông Lý Tư. Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ

Biểu tượng của điện ảnh

Có một thời, cứ đến rạp là nhìn thấy hình ảnh Lý Hùng trên các bảng pano quảng cáo, làm sao anh có thể làm việc với cường độ cao như vậy?

Tôi đã được sách Kỷ lục gia Việt Nam ghi nhận là “Nam diễn viên đóng nhiều vai chính nhất Việt Nam”, họ tính ra tôi đã đóng hơn 70 vai chính trong các phim. Một số người khác còn ước tính tôi đóng vai chính gần 100 bộ phim.

Các phim Lý Hùng đã đóng: Đàn chim và cơn bão (1980), Nơi bình yên chim hót (1986) Phạm Công – Cúc Hoa (1989), Lửa cháy thành Đại La (1989), Người không mang họ (1990), Nước mắt học trò (1993), Bông hồng đẫm lệ (1994), Hồng hải tặc (1996), Truy nã tội phạm quốc tế (1999), Biển hát ( 2004), Mưa thủy tinh (2008), Tây Sơn hào kiệt (2010), Về đất Thăng Long (2011), Đường Hồ Chí Minh trên biển (2011), Cù lao lúa (2012), Không thể gục ngã (2015), Giữa hai bờ thiện ác ( 2019)…

Tôi cũng giữ kỷ lục là nam diễn viên điện ảnh có cát sê cao nhất Việt Nam. Thời hoàng kim, tôi đóng một bộ phim mua một chiếc ô tô, cát sê tương đương khoảng hai tỷ đồng ngày nay.

Bí quyết của tôi không có gì đặc biệt ngoài làm việc chăm chỉ, hết mình vì điện ảnh. Những bộ phim tôi tham gia đều được quay từ vài tháng trở lên, có những bộ phim quay nửa năm. Có lẽ do mình là con nhà võ, giữ chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, nên tôi có thể lực tốt, sức khỏe tốt để tham gia nhiều bộ phim đến như vậy.

Sự khác biệt của điện ảnh những năm 1990 so với hiện nay là gì?

Thời của chúng tôi, đóng phim là một công việc gian khổ. Vì khi ấy kỹ thuật in tráng phim còn lạc hậu lắm. Cả đoàn đóng phim, quay xong hết rồi, nhưng còn thấp thỏm chờ khâu in tráng. Khi nào nghe nói: “Phim in tráng tốt rồi!”, thì khi ấy cả đoàn mới thở phào, bằng không, phải diễn và quay lại từ đầu!

Phim “Phạm Công Cúc Hoa”, chúng tôi quay gần 5 tháng trời ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Đến khi “phim in tráng tốt rồi” thì chúng tôi mừng vô cùng.

Vì sao anh có thể đảm nhiệm nhiều vai chính ở nhiều dòng phim khác nhau đến như vậy?

Thường thì các diễn viên chỉ nổi bật ở một dòng phim nào đó, như phim tâm lý, hoặc phim hành động chẳng hạn, còn tôi thì được mời tham gia hầu hết các dòng phim khác nhau. Trong lòng mỗi khán giả của từng dòng phim, họ lại nhớ về một Lý Hùng khác nhau. Khi tôi gặp khán giả, có người thích tôi trong những phim hành động, có người thích tôi khi tôi đóng phim cổ trang, lịch sử, có người thích tôi đóng phim tâm lý tuổi học trò… Thậm chí, khi khán giả nói họ thích tôi trong phim nào, tôi có thể biết sở thích họ xem thể loại phim gì.

Tôi nghĩ tôi đóng đa dạng các thể loại phim khác nhau đó là một sự may mắn, cũng có thể là tôi có cái duyên trong điện ảnh và tôi cũng được các đạo diễn tin tưởng khi giao nhiều vai chính có tính cách khác hẳn nhau.

Không cần đóng thế

Anh nổi tiếng là một trong số không nhiều diễn viên phim hành động không cần các diễn viên đóng thế, đây có phải là một ưu điểm của người đam mê võ thuật?

Đúng vậy. Nếu đóng phim hành động mà không giỏi võ thì dễ bị đơ lắm. Tôi tự mình đóng các cảnh võ thuật khó, nguy hiểm. Khán giả yêu thích tôi, một phần là do tôi trực tiếp đóng các cảnh nguy hiểm nhất trong phim.

Khi quay phim “Người không mang họ”, tôi đóng vai tướng cướp Trương Sỏi cầm chai bia chặt thị uy trước đàn em, cảnh quay thật, tôi bị đứt tay, khâu chín mũi. Quay cảnh đánh nhau trên nhà lá, tôi cũng phải khâu mông nhiều mũi. Dù bị thương, đổ máu, tôi vẫn quyết tâm quay xong phim rồi mới đi bệnh viện.

Anh có thể kể những kỷ niệm đóng phim với Quan Kế Huy, diễn viên mới được giải Oscar năm 2023?

Tôi may mắn tham gia đóng 6 phim với các hãng phim và diễn viên nổi tiếng thế giới. Có lẽ tôi là diễn viên đầu tiên của Việt Nam ra nước ngoài đóng phim mà đóng vai chính.

Khi tham gia phim “Hồng hải tặc”, tôi đóng chung với Quan Kế Huy. Phim này do đạo diễn Trần Chí Hòa thường làm phim cho Thành Long làm đạo diễn. Tôi đóng vai cảnh sát Việt Nam, Quan Kế Huy đóng vai cảnh sát quốc tế đi bắt hải tặc trên đảo.

Quan Kế Huy và tôi quay trên núi Ngũ Long, quay cả tuần chỉ đánh nhau không. Lý Hùng và Quan Kế Huy đánh bọn hải tặc cả ngày và đêm. Quan Kế Huy chịu cực giỏi lắm, cũng giống tôi, đóng phim khi nào đạt mới chịu thôi.

Kế hoạch hóa gia đình

Anh thường đóng vai chính bên cạnh rất nhiều mỹ nữ trong và ngoài nước, bởi vậy cũng dính nhiều tin đồn?

Tôi ít khi bộc lộ tình cảm cá nhân trên báo chí. Với tôi, các nữ diễn viên đều là đồng nghiệp và là những người em của tôi. Sở dĩ tôi đóng với nhiều diễn viên xinh đẹp là do tôi tham gia nhiều dòng phim khác nhau.

Diễm Hương và Thu Hà thì đóng các vai thùy mị đoan trang trong phim tình cảm. Việt Trinh, Y Phụng đóng phim hành động. Các phim đài các lá ngọc cành vàng thì có Giáng My, Trương Ngọc Ánh.

Người ta nói rằng tất cả những người đẹp của điện ảnh Việt Nam đều là vợ hoặc người yêu của Lý Hùng trên màn ảnh. Ngoài ra tôi cũng đóng phim với các nữ diễn viên nước ngoài, đặc biệt có mỹ nữ Hồng Kong Lý Tư. Song giữa chúng tôi không có một tình yêu như dư luận thường gán ghép.

Anh cũng được xem là một “ông hoàng” ảnh lịch vợ chồng?

Tôi đi biểu diễn, khán giả hỏi: “Sao không dắt vợ theo?”. Tôi hỏi vợ nào? Người ta cứ bảo “Diễm My cưới Lý Hùng, thấy chụp ảnh với đứa con, in trên lịch”. Những năm 1990 bên ngành kế hoạch hóa gia đình có chủ trương tuyên truyền mỗi gia đình nên chỉ có 2 con. Họ muốn đưa các thần tượng lên, để người dân dễ bắt chước, không nên đẻ con đông.

Tôi và Diễm Hương có tình cảm anh em, diễn quá hợp, từ ánh mắt, nụ cười. Hai anh em cầm tay nhau, nhìn nhau mà diễn, không cần đạo diễn yêu cầu. Mọi người cứ nghĩ chúng tôi là một cặp uyên ương.

Đặt niềm tin vào khán giả

Anh lý giải thế nào về việc phim thị trường những năm 1990 thoái trào?

Thời của tôi, tại TPHCM người ta chia điện ảnh ra hai dòng chính đó là làm phim chính trị và làm phim thị trường. Các phim thị trường rất thành công, chiếu khắp đất nước, người xem và doanh thu thành công vang dội. Phim trong nước lấn át các phim ngoại, giành lại thị phần trên thị trường.

