> Hôm nay, Bangkok chìm trong lũ?
Vì khi cha mẹ, anh em, bè bạn và những người cùng chung một tổ quốc đang phải vật lộn với thiên tai, dĩ nhiên là người ta sẽ phải chung tay chung sức giảm bớt thiệt hại, cứu trợ những người hoạn nạn.
Nhưng với những gì diễn ra ở Bangkok tuần qua, có vẻ điều này không còn đúng nữa. Người dân Thái Lan những tưởng cơn lũ lớn đang hoành hành sẽ làm tan rã và cuốn phăng những chia rẽ trên chính trường. Vậy mà không những không biến mất, những chia rẽ ấy đang khiến công tác đối phó, khắc phục hậu quả lũ lụt thêm nhiều khó khăn. Thiên tai đã “được” làm trầm trọng bởi “nhân tai”.
Thủ tướng Thái vừa nhậm chức Yingluck Sinawatra, một phụ nữ xinh đẹp đã phải bật khóc mếu máo khi thông báo về thực tế lũ lụt ở thủ đô Bangkok. Ngoài những khó khăn của thiên tai, bà Yingluck đang đối mặt những cản trở từ lực lượng đối lập, đang nắm quyền kiểm soát chính quyền Bangkok. Chỉ có người dân là ngơ ngác, không biết tin cái gì, nghe lời ai.
Đã xuất hiện một số lời kêu gọi thủ tướng từ chức, thậm chí là đảo chính. “Nó cho thấy một xã hội đang bị xé nhỏ, với các tư tưởng chính trị đã lấn át cả trách nhiệm đối với cộng đồng và tình huống khẩn cấp cho sự tồn vong của quốc gia” - một nhà quan sát kết luận.
Dù sao, là “thuyền trưởng”, Thủ tướng Yingluck và những cộng sự đang chịu đựng sự mất niềm tin của công chúng. Đã có những đồn đoán, cho rằng việc mực nước duy trì trong các đập ở Thái Lan là mánh khóe của những người theo phe cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva nhằm tạo ra đợt đại hồng thủy để“quét sạch” chính quyền của Thủ tướng Yingluck. Theo giả thuyết này, nạn lụt sẽ khiến sự tức giận của phe “áo vàng” tăng lên.
Trong khi đó, phe đối lập lại cho rằng những người ủng hộ phe “áo đỏ”của nhà Thaksin (Sinawatra) được ưu tiên hơn khi tiếp nhận hàng cứu trợ do người dân Thái đóng góp.
Do vậy, ngay cả trong chuyện chống ngập lụt, người dân Thái cũng đang bị giằng xé giữa màu đỏ và màu vàng. Có người “áo đỏ”đã cho rằng lụt nặng ở Bangkok là do chính quyền không chịu bơm nước ra kênh. Phe màu vàng thì bảo các quan chức phụ trách thủy lợi không thể thực thi công việc của mình do có sự can thiệp “từ bên trên” với yêu cầu không để các “khu vực áo đỏ” bị ngập.
Một lần nữa, sau những cuộc biểu tình và đụng độ của phe áo vàng và phe áo đỏ, nền dân chủ của Thái Lan lại đang đối diện với tình huống có lẽ là chưa từng xảy ra trong lịch sử nước này.
Tuy nhiên, đối với người dân, việc quan trọng bây giờ là chống lụt chứ không phải chính trị. Ít nhất, Bangkok vẫn tỏ ra bình thản trước lũ. Người dân Bangkok đang đổ về những khu du lịch, vừa tránh ngập lụt, vừa xả hơi vì bỗng dưng được nghỉ dài.
Các khách sạn hạng trung ở Cha-am hay Hua Hin đều chật cứng với giá phòng khoảng trên dưới 2.000 baht (khoảng 1,3 triệu đồng)/đêm. Cũng không như ở xứ ta, khách sạn đông khách là dịp các “máy chém” giương lên, nhiều chủ khách sạn ở Thái Lan dịp này đã đồng loạt giảm giá để hỗ trợ bà con tránh lụt.
Không thấy cảnh hoảng loạn, không chen chúc, càng không có trộm cắp nơi công cộng, trong siêu thị. Các tiệm ăn vẫn mở, vẫn đầy ắp, dù thực khách phải bước qua bao cát chắn lũ dựng trước cửa. Thái Lan là vậy. Chính trị thường xuyên rối ren, nhưng người dân đa phần vẫn bình thản sống, vui vẻ, hiền hòa. Phải chăng đó chính là một trong những điều hấp dẫn của nước này đối với khách quốc tế?