Lý giải ngọn ngành tục kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Sở dĩ người Việt kiêng quét nhà đầu năm là vì: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Hơn nữa, theo lý giải của người xưa, nếu quét nhà chính là đuổi Thần Tài ra khỏi nhà. 

Ông Thần Tài là người mang đến may mắn về tiền bạc, tài chính cho gia đình, nếu ngày đầu năm đã đuổi ông đi thì cả năm gia đình sẽ mất lộc và túng thiếu..

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp giáp tết cổ truyền, người Việt Nam ta thường quan tâm đến rất nhiều điều kiêng kỵ vào những ngày đầu năm mới với mong muốn và hy vọng cả năm mọi điều may mắn và an lành nhất sẽ đến với gia đình mình. Tục kiêng quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới là một trong những tục lệ kiêng kỵ được mọi người quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết nguồn gốc, ý nghĩa của tục lệ này và cũng có nhiều người thắc mắc: nếu không quét nhà vào ngày 3 ngày tết thì rác xả ra trong 3 ngày này phải làm thế nào?

Trước khi tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của tục lệ này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tục quét dọn nhà trước Tết.

Tục quét dọn nhà trước Tết có trước tục kiêng quét nhà đầu năm

Từ thời cổ đại Tết chỉ được coi là mở đầu một chu kỳ và gọi là "Tái". Theo các tài liệu cổ thì "Tái" cũng chỉ là một lễ như nhiều lễ khác. Điểm khác biệt là các lễ vật của "Tái" phải được chuẩn bị trước và các lễ vật đều là những sản phẩm săn bắt được. Các tục lệ của "Tái" chỉ đơn giản là phải quét dọn sạch sẽ nơi để tế. Vì vậy có thể nói tục quét dọn sạch sẽ trước khi tế lễ là tục có nguồn gốc cổ nhất.

Trong các "chữ giáp cốt" còn tìm thấy chữ "trửu" nghĩa là "chổi", điều này chứng tỏ trong các lễ cổ đã có chổi để quét dọn. Các tục khác đều xuất hiện ở các đời sau.

Trước đây, sau ngày Vọng của tháng Lạp (ngày 15 tháng Chạp) 15 ngày liên tục, ngày nào cũng được coi là đẹp, nên đều có thể quét dọn. Sau này khi các tục lệ khác đã phát triển thì ngày quét dọn, đặc biệt là dọn bàn thờ thường được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo lên chầu trời. Điều đáng lưu ý là chỉ được quét dọn đến ngày 30 Tết còn 3 ngày đầu năm thì không ai quét nhà, đổ rác cả.

Nguồn gốc của việc kiêng quét nhà đầu năm

Tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong "Sưu thần ký". Có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu.

Một hôm, vào ngày mồng một Tết, vì làm vỡ chiếc bình quý, Âu Minh đánh Như Nguyệt, Như Nguyệt sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó nhà Âu Minh làm ăn sa sút. Dân làng bảo Như Nguyệt chính là vị Thần tài mang lại sự giàu có mà nhà Âu không biết quý trọng, do đó đã lập bàn thờ để thờ. Từ đó có tục kiêng quét rác, đổ rác trong ba ngày đầu năm và đó trở thành một phong tục dân gian vào dịp Tết Nguyên đán.

Còn ở Việt Nam lại có chuyện “Sự tích cái chổi” để giải thích tập tục, phong tục kiêng quét nhà này. Ngày xưa ở trên trời có một người đàn bà nấu ăn rất khéo tay nên Ngọc Hoàng giao cho bà chuyên trông nom công việc nấu ăn ở thiên trù. Nhưng bà lại có tật hay ăn vụng và tham lam. Bà yêu một lão chăn ngựa cho thiên đình. Đã nhiều phen bà lấy cắp rượu thịt trong thiên trù giấu đưa ra cho lão và cũng nhiều phen bà dắt lão lẻn vào kho rượu, mặc sức cho lão bí tỉ. Lệ nhà trời những người hầu hạ đều có thức ăn riêng, nhất thiết không được đụng chạm đến ngự thiện, dù là Ngọc Hoàng ăn thừa cũng vậy.

Một hôm, Ngọc Hoàng mở tiệc đãi quần thần. Giữa lúc cỗ đang bày lên mâm thì từ đàng xa, bà đã nghe tiếng lão chăn ngựa hát. Bà biết lão tìm mình. Bà lật đật ra đón và đưa giấu lão vào phía góc chạn. Trong bóng tối, trên giá mâm đặt ở gần đó có biết bao là mỹ vị mùi hương thơm phức. Đang đói sẵn, lão giở lồng bàn sờ soạng bốc lấy bốc để... Khi những người lính hầu vô tình bưng mâm ngự thiện ra thì bát nào bát ấy đều như đã có người nếm trước. Ngọc Hoàng thượng đế vừa trông thấy không ngăn được cơn thịnh nộ.

Tiếng quát tháo của Ngọc Hoàng dữ dội làm cho mọi người sợ hãi. Người đàn bà nấu bếp cúi đầu nhận tội, bị đày xuống trần, bắt phải làm chổi để làm việc luôn tay không nghỉ và tìm thức ăn trong đống rác rưởi dơ bẩn của trần gian.

Lâu về sau, thấy phạm nhân bày tỏ là phải làm khổ sai ngày này qua tháng khác không lúc nào được nghỉ, Ngọc Hoàng thương tình ra lệnh cho nghỉ ba ngày trong một năm. Ba ngày đó là ba ngày Tết Nguyên đán. Bởi vậy sau này trong dịp Tết Nguyên đán, người ta có tục lệ kiêng không quét nhà để cho chổi được nghỉ.

Ý nghĩa của tục kiêng quét nhà

Vì có tục kiêng quét nhà đổ rác trong 3 ngày Tết, sợ rằng sẽ quét hết tiền bạc, vận đỏ ra khỏi nhà, nên ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi. Ở Nam Bộ, sau khi quét dọn người ta thường cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.

Xử lý rác trong 3 ngày tết thế nào?

Trong những ngày này, hẳn khối lượng rác xả trong mỗi gia đình sẽ rất nhiều. Không những thế, công nhân môi trường cũng được nghỉ Tết, không làm việc. Vì vậy, các gia đình nếu quét nhà thì chỉ nên thu dọn rác gọn một góc trong nhà, chứ không mang bỏ vào thùng rác.

Theo một chuyên gia về nghiên cứu văn hóa Việt Nam, việc kiêng kỵ quét nhà, đổ rác này còn tùy thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng riêng của từng người, từng gia đình. Song, nếu hiểu biết các tập tục ngày Tết sẽ giúp người ta biết cách cư xử sao cho tế nhị, tránh gây hiểu lầm, khó xử trong các mối quan hệ.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG