Lý do Vĩnh Phúc từ đỉnh cao kinh tế trở thành 'đội sổ' tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) của tỉnh bị ảnh hưởng chủ yếu do một số nhà máy giảm công suất, có thể kể đến Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, một số công ty sản xuất linh kiện cho Công ty Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh.

Theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa bàn (GRDP) tại nhiều địa phương có sự đảo chiều rõ rệt. Một số tỉnh thành trọng điểm về công nghiệp tăng trưởng GRDP giảm, giảm lớn nhất là Bắc Ninh (-11,85%), Vĩnh Phúc (-2,47%).

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã có buổi làm việc với Công ty Toyota Việt Nam để trực tiếp tháo gỡ khó khăn liên quan chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và đề xuất giảm lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu phía Toyota Việt Nam có phân tích sâu, cụ thể hơn lộ trình đóng thuế tại thị trường một số nước trên thế giới; đưa ra giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, có văn bản đề xuất để tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo Quốc hội, Chính phủ.

Lý do Vĩnh Phúc từ đỉnh cao kinh tế trở thành 'đội sổ' tăng trưởng ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.

Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến nội dung này, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) của tỉnh bị ảnh hưởng chủ yếu do một số nhà máy giảm công suất, có thể kể đến Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, một số công ty sản xuất linh kiện cho Công ty Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh.

Báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh 3 tháng đầu năm của Công ty Honda Việt Nam cho thấy nhiều khó khăn, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều sụt giảm. Cụ thể, tháng 1/2023, doanh nghiệp bán ra thị trường 1.494 xe ô tô, giảm 35,7% so với tháng 12/2022 và giảm 60,4% cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2, lượng tiêu thụ chỉ đạt 1.385 chiếc, giảm 7,3% so với tháng 1 và giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, theo báo cáo của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, 3 tháng đầu năm, lượng xe sản xuất trong nước của Công ty giảm 2.810 xe, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh số xe sản xuất trong nước giảm 22% và lượng hàng tồn kho tăng 323%, tương đương tăng 1.747 xe.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, 3 tháng đầu năm, ngành sản xuất ô tô của tỉnh giảm 40,18%, sản xuất xe máy giảm trên 13%. Đặc biệt, việc sản xuất, kinh doanh của 2 doanh nghiệp đầu tàu, đóng góp chủ lực cho ngân sách tỉnh là Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam gặp khó khăn đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế và cũng là nguyên nhân chính khiến GRDP và chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm lần lượt là 2,47% và 7,98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh sau cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương đầu tháng 4/2023.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền giải quyết; tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp…

Lãnh đạo tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Khu công nghiệp.

Sở Xây dựng tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục quy hoạch, xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục đất đai...

Lý do Vĩnh Phúc từ đỉnh cao kinh tế trở thành 'đội sổ' tăng trưởng ảnh 2

Một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương kiện toàn Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đồng thời yêu cầu Sở Nội vụ tăng cường thanh tra trách nhiệm công vụ các sở, ban, ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và triển khai thực hiện thông báo kết luận này.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.