Không đưa ra bất cứ nhận xét, đánh giá nào về việc giám đốc xây dựng đường nước Sông Đà bị bắt, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho hay "việc đánh giá và tìm nguyên nhân sẽ do cơ quan công an, chúng tôi không có nhận định gì về việc này".
Tổng giám đốc đơn vị cấp nước cũng khẳng định hoạt động của công ty và việc cấp nước cho người dân sẽ không ảnh hưởng. "Công ty đang hoàn tất các thủ tục để triển khai xây đường ống Sông Đà số 2 và sớm đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng thiếu nước như vừa qua", ông Tốn nói.
Theo ông Tốn, công tác thiết kế kỹ thuật, khảo sát xây dựng đường ống số 2 cơ bản đã xong. Sắp tới chúng tôi sẽ trình Bộ Xây dựng để thẩm tra. Nếu Bộ phê duyệt sớm thì dự án sẽ được triển khai ngay trong tháng 8".
Sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà gây bức xúc trong người dân từ năm 2013 khi đường ống vỡ liên tiếp lần thứ 3, thứ 4. Sang năm 2014, đường ống vỡ đến lần thứ 9 khiến hội đồng cổ đông của Công ty Vinaconex, Hội Đồng nhân dân Hà Nội phải đưa vấn đề ra nghị trường.
Thời điểm đó, lý giải về nguyên nhân sự cố, ông Nguyễn Thế Trung (nguyên giám đốc xây dựng đường ống nước Sông Đà) - người vừa bị cơ quan điều tra khởi tố, nói "đây là sự cố đáng tiếc, bất khả kháng". Ông khẳng định đơn vị mình đã thực hiện đúng quy định với tất cả hạng mục từ lập dự án, thi công, thiết kế, song "không hiểu sao sự cố lại diễn ra liên tiếp như vậy".
"Khi xây dựng đơn vị xác định được đoạn có nền đất yếu nhưng do công trường Đại lộ Thăng Long chưa thi công nên đơn vị không thể chờ họ mà đã cho lắp đặt luôn để đỡ tốn kém. Nhìn chung liên quan đến vấn đề kỹ thuật thì không có gì là tuyệt đối cả, sẽ có điểm này, điểm kia", ông Trung phát biểu.
Trái ngược với đánh giá của ông Trung, Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã vào cuộc và đưa ra kết luận nguyên nhân sự cố vỡ đường nước là do chất lượng ống không đồng đều, độ bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt, gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu tấm bêtông dàn tải tại hầm chui dân sinh...
Ngoài ra, tuyến ống còn bị ảnh hưởng bởi việc vận hành, khai thác đại lộ Thăng Long; ống làm bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể bị suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian.
Từ những thông tin mâu thuẫn trên, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án vi phạm trong lĩnh vực xây dựng để làm rõ hành vi vi phạm trong quản lý, giám sát, đầu tư xây dựng đường ống nước sạch.
Sau hơn 10 tháng điều tra, ngày 8/5 cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam với ông Nguyễn Thế Trung (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nước Sông Đà).
Với vai trò là giám đốc xây dựng, đại diện đơn vị giám sát xây dựng ông Nguyễn Thế Trung bị cáo buộc đã không thực hiện đúng về quản lý đầu tư, xây dựng, không kiểm tra những điều kiện và năng lực của nhà thầu.
Trong quá trình xây dựng, ông Trung cũng không giám sát kỹ chất lượng vật liệu đưa vào lắp đặt cho dự án của nhà thầu thi công, dẫn đến sự cố liên tiếp, ảnh hưởng đến hơn 70.000 hộ dân, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Người cùng bị bắt với ông Trung vì liên quan đến dự án này là ông Trần Cao Bằng (nguyên giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thuỷ tinh Vinaconex - đơn vị cung cấp vật liệu thi công).
Chất lượng ống không đồng đều, thiếu chất kết dính và kém chịu lực là những nguyên nhân khiến ống vỡ liên tiếp. Ảnh: Bá Đô.
Ông Bằng, với vai trò lã lãnh đạo công ty sợi, đã cung cấp loại ống bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có chất lượng không đồng đều, độ bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt; ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt và đường ống có độ bền không cao dẫn đến việc thường xuyên bị hư hỏng, vỡ gây hậu quả nghiêm trọng.
Đường ống nước sạch Sông Đà được đưa vào hoạt động từ 2009, do Vinaconex làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, công suất hoạt động 300.000 m3/ngày đêm, cung cấp cho 70.000 hộ dân ở 5, 6 quận huyện ở thủ đô. Tuy nhiên sau gần 4 năm sử dụng, đường ống đã 10 lần bị vỡ. Có những điểm vỡ tới 5 lần.