Luôn phải chịu trận

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua 25/10, trên nghị trường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được cơ quan soạn thảo Bộ Công thương công bố.

Điểm nhấn lần sửa đổi này là mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung quy định bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ người tiêu dùng. Dự thảo luật cũng bổ sung một cấu phần quan trọng, là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Các hành vi bị phản ánh, khiếu nại thường thấy là: Bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hoá nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng...

Tháng 8/2022, giá xăng dầu lên cao, tàu cá la liệt nằm bờ, trước tiếng kêu cứu của ngư dân các tỉnh ven biển, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đề nghị giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp nghiên cứu các kiến nghị về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Để giá bán lẻ xăng dầu trong nước không tăng quá cao, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp miễn giảm các loại thuế liên quan hoặc trợ giá năng lượng... nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tùy bối cảnh của từng nước, Việt Nam cũng vậy. Đó cũng là cách để Nhà nước bảo vệ người tiêu dùng và cân đối hài hòa lợi ích của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với 3 thực thể tham gia là Nhà nước – Doanh nghiệp và Người dân (tiêu thụ), phản ứng với giá xuống thấp không đủ giá nhập, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa không bán hàng. Đăng đàn lí giải, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng do các doanh nghiệp đầu mối đặc biệt phía Nam nhập về giá bán cao nên nay giá thấp, bán là lỗ họ không muốn bán. Nói như vậy, để thấy trong trường hợp này, cả cơ quan quản lý cũng “bất lực” không bảo vệ được quyền lợi người dân khi đời sống họ bị đảo lộn, thiếu xăng phải xếp hàng mua như thời bao cấp...

Hơn 14.000 phản ánh của người tiêu dùng đến Bộ Công Thương trong năm 2020 đã cho thấy, quyền lợi của họ vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Đáng chú ý, vi phạm diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh, nhất là lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm. Từ đầu năm đến tháng 7/2022, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã thụ lý 19 vụ/50 bị cáo bị truy tố về các tội liên quan đến hành vi sản xuất buôn bán hàng giả và tội lừa dối khách hàng. Tương tự trong kinh doanh đa cấp, hàng ngàn người bị lừa, họ đã làm đơn tố cáo. Ồn ào gần đây nhất, là vụ việc siêu thị nhập rau sạch mà cuối cùng họ đã “tòi” ra nhà cung cấp lấy nguồn hàng không phải tiêu chuẩn VietGap...

Sau hơn 12 năm vận dụng luật (2010), với rất nhiều đổi thay trong đời sống kinh tế, tiêu dùng của xã hội, đặc biệt là sau đại dịch, nền kinh tế số, thương mại điện tử vụt phát triển, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đến lúc không thể không sửa. Phải làm sao để xăng dầu độc quyền không có chuyện ai thích là bán ai không thì thôi. Đặc biệt, khi các khiếu nại, đơn tố cáo của dân được gửi đến tay Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh hay những nơi có nhiệm vụ hỗ trợ đều cần hồi âm nhanh chóng, hoặc xử lý cho "có đầu, có đũa", đừng để rơi vào... im lặng.

Ai bảo vệ người tiêu dùng và làm thế nào để chấm dứt tình trạng họ luôn là người “chịu trận” và chịu thiệt? Thiết nghĩ luật mới cần quy định rõ để khi thực thi những yêu cầu từ cuộc sống được xử lý thỏa đáng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.