'Luồng xanh' nào cho sinh mạng của F0 ở TPHCM?

0:00 / 0:00
0:00
'Luồng xanh' nào cho sinh mạng của F0 ở TPHCM?
TPO - Nhiều giờ gọi xe cấp cứu trong vô vọng, ông Bình bất lực nhìn người bạn đời trút hơi thở cuối cùng. Sau khi chính quyền địa phương đến hỗ trợ đưa thi thể vợ đi hỏa táng, trong căn nhà hiu quạnh, chỉ còn lại một mình người đàn ông đã lớn tuổi cô độc vật lộn với dịch COVID-19.

Những cuộc gọi cầu cứu

Cứ mỗi tuần 3 lần bà Lưu Thị Thương (63 tuổi) lại được chồng là ông Nguyễn Văn Bình (65 tuổi, ngụ tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) đưa vào bệnh viện chạy thận.

Khi con hẻm gia đình bà sinh sống có ca F1, vợ chồng họ đã chủ động rời khỏi nhà đi thuê phòng trọ gần bệnh viện để tiện việc điều trị. Nhưng chỉ được thời gian ngắn thì họ phải trở về vì chỗ ở trọ cũng đã xuất hiện ca bệnh COVID-19.

'Luồng xanh' nào cho sinh mạng của F0 ở TPHCM? ảnh 1

Nhân viên y tế đang lo mai táng cho bà Lưu Thị Thương (63 tuổi) sau khi qua đời vì COVID-19. Ảnh: Vân Sơn

Như thường lệ sáng 4/8, bà Thương đến Bệnh viện Đức Khang chạy thận rồi choáng váng khi nhận kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Biết tin bà mắc COVID-19, người dân trong con hẻm dù lo lắng nhưng vẫn cố gắng chung tay hỗ trợ thực phẩm và thông báo cho chính quyền địa phương.

Chiều 5/8, bà bắt đầu có biểu hiện mệt, khó thở. Ông Bình cùng người dân đã thay nhau gọi điện thoại đến các bệnh viện với hy vọng sẽ giúp bà sớm được nhập viện nhưng tất cả đều nhận câu trả lời “hết chỗ”.

Tối cùng ngày, cán bộ phường Bình Trị Đông đã xuống nhà thăm hỏi nhưng họ cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài những lời động viên và mong bà cố gắng vượt qua. Ông Bình sau thời gian chăm vợ cũng dương tính với SARS-CoV-2.

“Tôi chủ động cách ly với mọi người để giữ sức khỏe cho mình với hy vọng chăm sóc cho bà xã được tốt hơn. Nhưng tôi biết, nếu không vào bệnh viện để chạy thận thì vợ tôi chẳng còn sống được bao lâu” – ông Bình bùi ngùi chia sẻ qua điện thoại với phóng viên báo Tiền Phong.

'Luồng xanh' nào cho sinh mạng của F0 ở TPHCM? ảnh 2

Thi thể một bệnh nhân COVID-19 được nhân viên y tế khử khuẩn trước khi chuyển đi hoả táng. Ảnh: Vân Sơn

Nỗi lo của ông Bình và bà con lối xóm đã trở thành sự thật, những cơn khó thở, tức ngực của bà Thương ngày càng trở nặng. Một người dân đã đánh liều mặc áo của hãng xe công nghệ đi nạp đầy oxy cho chiếc bình 8 lít để giúp bà Thương kéo dài sự sống. Trong khi đó, ông Bình vẫn nỗ lực liên hệ các bệnh viện với hy vọng sẽ tìm được chỗ nhận để ngày 7/8 có thể đưa vợ đến chạy thận. Ông cố gắng “còn nước còn tát” giữ lại sinh mạng cho người bạn đời.

Tuy nhiên, cánh cửa sự sống của bà đã đóng sầm lại. “Nửa đêm ngày 6/8 bà xã tôi than mệt, không thở được, chân tay lạnh ngắt… tôi liên tục gọi điện nhờ cấp cứu nhưng họ bảo sớm nhất thì cũng phải đến chiều ngày hôm sau mới sắp xếp được. Khoảng 1 giờ sáng 7/8 vợ tôi chới với rồi trút hơi thở cuối cùng. Giá như có luồng xanh nào cho F0 có bệnh lý nền thì chắc tôi đã không mất vợ” – ông Bình nghẹn ngào nói.

Áp lực điều trị

Trong khi nhiều F0 ngoài cộng đồng không thể kịp chờ để được hỗ trợ y tế thì ở các cơ sở điều trị, các bác sĩ đang phải căng mình cứu chữa nhưng chưa thể kéo giảm số ca tử vong.

Chỉ tính riêng ngày 8/8, số ca bệnh tử vong được thống kê là 235 trường hợp. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến 124.594 trường hợp mắc COVID-19, các bệnh viện đang điều trị cho gần 32.000 bệnh nhân, trong đó có 1.344 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca bệnh nặng, nguy kịch ngày càng tăng, Bộ Y tế đã khẩn cấp thiết lập và đưa vào hoạt động cùng lúc 4 Trung tâm Hồi sức COVID-19 do các bệnh viện tuyến Trung ương gồm Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (tổng công suất đáp ứng 2.000 giường) để hỗ trợ và nâng cao năng lực điều trị cho nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch trên địa bàn thành phố.

'Luồng xanh' nào cho sinh mạng của F0 ở TPHCM? ảnh 3

Một bệnh nhân mắc COVID-19 đang nguy kịch đang được các bác sĩ trợ giúp. Ảnh: Vân Sơn

Sau khi huy động tối đa nhân sự và các nguồn lực trang thiết bị y tế hiện đại với máy thở, máy X-quang, ECMO, bơm tiêm điện… thực hiện thành công khâu vận chuyển.

Ngày 7/8, các Trung tâm Hồi sức COVID-19 nêu trên đã được khánh thành và bắt đầu tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nhưng khả năng đáp ứng ban đầu của mỗi cơ sở mới chỉ đạt khoảng 50 đến 100 giường bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau khi đi vào hoạt động các Trung tâm Hồi sức COVID-19 sẽ nhanh chóng hoàn thiện và đẩy công suất đáp ứng lên đến mức tối đa mỗi cơ sở 500 giường bệnh.

“Với nguồn nhân lực chuyên môn giỏi đã có nhiều kinh nghiệm điều trị từ các đợt dịch trước chúng tôi hy vọng và tin tưởng sự tiếp sức của các bệnh viện tuyến trung ương sẽ giúp TPHCM kéo giảm số ca tử vong, từng bước khống chế được dịch bệnh” – PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn nói.

Cơ sở là nòng cốt trong điều trị cho người bệnh ở tầng cao nhất là Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức. Sau khi đưa vào hoạt động 500 giường, đến ngày 1/8 tại đây đang điều trị cho hơn 600 bệnh nhân, trong bối cảnh số ca bệnh tiếp tục gia tăng, bệnh viện đang triển khai giai đoạn hai nâng công suất đáp ứng lên 700 giường.

Với sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, những khó khăn ban đầu về máy móc trang thiết bị phục vụ chuyên môn đã từng bước được tháo gỡ và sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.

'Luồng xanh' nào cho sinh mạng của F0 ở TPHCM? ảnh 4

Áp lực điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng đang đè nặng lên vai các bác sĩ điều trị và hệ thống bệnh viện Hồi sức COVID hiện nay. Ảnh: Vân Sơn

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 khi tăng thêm giường bệnh chính là đội ngũ nhân sự. TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, để giải quyết bài toán rất khó về mặt nhân sự ngoài việc tiếp tục nhờ sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các tỉnh thành, bệnh viện đã chủ động liên hệ với các trường có đào tạo khối ngành chăm sóc sức khỏe để huy động sự hỗ trợ từ đội ngũ sinh viên các năm cuối, bác sĩ nội trú để tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Nhận định về xu hướng dịch bệnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng, số ca bệnh sẽ còn ở mức cao, thời gian tới gánh nặng cho hệ thống điều trị sẽ tiếp tục tăng. Ngoài các Trung tâm Hồi sức COVID-19 đã chính thức đi vào hoạt động, góp phần giảm tải cho các bệnh viện, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động thêm nguồn lực hỗ trợ từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng như một số tỉnh thành khác tiếp sức chống dịch cho TPHCM.

MỚI - NÓNG