Lương 20 triệu không lo nổi con lớp 1

Lương 20 triệu không lo nổi con lớp 1
Với các khoản phí trong tháng đầu khoảng 10 triệu đồng, nhiều gia đình sẽ khó cho con vào học trường Đoàn Thị Điểm.

> Bát nháo ‘lò’ luyện chữ chạy đua vào lớp 1

Việc chọn cho con học trường nào khi vào lớp 1 khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Ảnh: Kiến Thức
Việc chọn cho con học trường nào khi vào lớp 1 khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Ảnh: Kiến Thức.

Sáng 25/5, trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) bắt đầu niêm yết danh sách dự tuyển kiểm tra năng lực nhận thức và số phòng cho học sinh vào lớp 1.

Từ sáng sớm, khá đông phụ huynh đã có mặt ở trường để xem số phòng, danh sách cho con em mình. Qua ghi nhận tại cổng trường, không xảy ra tình trạng ùn tắc vì đây chưa phải là ngày thi chính thức nên các phụ huynh cũng không quá lo lắng.

Tuy nhiên, trong sáng 25/5 mới chỉ niêm yết danh sách đăng ký dự tuyển vào lớp quốc tế và lớp dạy tăng cường tiếng Anh. Theo danh sách này, có 33 phòng thi với tổng số khoảng 1.400 học sinh đăng ký dự thi.

Theo thông tin trên website của trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, trong năm học 2013 - 2014, trường sẽ tuyển 1 lớp thuộc dự án “Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp" của Bộ Giáo dục và Đào tạo (30 học sinh), 15 lớp dạy tăng cường tiếng Anh (450 học sinh) và 2 lớp quốc tế gồm 24 học sinh/lớp. Trong đó, 10 lớp học tại cơ sở 1 và 5 lớp học tại cơ sở 2.

Theo con số chỉ tính cho lớp quốc tế và lớp dạy tăng cường tiếng Anh, tỷ lệ chọi khoảng 1/2,8.

Không ít phụ huynh có con thi tuyển vào lớp 1 trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã cho bé tham gia vào câu lạc bộ của trường vào thứ 7 hàng tuần bắt đầu từ tháng 3 đến nay.

Khi con đứng trước ngưỡng cửa vào lớp 1, bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng muốn con được học ở môi trường với chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ý kiến một số phụ huynh có mặt tại trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm sáng 25/5, hầu hết đều không đặt nhiều áp lực lên con trước kỳ thi lần này.

Sẵn sàng phương án dự phòng

Lý giải về việc chọn trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, ngoài danh tiếng và chất lượng đào tạo tốt thì nhiều phụ huynh thích con học gần nhà, thuận tiện việc đi lại và đưa đón. Tuy nhiên, không ít phụ huynh tỏ ra thoải mái về chuyện trượt, đỗ.

“Tôi có quan điểm là đỗ thì đỗ, không thì thôi, nói chung không quá áp lực cho cháu. Bản thân cháu cũng mang tâm lý thoải mái. Nếu không đỗ thì sẽ học trường gần nhà, còn đây chỉ coi như cuộc thử sức. Cháu đã được học tiếng Anh ở lớp mẫu giáo. Gia đình chỉ cho cháu đi học thêm lớp toán tư duy, học phí khoảng hơn 2,5 triệu/khóa để làm quen với trắc nghiệm”, một phụ huynh cư trú tại khu Đồng Xa (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ.

Một số phụ huynh ngoài việc cho con thi vào trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã tính trước phương án 2.

Chị Thu Hà (Khu đô thị mới Mỹ Đình – Hà Nội) cho biết: “Tôi không bắt buộc con đỗ vào Đoàn Thị Điểm. Nếu không đỗ tôi sẽ chọn sang Lê Quý Đôn và trường Việt – Úc. Ngoài việc con tham gia câu lạc bộ vào thứ 7, con nhận thức được bao nhiêu thì tôi cũng để như thế, cũng không bắt buộc con ôn luyện ngày đêm. Nhưng tôi vẫn mong con đỗ vào Đoàn Thị Điểm vì đây là lựa chọn số 1”.

