> Bangkok: Nín thở chờ… đại hồng thủy
Ngập lụt ở Thái Lan bị quy cho xây dựng và phá rừng quá nhiều. Ảnh: Soopersmart.com. |
Theo họ, các khu rừng bị phá hủy, tòa nhà, đường được xây trên đường thoát tự nhiên của nước vào mùa lũ, đập chắn trên các dòng chảy tự nhiên là những nhân tố cơ bản làm giảm tốc độ thoát nước lũ ra con sông chính để đổ ra biển.
Ông Smith Dharmasaroja, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thái Lan, nói rằng các cảnh báo đó được đưa ra liên tục nhiều năm nay, nhưng nhà chức trách bỏ ngoài tai.
Các quy hoạch xây dựng nhà cửa, đường sá hầu như phớt lờ cảnh báo ngăn nước vào mùa lũ. Người ta phản bác ông Dharmasaroja bằng việc đưa ra các tính toán mà ông cho là sai lầm về khả năng vẫn đảm bảo thoát nước nếu lũ về.
Hàng chục năm qua, người ta tiếp tục coi đê điều là giải pháp duy nhất đúng để phòng chống lũ. Kết quả, hàng loạt hệ thống đê đủ mọi dạng được dựng lên dọc các con sông chính của Thái Lan như Chao Phraya, Mekong…
Ông Somsak Khaosuwan, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo Thiên tai Quốc gia Thái Lan, nói: “Nếu chúng tôi không có một kế hoạch quản lý tổng hợp, chúng tôi lại có nguy cơ đối mặt thảm họa này trong năm tới”.
Ông nhận định rằng, cách ứng xử bảo thủ của con người khiến họ và thiên nhiên ngày càng xa cách nhau. “Chúng ta đã làm tổn thương thiên nhiên trong một thời gian dài và cứ ung dung nghĩ thiên nhiên chẳng làm gì được mình”, ông nói.
Thiên nhiên nổi giận
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Biến đổi Khí hậu lần thứ 17 của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Nam Phi tháng 11, các chuyên gia cảnh báo, biến đổi khí hậu tác động có vẻ sớm hơn và gây ra các dị thường thiên tai khốc liệt hơn so với dự đoán trước đó.
Một báo cáo vừa được Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Liên bang Úc và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố cho thấy, châu Á sẽ cạn kiệt gỗ vào năm 2038, nếu tốc độ khai thác gỗ hiện tại vẫn tiếp tục.
Ngay năm nay, diễn biến của các dòng hải lưu chính ảnh hưởng thời tiết toàn cầu tiếp tục vượt ra khỏi quy luật thông thường. Theo Viện Khí tượng Thủy văn & Môi trường (Bộ TN&MT Việt Nam), La Nina có dấu hiệu quay lại ngay từ tháng 8, khiến điều kiện khí quyển đại dương lại nghiêng về pha lạnh, gây ra mưa nhiều hơn.
Các chuyên gia dự báo, với sự quay trở lại quá sớm của La Nina, mưa to vượt mức trung bình nhiều năm có thể tiếp tục từ nay đến cuối năm 2011 ở miền nam Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, nhất là phía nam tính từ Đà Nẵng trở vào.
Quốc Dũng tổng hợp