Lưu ý khi thanh toán bằng thư tín dụng (L/C)

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù được sử dụng rộng rãi trong hoạt động thanh toán quốc tế với nhiều ưu điểm nổi bật, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Thư tín dụng (L/C)  chưa phải là một phương thức thanh toán hoàn hảo và an toàn tuyệt đối, bởi phương thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Vậy, rủi ro của phương thức thanh toán bằng L/C là gì? Đâu là lưu ý cho các DN khi sử dụng phương thức thanh toán này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bà Tống Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Tài trợ Thương mại, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Xin chào Bà Tống Thị Thu Hương!

PV: Mặc dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, theo các chuyên gia, L/C không phải là phương thức thanh toán hoàn hảo khi rủi ro từ phương thức này là hiện hữu. Vậy, Bà có thể chia sẻ một số rủi ro thường gặp?

Thứ nhất, rủi ro pháp lý:Hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam không có quy định riêng hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng L/C mà đều dẫn chiếu và tuân thủ UCP600 khi phát hành và thanh toán L/C. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi sử dụng L/C lại không nghiên cứu kỹ UCP600 để biết rằng các ngân hàng sẽ chỉ thanh toán dựa trên cơ sở các chứng từ phù hợp chứ không dựa vào hợp đồng hay hàng hóa. Mặt khác, UCP600 cũng không có điều khoản nào nói về vấn đề gian lận và giả mạo chứng từ. Chính vì vậy, việc đối diện với tranh chấp của các bên là hiện hữu.

Lưu ý khi thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) ảnh 1

Thứ hai, rủi ro tác nghiệp: Là các rủi ro xảy ra do đàm phán, soạn thảo, ký kết vàthực hiện các điều khoản thanh toán bằng L/C không chuẩn. Ví dụ:Người nhập khẩu đưa vào hợp đồng, đơn yêu cầu mở thư tín dụng những nội dung về chứng từ không chặt chẽ, dẫn đến hoặc là người xuất khẩu có thể nhanh chóng lập được bộ chứng từ nhưng trên thực tế, việc giao hàng lại không theo đúng như quy định trong hợp đồng.

Thứ ba, rủi ro đạo đức (rủi ro đối tác): Đây là rủi ro mà vượt ra ngoài các quy định của luật pháp quốc gia và quy tắc quốc tế. Ví dụ: Từ phía nhà nhập khẩu có thể có những thủ đoạn nghiệp vụ bắt lỗi sai sót chứng từ, ép giá người xuất khẩu để thu lợi cho mình; lừa đảo giả mạo phát hành L/C nhân danh ngân hàng để người xuất khẩu giao hàng xong thì nhận hàng và không thanh toán. Hay, rủi ro đạo đức từ phía nhà xuất khẩu như cố ý giao hàng hoá không phù hợp với hợp đồng nhưng lại xuất trình bộ chứng từ hoàn hảo (rủi ro gian lận), hoặc lập bộ chứng từ khống (rủi ro giả mạo chúng từ), Ngân hàng theo UCP600 vẫn buộc phải thanh toán cho người hưởng lợi, khi đó nhà nhập khẩu phải gánh chịu mọi rủi ro.

PV: Như bà cũng vừa đề cập đến việc ngân hàng của người nhập khẩu sẽ phát hành L/C độc lập với Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, nếu hợp đồng này bị hủy thì L/C có bị hủy không, thưa bà?

Theo Điều 3, UCP600 quy định: Thư tín dụng là không thể hủy ngang (irrevocable), tức là bình thường, thư tín dụng chỉ được hủy khi có sự đồng ý của tất cả các bên. Bên cạnh đó, theo Điều 5 UCP600, Thư tín dụng là một giao dịch riêng biệt với hợp đồng mua bán, các ngân hàng không liên quan đến hoặc ràng buộc bởi hợp đồng mua bán. Như vậy, theo tinh thần của UCP600, L/C không thể đương nhiên bị hủy khi hợp đồng mua bán bị hủy.

Tuy nhiên, theo Luật các tổ chức tín dụng của Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế được áp dụng nếu không trái với pháp luật Việt Nam, đồng thời, nguyên tắc áp dụng của UCP cũng khẳng định: Luật pháp quốc gia vượt lên trên các quy tắc của UCP. Vì vậy, nếu tòa án trong nước có đủ cơ sở để ngăn chặn việc thanh toán theo L/C thì tòa có quyền ra phán quyết hủy L/C và khi đó ngân hàng sẽ không thể chống lại lệnh của tòa. Nếu nhận thấy phán quyết của tòa án là chưa thỏa đáng, ngân hàng có thể khiếu nại.

PV: Vậy, để phòng ngừa và hạn chế rủi ro từ phương thức thanh toán này, theo bà, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Thứ nhất, phải tìm hiểu kỹ đối tác. Đặc biệt chú ý đối tác giao dịch lần đầu. Trong thực tế, phần lớn rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp là do các thủ đoạn gian lận, lừa đảo tinh vi của các đối tác giao dịch lần đầu này. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác thông qua tham tán thương mại Việt Nam, Công ty tư vấn tin cậy, ngân hàng…

Lưu ý khi thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) ảnh 2

Thứ hai, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu, nắm chắc các nguyên tắc giao dịch L/C, vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan, nắm các quy định pháp luật, các quy tắc thông lệ quốc tế, cụ thể là UCP, ISBP giải thích UCP…. Ví dụ, đối với người nhập khẩu, nội dung L/C phát hành cần chặt chẽ, rõ ràng, không chấp nhận các điều kiện bất lợi do người xuất khẩu yêu cầu như người xuất khẩu được quyền nhận hàng, sau đó thuê giám định chất lượng, khối lượng…

Thứ ba, sát cánh bên doanh nghiệp luôn là các ngân hàng, các doanh nghiệp hãy tin tưởng, dựa vào sự hỗ trợ, tư vấn của ngân hàng. Ngược lại, doanh nghiệp cũng nên hiểu không phải ngân hàng có thể làm được mọi thứ thay mình, để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đồng thời, phối hợp, tạo điều kiện cho ngân hàng để cùng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và ngân hàng.

Xin cảm ơn bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.