Còn anh Hùng (Khu đô thị Mỹ Đình II – Hà Nội) cho rằng, các cháu đang ở tuổi chơi nhiều nên kiến thức học ở trường mầm non là chính, bố mẹ không ép cháu học thêm.

“Từ bản thân mình mà ra, ngày xưa đi học cũng vậy nên cũng không muốn gò ép con, sức cháu đến đâu thì đến như thế. Nếu không đỗ trường Đoàn Thị Điểm thì quay về trường công. Nhìn chung tôi thấy giữ tâm lý thoải mái cho cháu”, anh Hùng nói

Tuy nhiên, việc thi đầu vào với học sinh lớp 1 khiến nhiều phụ huynh cũng không khỏi lo lắng. “Tôi chọn cho cháu vào đây vì trường này có tiếng học tốt, thêm yếu tố gần nhà. Tất nhiên so với trước đây thì bây giờ vào lớp 1 khó hơn rất nhiều. Cả nhà tôi, từ ông bà, bố mẹ đều lo lắng, nhưng không phải vì thế mà gây áp lực cho cháu”, một phụ huynh khác nói.

Thu nhập 20 triệu đồng khó lo đủ cho con?

Việc học ở trường dân lập với mức học phí cao không phải bất cứ phụ huynh nào cũng có thể kham được. Song khi đã chọn trường dân lập với chất lượng tốt, nhiều ông bố bà mẹ vẫn sẵn sàng.

Một phụ huynh chia sẻ: “Gia đình tôi chấp nhận vun vén để con được học ở nơi có môi trường tốt nhất. Tổng thu nhập của gia đình khoảng 25 triệu đồng/tháng. Ngoài học ở trường thì sắp tới tôi sẽ cho con học thêm nghệ thuật và tiếng Anh tại nhà. Kinh tế chắc chắn cũng có chút eo hẹp hơn nhưng vẫn cố gắng dè sẻn được”.

Bác Hưng (Hoàng Hoa Thám – Hà Nội) tâm sự, trước đây cháu gái lớn đã học tại tiểu học Đoàn Thị Điểm nên gia đình cũng lựa chọn trường này cho cháu thứ hai. Trước khi bắt đầu cuộc thi, gia đình cho cháu đi nghỉ tại Đà Nẵng để có những giờ phút thư giãn thoải mái. Về kiến thức, cháu đã học tiếng Anh từ khi 3 tuổi, tham gia học đàn organ và câu lạc bộ vào thứ 7 hàng tuần tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Bác Hưng cho biết: “Theo thông tin tôi đọc được thì học phí lớp tiếng Anh là 3 triệu đồng, còn lớp quốc tế ngoài học phí 3 triệu đồng, còn đóng thêm tiền học ngoại ngữ khoảng 3 triệu đồng (150 USD), tiền ăn 1,4 triệu đồng (900.000 đồng ăn bán trú và 500.000 đồng ăn sáng) và 1 triệu đồng đóng cơ sở vật chất. Tổng các khoản đóng trong tháng đầu khoảng 10 triệu đồng. Cho nên những gia đình thu nhập 20 triệu đồng/tháng cũng khó cho con vào học. Nếu cho con vào học thì phải dè sẻn, chắt bóp, bố mẹ chấp nhận khổ sở hơn để con theo học”.

Cũng theo bác Hưng, việc đầu tư cho học hành của con cái là một quá trình lâu dài để tạo đà cho các cháu, chứ không nên gây áp lực quá lớn.

“Hiện nay nhiều gia đình khá giả kỳ vọng con cái quá nhiều. Cũng có người háo danh, muốn cho con vào trường danh tiếng để thể hiện với những người xung quanh. Là phụ huynh, ai cũng đặt kỳ vọng vào con cháu, nhưng nếu khả năng không tiếp thu được thì rất khó”, bác Hưng cho biết.

Theo Anh Minh
Kiến Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.