Song, khi phim thị trường đang phát triển tốt thì nhiều hãng phim tư nhân lại cho ra đời loại “phim mỳ ăn liền”. Họ làm đơn giản, sơ sài, thậm chí thu tiếng trước, rồi quay phim như diễn kịch vậy. Nội dung chủ yếu là ăn theo các phim chúng tôi đang chiếu rạp. Khán giả và báo chí phê phán “phim mỳ ăn liền” và điều này cũng ảnh hưởng gián tiếp tới dòng phim thị trường của TPHCM. Khi khán giả quay lưng với điện ảnh thì các dòng phim đều bị ảnh hưởng hết.

Theo anh, điều gì giúp điện ảnh có chỗ đứng vững vàng trong người xem?

Tôi luôn cho rằng khán giả là những người thông minh, họ biết đâu là phim tốt, phim hay, đâu là phim kém chất lượng. Điện ảnh đi xuống khi mà chất lượng phim giảm xuống, người dân quay lưng, báo chí phê phán.

Tôi cũng mừng là thời gian gần đây nhiều bộ phim Việt Nam có chất lượng tốt, được khán giả công nhận. Tôi có đi xem một số bộ phim của các đạo diễn tay nghề tốt và yêu nghề, tôi thấy phim làm công phu, chất lượng, đáng xem.

Dự định của anh là gì?

Gia đình chúng tôi có Hãng phim Lý Huỳnh, mang tên cha tôi. Sau khi cha tôi mất 2 năm nay, chúng tôi chưa thực hiện dự án điện ảnh mới nào. Về phim hành động, tôi vẫn nung nấu, nhưng còn đợi thời điểm phù hợp. Làm phim hành động thường tốn kém hơn phim tâm lý xã hội, một cảnh phim hành động quay mấy ngày, lại cần ngoại cảnh công phu, nhiều cảnh đập phá, cháy nổ tốn kém mới làm khán giả mãn nhãn.

Tôi cũng nhận được nhiều lời mời đóng phim, nhưng tôi vẫn chờ những phim phù hợp với bản thân mình, chứ không phải là xuất hiện trên phim cho có hình ảnh Lý Hùng. Bố tôi nói rằng: Tạo dựng tiếng tăm đã khó, giữ được tiếng tăm của mình còn khó hơn cả trăm lần.

Mong được ghi nhận

Nhiều người nói rằng Lý Hùng là một diễn viên với nhiều đóng góp với điện ảnh, nhưng anh chưa có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân, vậy anh nghĩ gì về điều này?

Cả cuộc đời tôi làm việc vì được đào tạo chính quy, vì sự phát triển của điện ảnh. Tôi chưa bao giờ nhận lời làm phim “mỳ ăn liền” dù họ đề nghị cát sê rất cao. Những phim tôi đóng đều công phu, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng, kịch bản tốt, có hiệu ứng xã hội tốt.

Điều đáng tiếc là thời kỳ chúng tôi đóng nhiều phim thì đất nước lại chưa có nhiều các cuộc thi, các giải thưởng tôn vinh điện ảnh như hiện nay. Tôi nghĩ nếu những năm 1990 mà có các giải thưởng dành cho điện ảnh thị trường thì chúng tôi cũng sẽ được ghi nhận xứng đáng.

Tôi nghĩ, khi có những điều chỉnh hợp lý về các tiêu chí xét tặng các danh hiệu, không chỉ dựa vào số lượng huy chương vàng bạc, thì cá nhân tôi và nhiều nghệ sĩ thế hệ của tôi sẽ được đánh giá hợp lý và công bằng hơn với những đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam.

Anh có thể chia sẻ về Huân chương Lao động mà gia đình anh mới được tặng?

Gia đình cố NSND Lý Huỳnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về công tác xã hội, từ thiện từ năm 2017 - 2021. Ba tôi, mẹ tôi và cả gia đình tôi từ lâu đã âm thầm làm công tác từ thiện, không ồn ào, làm từ thiện trong khả năng của mình. Chúng tôi rất hạnh phúc khi được Nhà nước ghi nhận và sẽ cố gắng làm nhiều hoạt động thiện nguyện hơn trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG