Lý do thế giới chưa thể dẹp hải tặc Somali

Lý do thế giới chưa thể dẹp hải tặc Somali
TP- Theo Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), kể từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 83 tàu thuyền quốc tế đi qua đường biển gần Somali bị hải tặc tấn công, trong đó có 33 tàu bị hải tặc bắt giữ.
Lý do thế giới chưa thể dẹp hải tặc Somali ảnh 1
Tàu chở dầu Sirius Star của Arập Xêút bị hải tặc Somali bắt làm con tin  Ảnh: Reuters

Trong số tàu thuyền bị bắt giữ này, 21 tàu đã được hải tặc phóng thích sau khi hãng tàu hoặc chính phủ nước sở hữu con tàu đó nộp tiền chuộc lên đến hàng chục triệu USD. Số còn lại gồm 12 tàu hiện đang bị hải tặc giam giữ cùng với tổng cộng 250 thuyền viên trên các con tàu này bị bắt làm con tin.

Đường biển chiến lược

Somali là quốc gia bé nhỏ với dân số 3,3 triệu người, nằm trên vùng Sừng châu Phi, án ngữ cửa Vịnh Aden trên biển Ấn Độ Dương. Đây là vị trí chiến lược hàng hải vô cùng quan trọng. Có thể nói gần như tất cả tàu thuyền nào muốn từ Ấn Độ Dương đi tắt sang Đại Tây Dương đều phải qua Vịnh Aden để vào Biển Đỏ.

Từ Biển Đỏ các tàu lại phải qua Kênh đào Suez của Aicập mới sang được Địa Trung Hải. Tiếp đó các tàu này phải đi hết Địa Trung Hải mới tới Đại Tây Dương. Nếu không đi qua đường tắt này, các tàu thuyền từ Ấn Độ Dương  muốn sang Đại Tây Dương phải vòng xuống Mũi Hảo Vọng  của Nam Phi để “mua” thêm một quãng đường biển dài 4.000 km nữa.

Trên thực tế, các tàu thuyền từ châu Á, châu Âu muốn sang châu Mỹ đều đi qua Vịnh Aden gần Somali để đi đường tắt qua Kênh đào Suez. Điều này khiến tuyến đường vận tải hàng hải qua Biển Đỏ- Kênh đào Suez- Địa Trung Hải trở thành đường biển tấp nập nhất thế giới.

Theo luật hàng hải quốc tế, các tàu thuyền dân sự như tàu đánh cá, tàu vận tải, tàu chở khách, v.v. không được phép trang bị vũ khí. Những yếu tố nói trên đã khiến các tàu dân sự khi qua lại cửa Vịnh Aden đều có thể trở thành những “con mồi” ngon cho bọn hải tặc Somali.

Hiện diện quân sự dày đặc

Trước nạn hải tặc ngày một liều lĩnh xảy ra liên tục tại các vùng biển gần Somali, Mỹ điều hẳn Hạm đội – 5 đến Ấn Độ Dương để bảo vệ các tàu thuyền của nước này mỗi khi qua Vịnh Aden vào Biển Đỏ.

Hải quân Pháp cũng điều nhiều tàu chiến đến vùng biển gần Sừng châu Phi để hộ tống các tàu hàng của Pháp hoạt động trên đường biển đi tắt qua Kênh đào Suez. Nga, Ấn Độ, Đức, NATO đều có tàu chiến hoạt động tại vùng biển này với mục đích chủ yếu là bảo vệ tàu thuyền của nước mình.

Có thể nói trong khu vực Ấn Độ Dương tại vùng gần Somali sự hiện diện quân sự của các cường quốc là rất hùng mạnh và dày đặc nhất thế giới. Thế mà từ tháng 1/2008 hơn 80 tàu thuyền qua lại vùng biển gần Somali đã bị hải tặc tấn công mà các tàu quân sự nói trên không kịp trở tay.

Những tàu bị hải tặc Somali tấn công bao gồm cả tàu mang quốc tịch và thuyền viên Pháp, Nhật Bản, Nga, Ukraine, Ấn Độ, Trung Quốc, ...Cách đây vài ngày, hải tặc Somali tấn công tàu chở dầu khổng lồ Sirius Star của Arập Xêút bắt giữ làm con tin. Tàu Sirius bị hải tặc Somali tấn công một cách mau lẹ và điệu nghệ đến mức các thuyền viên trên tàu này hoàn toàn bất ngờ.

Thiếu sự phối hợp quốc tế

Mạng Xinhua.net của Trung Quốc vừa qua dẫn lời ông Uday Bhaskar-một chuyên gia hàng hải Ấn Độ cho rằng có 3 nguyên nhân chính khiến hải tặc Somali hoành hành thời gian qua. Một là, do các cường quốc quân sự có tàu hải quân hiện diện trong vùng biển này thiếu một sự hợp tác với nhau.

Hai là, tại Somali hiện nay tình trạng vô luật pháp thịnh hành, chính phủ không quản lý được an ninh trên đất liền. Vừa qua cộng đồng quốc tế có giúp đỡ chính quyền Somali nhưng tình trạng hải tặc vẫn chưa hề bị các lực lượng bảo vệ pháp luật Somali đụng tới. Vì thế mới có chuyện cả con tàu lớn bị bắt giữ mà chính quyền địa phương đành bó tay đứng nhìn.

Ba là, do tình trạng vô chính phủ ở Somali, lực lượng al Qaeda coi đây là mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền cũng như để thực hiện các hoạt động của chúng. Nhiều hãng tin cho biết hiện nay al Qaeda đang nuôi dưỡng lực lượng nổi dậy ở Somali.

Theo nữ phát ngôn viên Jane Cambell của Hạm đội-5 (Hoa Kỳ), hải tặc Somali được trang bị tàu cao tốc, cơ động nhanh, hỏa lực rất mạnh, phương tiện liên lạc tiên tiến.

Bản thân hải tặc Somali là những tên rất ranh mãnh, táo tợn và liều lĩnh. Đây có thể được coi là cách lý giải vì sao đến nay mặc dù rất bức xức nhưng vẫn chưa thể dẹp được nạn hải tặc ở vùng biển gần Somali.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.