>> Lưu Quang Vũ đi mang theo gì?
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh . Ảnh: Tư liệu |
Trong trí nhớ của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, năm 1968 thi đàn Việt Nam vui mừng đón nhận Lưu Quang Vũ với tập thơ Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt. Chính nhà phê bình Hoài Thanh viết bài giới thiệu Lưu Quang Vũ. Trong cuộc đời phê bình của mình, Hoài Thanh chỉ viết về ba tác giả trẻ khi chưa ra tập thơ nào: Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy và Lưu Quang Vũ.
Hương cây cũng là tập duy nhất được in khi Lưu Quang Vũ còn sống. Sau khi nhà thơ qua đời mới in các tập Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993). Bà Lưu Khánh Thơ, em gái Lưu Quang Vũ kể, di cảo Lưu Quang Vũ để lại khá nhiều, hầu hết chưa in. Gia đình quyết định làm tuyển thơ với hi vọng “chuyên chở được tiếng lời nhắn nhủ của anh tôi tới độc giả”.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, mất trong tai nạn thảm khốc cùng người bạn đời - nhà thơ Xuân Quỳnh khi mới 40 tuổi, ở thời sức viết đang dồi dào trên nhiều thể loại: thơ, kịch, văn xuôi. Năm 2000, Lưu Quang Vũ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi bao gồm: Hương cây, Viết cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu, Mắt của trời xanh, Những đám mây ban sớm sắp xếp theo thời gian sáng tác. Phần cuối tập thơ có thủ bút của Lưu Quang Vũ, trích trong tập chưa in Cuốn sách xếp lầm trang. |
Sau thời kỳ thơ trong trẻo đầy cảm xúc trong Hương cây, thơ Lưu Quang Vũ những năm 1970 là thời kỳ khác, đầy dằn vặt, đau xót, cô đơn: “Tôi chán cả bạn bè/Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu nào mới/Tôi bỏ ra đi, họ ngồi lại”.
Các nhà phê bình cho rằng, những bài thơ thời kỳ này diễn đạt tâm trạng và những cảm xúc cao độ mà ông trải qua - gian nan hoàn cảnh riêng. Trong những tháng ngày cực kỳ gian khó, ông khám phá ra chính bản thân mình. Tha thiết vượt qua mệt mỏi, thời kỳ sau này dòng chảy thơ Lưu Quang Vũ lại mang một âm điệu khác, có cả thơ tình được nhiều người yêu: Vườn trong phố, Mắt của trời xanh, Và anh tồn tại, Em.
“Lưu Quang Vũ là nhà thơ cổ điển ngay từ tuổi 20, kiểu nhà thơ truyền thống mang chất thi sĩ chỉ nói về những người bình thường, con người phổ cập, con người vĩnh cửu”, theo nhà thơ Anh Ngọc.
Vũ Quần Phương: “Vũ là người chín sớm. Sau khi anh mất, tôi được xem di cảo của anh, có nhiều tập thơ đã hoàn thành, nhiều tập thơ mới có tiêu đề. Cách làm, viết như anh hiếm có. Thông thường người ta viết nhiều, sau mới gom lại in thành tập”.
Nếu như thơ Xuân Quỳnh có duyên với âm nhạc, thì cho đến nay Lưu Quang Vũ mới có Tiếng Việt được chuyển thể thành lời hát. Trong thời ngôn ngữ tuổi teen rối ren, Tiếng Việt được nhắc đến trìu mến hơn. Khán phòng dịu lại với đoạn clip nhạc Tiếng Việt của Lê Tâm: “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển/Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?/Ai ở phía bên kia cầm súng khác/Cùng tôi trong tiếng Việt quay về”.
“Lưu Quang Vũ tửu lượng không tốt, nhưng trong những đêm cùng bạn bè ngồi cạnh rạp xiếc Trung ương, anh uống nhiều. Vũ là người thích nghe xẩm, chỉ độc bài Hòn vọng phu, mỗi câu hát hay lại uống thêm một chén. Cuối cùng say, say mềm đến nỗi không đi được và hỏi giờ về đâu? Về phố Triệu Việt Vương, nhưng Triệu Việt Vương là ông nào? Là ông đầm Dạ Trạch ấy. Trời ơi, bây giờ mà về đầm Dạ Trạch thì đến sáng mai mới đến à”, nghệ sỹ Đào Trọng Khánh ôn lại kỷ niệm về người bạn thân Lưu Quang Vũ.