Lương giáo viên thua xa lương công nhân

TP - Trường mầm non Trại Cau có trên 300 học sinh, nhưng chỉ  có 3 cô nuôi, thiếu 5 cô theo quy định. Bởi với mức lương 1,7 triệu đồng/tháng, huyện tuyển 27 cô thì đã có 10 cô bỏ. “Để được nhận hợp đồng làm cô nuôi, ứng viên phải có chứng chỉ nấu ăn, có kiến thức về VSATTP, biết cân đối khẩu phần ăn... Trong khi đó, chỉ cần tốt nghiệp THPT, đi làm nhà máy Sam Sung cũng được 8 triệu đồng/tháng”, bà Lưu Thị Bích Hân, Hiệu trưởng trường mầm non Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên chua chát nói.
Nhiều giáo viên hiện có mức thu nhập không đủ sống. Ảnh minh họa: Nguyễn Hà.

Sáng qua (30/11), tại ĐH Thái Nguyên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Đề xuất tăng lương cho giáo viên được nhiều đại biểu đồng tình và đóng góp ý kiến về phương thức thực hiện.

Bà Trương Thị Yến, hiệu trưởng trường tiểu học Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang  cho biết, “nhiều giáo viên nói với tôi là cần phải có ý kiến để làm sao giáo viên sống được bằng lương. Bằng đồng lương của mình, hiện nay giáo viên đang sống lay sống lắt”.

Còn bà Lưu Thị Bích Hân, hiệu trưởng trường mầm non Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên chia sẻ câu chuyện thực tế đối với giáo viên mầm non. Theo bà Lưu Thị Bích Hân, giáo viên của trường  trung bình làm việc 10-11h/ngày. Tuy có quy định về thêm giờ nhưng thực chất giáo viên mầm non không được hưởng gì từ quy  định này. Lương thì thấp nên đời sống giáo viên rất khó khăn.

Mặt khác, bà Bích Hân cũng cho biết mục tiêu của giáo dục mầm non là nuôi dưỡng và giáo dục. Nhưng hiện mới chú trọng giáo dục, chưa quan tâm nuôi dưỡng. Năm vừa qua trường nhận một số hợp đồng nuôi dưỡng, được đóng bảo hiểm và hưởng 1,5 lần lương cơ bản. Trường mầm non Trại Cau có trên 300 học sinh, nhưng chỉ  có 3 cô nuôi.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì  thiếu 5 cô nữa.  Nhưng với mức lương hàng tháng là 1,7 triệu đồng, huyện tuyển 27 người thì đã có 10 người bỏ. “Để được nhận hợp đồng làm cô nuôi, ứng viên phải có chứng chỉ nấu ăn, có kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, biết cân đối khẩu phần ăn cho học sinh rất khó.

Trong khi đó, chỉ cần tốt nghiệp THPT, đi làm trong nhà máy Sam Sung cũng được 8 triệu đồng/tháng. Năm 2018, Thái nguyên dự định tăng lên mức  1,85 lương cơ bản cho các cô nuôi nhưng cũng chỉ được hơn 2 triệu/tháng, nên sẽ rất khó thu hút” - bà Lưu Thị Bích Hân khẳng định.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, hiện giáo viên ra trường tốt nghiệp  CĐ được 3,5 triệu đồng, tốt nghiệp ĐH 4 triệu đồng. Trong khi đó, bà Huyền cho biết lương công nhân làm việc tại tập đoàn Sam Sung khởi điểm cao hơn mức này rất nhiều.

Một trong những đề xuất sửa đổi lần này đó là nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên tốt nghiệp cao đẳng. Theo báo cáo của Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 33/63 tỉnh thành có tỷ lệ giáo viên tiểu học trình độ CĐ đạt 90%, có 3 tỉnh thấp ở mức trên 60%.  Tuy tỷ lệ chưa đạt chuẩn như dự thảo Luật sửa đổi nhưng việc thực hiện được như quy định không dễ, nhất là với các tỉnh khó khăn.

Cũng liên quan đến chất lượng đội ngũ, đứng từ góc độ người sử dụng lao động, ông Nguyễn Văn Bông, hiệu trưởng trường THPT Việt Yên số 2, Bắc Giang cho biết qua các đợt nhận giáo sinh về thực tập, nhận thấy chất lượng rất yếu. “Thậm chí có hiệu trưởng còn nói với tôi là không nhận giáo sinh thực tập. Tôi cũng rất  trăn trở, làm thế nào để thu hút được học sinh học giỏi vào ngành sư phạm. Về lương thì dự thảo  Luật sửa đổi đã đưa ra nhưng theo tôi nên quan tâm sâu hơn đến người học. Ở bậc THPT, nếu  học sinh học giỏi, cam kết vào sư phạm thì miễn học phí cho các em” - ông Nguyễn Văn Bông đề xuất.

Đề xuất có khả thi?

Ông Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, lâu nay ông rất trăn trở về vấn đề tiền lương của giáo viên. Khi còn ở vai trò Thứ trưởng, đi thực tế ở các vùng miền, đặc biệt là vùng núi chứng kiến cuộc sống của giáo viên cắm bản thiếu thốn, khó khăn đủ bề. “Thời đó, (khoảng năm 1985-1986), Bộ GD&ĐT đã từng đề xuất Chính phủ tăng lương giáo viên. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước eo hẹp nên sau đó, đề xuất tăng lương không được thực hiện nhưng nhà nước cũng đã quan tâm đến đời sống nhà giáo bằng cách có phụ cấp vùng miền lẫn chế độ phụ cấp đứng lớp”, ông Nhĩ nói.

Cũng theo ông Nhĩ, tuy hiện nay giáo viên đã có phụ cấp đứng lớp nhưng họ vẫn không sống được bằng lương. Vì vậy, đề xuất của Bộ GD&ĐT hoàn toàn hợp lý. Phải làm sao để giáo viên lo được cho bản thân và gia đình bằng chính đồng lương của mình thì khi đó họ mới yên tâm dạy học.

Ông Nhĩ cho rằng, trong bối cảnh của đất nước hiện nay, nếu chi từ ngân sách nhà nước để tăng lương cho hơn 1 triệu giáo viên e là khó. Mà như vậy, đề xuất sẽ khó khả thi. Vì vậy, cần bám Nghị quyết 19 về tăng cường xã hội hóa giáo dục, trong đó, tạo điều kiện để tư nhân vào xây dựng trường ở hệ giáo dục mầm non và THPT cùng hệ thống trường liên cấp. Khi đó, sẽ có khoảng 30% giáo viên từ trường công lập bị “hút” sang hệ thống trường tư thục, nhà nước dành nguồn ngân sách hiện nay để chi trả cho số giáo viên còn lại. Như vậy, nhà nước có tăng tiền chi trả cũng phải tăng rất ít mà giáo viên sẽ được mức lương gấp 1,5 lần so với mức lương hiện nay.