Uống cà phê đã trở thành thói quen không thể thiếu của hơn 50% người dân Mỹ, trung bình một ngày họ uống 3 tách cà phê. Một số người cho biết họ cần 1 tách cà phê mỗi sáng để bắt đầu ngày mới.
Nghiên cứu trước đây cho rằng chúng ta uống được nhiều hay ít cà phê là do đáp ứng của cơ thể mỗi người đối với caffeine (chất kích thích chính trong cà phê), nhưng vẫn chưa rõ điều gì ẩn sau những khác biệt này.
Một vài nghiên cứu cho rằng một số gen có thể đóng vai trò quan trọng. Thí dụ, một nghiên cứu năm 2014 được đăng trên tạp chí Molecular Psychiatry đã phát hiện một số biến đổi gen liên quan đến chuyển hóa caffeine. Hiện tại các tác giả đã phát hiện một biến đổi gen khác có thể giải thích tại sao một số người uống được cà phê ít hơn những người khác.
Để kiểm chứng, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu gen của 1.213 người Ý. Trong đó, 843 người thuộc 6 làng ở đông bắc nước Ý, 370 người thuộc 1 làng nhỏ ở miền nam nước Ý. Tất cả những người tham gia đều hoàn thành cuộc điều tra về việc họ đã uống bao nhiêu cốc cà phê mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có biến đổi ADN ở gen PDSS2 uống ít cà phê hơn so với những người không có đột biến gen này.
Một nghiên cứu khác trên 1.731 người Hà Lan cũng cho kết quả tương tự, tuy nhiên tác động của đột biến gen này không mạnh. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng điều này có thể do sự khác biệt trong cách uống cà phê của người dân 2 nước. Người Ý thường uống các tách cà phê nhỏ hơn, trong khi người Hà Lan thường uống các tách cà phê lớn hơn chứa nhiều caffeine hơn.
Đột biến ADN của gen PDSS2 làm giảm khả năng phá vỡ caffeine của tế bào sau khi uống cà phê, kéo dài thời gian chất kích thích này tích tụ trong cơ thể. Vì vậy, những người có đột biến ADN ở gen PDSS2 không cần uống quá nhiều cà phê để nhận được cùng lượng caffeine như những người không có đột biến gen này.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Nicola Pirastu từ Viện Nghiên cứu Usher thuộc Trường Đại học Edinburgh ở Anh và cộng sự đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports.