Lý do Kaliningrad có thể trở thành điểm nóng tiếp theo giữa Nga và châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Căng thẳng đang gia tăng ở Kaliningrad, một vùng đất nằm tách biệt hẳn Nga và đóng vai trò quan trọng chiến lược trên bờ biển Baltic, khiến nơi đây có thể sớm bị kéo vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Lý do Kaliningrad có thể trở thành điểm nóng tiếp theo giữa Nga và châu Âu ảnh 1

Nga trấn an người dân sau tuyên bố của Lithuania (Ảnh: CNN)

Nga phản ứng giận dữ sau khi Lithuania cấm chuyển các loại hàng hoá bị trừng phạt qua lãnh thổ của họ sang Kaliningrad, nhưng Lithuania nói rằng họ chỉ tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Ngay từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, các chuyên gia đã cho rằng Kaliningrad có thể trở thành điểm nóng giữa Mátxcơva và châu Âu.

Vùng đất này nằm ở phía tây nước Nga, bao quanh là các quốc gia thành viên EU. Lithuania nằm giữa Kaliningrad và Belarus – nước đồng minh của Nga, còn Ba Lan giáp Kaliningrad ở phía nam.

Ngày 20/6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hành động của Lithuania là chưa từng có tiền lệ và Nga coi đó là bất hợp pháp. Các quan chức khác của Nga tuyên bố sẽ đáp trả.

Ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, tuyên bố: “Nga chắc chắn sẽ đáp trả những hành động thù địch như vậy. Các biện pháp đang được chuẩn bị giữa các bộ ngành và sẽ được đưa ra trong tương lai gần. Hậu quả sẽ tác động nghiêm trọng lên người dân Lithuania”, RIA đưa tin.

Các sản phẩm bị EU cấm xuất khẩu sang lãnh thổ của Nga bao gồm máy móc xây dựng, công cụ máy móc, các loại hàng hoá công nghiệp khác và hàng xa xỉ, hãng tin Tass dẫn thông tin từ Bộ Phát triển kinh tế Nga cho biết.

Đại biện Lithuania tại Mátxcơva bị Bộ Ngoại giao Nga triệu tập hôm 20/6 để cảnh báo rằng, nếu hoạt động vận chuyển hàng hoá đến vùng Kaliningrad không được khôi phục đầy đủ, Nga bảo lưu quyền hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia

Trong khi đó, EU ủng hộ quyết định của thành viên Lithuania.

Lý do Kaliningrad có thể trở thành điểm nóng tiếp theo giữa Nga và châu Âu ảnh 2

Kaliningrad một mặt giáp biển Baltic, ba mặt giáp các nước EU

Vị trí quan trọng

Quân Liên Xô giành được Kaliningrad từ Đức quốc xã vào tháng 4/1945, sau đó trở thành một phần lãnh thổ của Liên Xô theo Hiệp ước Potsdam.

Trong nhiều thập kỷ, vùng đất này là nơi được quân sự hoá cấp độ cao, đóng cửa với người nước ngoài. Nhưng trong những năm gần đây, Kaliningrad trở thành một điểm du lịch, là nơi tổ chức một số trận đấu của World Cup 2018.

Kaliningrad có dân số khoảng 1 triệu người, chủ yếu sống trong hoặc quanh thủ phủ có cùng tên. Nơi đây là một trong những vùng thịnh vượng nhất của Nga nhờ ngành công nghiệp phát triển tốt. Cảng Baltiysk quanh năm không bị đóng băng.

Giá trị của Kaliningrad chủ yếu ở vị trí trên bản đồ. Một dải đất hẹp phía nam chia tách Kaliningrad với Belarus và kết nối với Ba Lan và Lithuania. Với tên gọi Suwalki, dải đất này là tuyến kết nối trên bộ duy nhất giữa các nước Baltic và phần còn lại của EU.

Kaliningrad là nơi đặt trụ sở của Hạm đội Baltic của Nga. Ngày 20/6, RIA đưa tin hạm đội này bắt đầu đợt tập trận với pháo và rốc-két, cho biết “khoảng 1.000 binh lính và hơn 100 đơn vị quân đội và phương tiện pháo, tên lửa đặc biệt tham gia đợt tập trận này”.

Năm 2002, EU và Mátxcơva đạt được một thoả thuận về đi lại giữa Nga và Kaliningrad, trước khi Ba Lan và Lithuania gia nhập EU vào năm 2004. Khi 2 nước này vào EU, Kaliningrad bị bao quanh 3 mặt bởi lãnh thổ của EU.

Vai trò của Kaliningrad càng quan trọng khi Thuỵ Điển và Phần Lan đang cố gắng gia nhập NATO. Tháng 5 vừa qua, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, tuyên bố rằng việc 2 nước này vào NATO nghĩa là “không còn khả năng đối thoại về quy chế phi hạt nhân của vùng Baltic – cân bằng cần được khôi phục”.

Nga lâu nay vẫn khó chịu với sự hiện diện của các nước NATO xung quanh Kaliningrad.

Năm 2015, có báo cáo nói rằng Nga đã chuyển các tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đến khu vực.

Nga không thừa nhận đã đặt vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad. Nhưng vào năm 2018, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ dựa trên ảnh vệ tinh để khẳng định Nga đã hiện đại hoá đáng kể hầm chứa vũ khí hạt nhân ở khu vực.

Theo CNN
MỚI - NÓNG