Luyện thi trúng tủ: "Lò" gặp may hay có “chuyện”?

Luyện thi trúng tủ: "Lò" gặp may hay có “chuyện”?
4/6 câu của Đề thi Đại học môn văn khối C và D gần sát với “tủ” - Đó là điểm bất thường mà Tiền Phong đã phát hiện được khi so sánh giữa nội dung luyện thi của “lò C1 Đại học Sư phạm Hà Nội”, với nội dung đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2005 môn văn khối C, D (đề chính thức).
Luyện thi trúng tủ: "Lò" gặp may hay có “chuyện”? ảnh 1
Lò luyện thi mọc lên như nấm sau mỗi khì thi tốt nghiệp

Lò luyện thi “chất lượng đặc biệt”

“Lò C1 Đại học sư phạm Hà Nội” chỉ là một trong hàng ngàn “lò” luyện thi đại học trên toàn quốc, thế nhưng điều làm nên sự khác biệt của “lò C1” trong nhiều năm qua chính là “chất lượng” luyện thi của các giáo viên có tên tuổi tại đây.

Qua tìm hiểu, được biết “chất lượng” nói trên không nằm ở cách các giáo viên truyền đạt cảm xúc những câu thơ, bài văn, mà điều quan trọng là ở các “bài tủ” mà “lò” này đưa ra cũng như phần “trọng tâm ôn thi” của “lò”.

Theo các thí sinh từng ôn luyện tại “lò C1” mà chúng tôi có dịp tiếp cận thì đã nhiều năm “lò C1” tổ chức ôn luyện với nội dung “trúng tủ” đề thi đại học cho các thí sinh. Phải chăng vì lý do đó, mỗi năm... đến hè các thí sinh lại lũ lượt kéo nhau đến Đại học sư phạm Hà Nội để đăng ký ôn thi cấp tốc ở “lò C1” (Mặc dù cũng tại địa điểm này còn có các lò C2, C3...), khiến cho “lò C1” này trở thành một trong những “lò” có quy mô “hoành tráng” với 240 ghế ngồi tại Hội trường nhà B, Khoa ngữ văn của Đại học sư phạm Hà Nội.

Ông N.V, giáo viên Văn kỳ cựu của một trường chuyên HN: Khoanh vùng như thế này là một kiểu dạy tủ

Khoanh vùng như thế này là một kiểu dạy tủ, nó hoàn toàn là chủ quan và không dựa theo một hướng dẫn nào cả. Một số giáo viên luyện thi vẫn làm như vậy, nếu chệch thì thật mang tiếng, nếu trúng thì được dịp quảng cáo.

Khoanh vùng là chủ quan của giáo viên còn được chọn ra đề là  ngẫu nhiên.

Một TS Văn học: Trọng tâm và đề thi gần khít nhau

Trọng tâm “khoanh vùng” như thế và đề thi đã công bố gần “khít” nhau rồi. Ai cũng có thể thấy như vậy.

Người đã đi luyện thi mà tham gia ra đề thi là không khách quan. Người ta không thể vừa đá bóng vừa thổi còi được. Bộ GD-ĐT nên xem xét lại việc này.

Cũng theo các thí sinh, Hội trường nhà B trong những ngày hè nóng bỏng luôn đông chật người, và không dễ dàng để có vé vào chép bài tủ tại đây, nhất là những thí sinh “lạ” vì thông thường vé vào chép bài được phân phối qua hệ thống “chân trong” của “lò”. Một thí sinh đến từ Thanh Hóa cho biết lý do em quyết tâm theo “lò C1” là vì: “Giáo viên tại đây là Chủ nhiệm bộ môn ngữ văn của Đại học sư phạm Hà Nội, và... có chân trong Hội đồng ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Một quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo từng khẳng định với Tiền Phong là trong thành phần ra đề thi đại học có cả các thầy tham gia luyện thi. Quan chức này cũng cho rằng những người này, đương nhiên, phải chịu trách nhiệm về việc bảo mật đề thi trước pháp luật.

Người tham gia luyện thi ở lò C1 được triệu tập làm đề thi năm nay là thầy Lã Nhâm Thìn – Chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Ôn cấp tốc” vẫn “trúng đề”

Để tiện cho bạn đọc theo dõi, chúng tôi xin in lại đề thi môn Văn khối C và khối D và các “trọng tâm” mà  lò C1 đã khoanh vùng (xem phần in kèm).

Nguồn tin của Tiền Phong đã cung cấp các loại “bài tủ” và băng ghi âm tại “lò C1” trong suốt quá trình “lò” này “ôn, luyện” cho các thí sinh. Qua so sánh các đề thi với những nội dung mà thí sinh được “ôn luyện” tại “lò C1”, chúng tôi nhận thấy một phần rất lớn  nội dung đề thi đều đã được đề cập đến trong nội dung ôn luyện, mặc dù thời gian ôn luyện hết sức cấp tốc, chỉ gói gọn trong 20 ca kể từ sau khi kết thúc thi tốt nghiệp PTTH cho đến trước kỳ thi đại học.

Luyện thi trúng tủ: Giáo viên "lò C1" nói gì ?

Trong cuốn vở ghi nội dung ôn luyện tại “lò C1” của thí sinh đến từ Thanh Hóa nêu trên, từ việc phân tích bản Tuyên ngôn độc lập, các truyện ngắn Vợ nhặt, Đời thừa, cho đến các đoạn thơ trong Bên kia sông Đuống, Đất nước (trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm), Kính gửi cụ Nguyễn Du, đều xuất hiện trong các “bài tủ” mà giáo viên cung cấp, chỉ duy nhất câu I  môn Văn khối D là không xuất hiện trong số các “bài tủ”.

Đáng lưu ý hơn, vào cuối thời gian ôn thi tại “lò C1”, các thí sinh đã được giáo viên tại “lò” này cung cấp phần trọng tâm ôn thi hết sức “cụ thể và sát sườn” nếu so với đề thi đại học chính thức được công bố tại phòng thi sau đó vài ngày, 5 trong 12 trọng tâm đã có mặt trong các câu hỏi thi và 4/6 câu hỏi của 2 đề thi khối C và D có liên quan mật thiết đến “tủ”.

Chưa hết, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án-thang điểm đề thi tuyển sinh Đại học môn Văn năm 2005 của cả hai khối C và D, chúng tôi đã căn cứ vào đáp án đó và nhận thấy nhiều nội dung trong đáp án với những “gạch đầu dòng” cụ thể đã có sự trùng lặp với những “gạch đầu dòng” trong các “bài tủ” mà “lò C1” đã cung cấp cho các thí sinh.

Trong các kỳ thi đại học, sự “hơn, thua” của các thí sinh nhiều khi chỉ là 0,5 điểm. Với một sự trùng hợp đến như vậy giữa nội dung ôn thi và nội dung đề thi như đã nêu trên, các thi sinh đến ôn luyện tại “lò C1” đã “gặp may”, hay nền giáo dục nước nhà đang “không may” trước hiện tượng các thầy luyện thi “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ?

Trọng tâm ôn thi của lò C1

Về văn xuôi:

1. Vi hành với bức chân dung biếm họa về vua An Nam. Đặc sắc của tình huống.
2. Đoạn đầu của Tuyên ngôn độc lập
3. Rừng xà nu (hình tượng cây xà nu)
4. Nhân vật Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng) qua cái nhìn của Lãm, một vẻ đẹp lý tưởng hóa.
5. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của Vợ nhặt.
6. Đào trong truyện ngắn Mùa lạc
7. Chất thép trong Nhật ký trong tù

Về thơ:

1. Bên kia sông Đuống
2. Đất nước (cánh đồng thơ chảy máu)
3. Tư tưởng đất nước trong đoạn trích của Nguyễn Khoa Điềm
4. Bốn câu thơ trong Kính gửi cụ Nguyễn Du
5. Tám dòng đầu và tám dòng cuối trong bài Việt Bắc

Còn lớp 11 thì chú ý:

- Đây thôn Vĩ Dạ
- Thơ Duyên khổ 1,2 và khổ 4
- Tống biệt hành, chú ý đoạn 1 và 2
- Đoạn đầu và cuối bài Tràng Giang.

Đề thi môn Văn, khối C

Câu I (2 điểm)

Nêu tóm tắt giá trị lịch sử, giá trị văn học của bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu II (5 điểm)

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

(Bên kia sông Đuống  - Hoàng Cầm, Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, tái bản 2004, tr.79)

"Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

(Đất Nước, trích chương V trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, tái bản 2004, tr. 249 – 250)

Phân tích hai trích đoạn thơ trên.

Theo anh/chị, hai trích đoạn thơ ấy có những nét gì chung và riêng trong cách cảm nhận về quê hương, đất nước của các tác giả?

Câu III (3 điểm)

Nhận định về Nam Cao, sách Văn học 11 viết : “Ông có sở trường diễn tả, phân tích tâm lý con người”. (Văn học 11, Tập một, NXB Giáo dục, tái bản 2004, tr. 201)

Qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa, anh/chị hãy chứng minh nhận định trên.

Đề thi môn Văn, khối D

Câu I (2 điểm)

Anh/chị hãy trình bày những nét chính trong sự nghiệp thơ văn của Xuân Diệu.

Câu II (5 điểm)

Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân).

Câu III (3 điểm)

Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi Người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!

(Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, tái bản 2004, tr.160)

MỚI - NÓNG