Lúng túng việc 'đòi lại vỉa hè cho người đi bộ'

Lúng túng việc 'đòi lại vỉa hè cho người đi bộ'
TP - Hôm qua (8/1), lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã họp các ngành GTCC-Tư pháp-Công an thành phố tiếp tục lấy ý kiến nhằm hoàn tất việc chỉnh sửa QĐ 227 của thành phố về phân cấp quản lý vỉa hè.
Lúng túng việc 'đòi lại vỉa hè cho người đi bộ' ảnh 1
Hình ảnh này sẽ không còn xuất hiện tại Hà Nội?

Tinh thần chủ đạo của việc chỉnh sửa quyết định này là siết chặt quản lý việc kinh doanh trên vỉa hè theo nguyên tắc: Việc kinh doanh không cản trở người đi bộ, không gây ách tắc giao thông.

Đảm bảo vỉa hè cho người đi bộ

“Vấn đề mấu chốt và “vướng” nhất mà các ngành còn bàn cãi trong việc sửa QĐ 227 của thành phố là quan điểm về việc có nên cho kinh doanh trên vỉa hè hay không?” - Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho Tiền phong biết.

Cũng theo ông Thịnh, quan điểm không đồng tình cho rằng: Kinh doanh trên vỉa hè là vi phạm Luật Giao thông đường bộ vì “vỉa hè dành cho người đi bộ”. Việc cho phép hoạt động kinh doanh tại đây sẽ làm cản trở người đi bộ, gây ách tắc giao thông.

Tuy nhiên, các ngành cũng cho rằng, vẫn có thể kinh doanh trên vỉa hè bởi hè phố Hà Nội có đặc thù riêng, từ lâu đã thành nơi kinh doanh buôn bán của người dân, nhất là với các ngõ phố của Hà Nội xưa. Ông Thịnh lấy ví dụ, đường Phan Đình Phùng có vỉa hè rất rộng, hai bên là hành lang cây xanh - những vỉa hè như thế có thể cho sử dụng một phần để kinh doanh!

Còn với những phố mà vỉa hè chỉ rộng có 2 mét thôi, thì phải xem xét. Nhất định không thể cho người dân làm bãi gửi xe kinh doanh trên vỉa hè quá hẹp, vì như thế là cản trở giao thông, gây khó khăn cho người đi bộ.

Ý kiến nghiêng về việc sửa QĐ 227 theo hướng tiếp tục cho phép kinh doanh trên vỉa hè cũng đã lưu ý: Việc kinh doanh phải thỏa mãn các điều kiện nhất định, và nếu cho kinh doanh thì vẫn phải được quản lý chặt chẽ. Vấn đề các ngành bàn bạc, thống nhất là thành phố sẽ hoạch định việc kinh doanh, quản lý vỉa hè như thế nào?

Cụ thể, những tuyến phố nào, hay những vị trí nào của một tuyến phố thì được kinh doanh. Bên cạnh đó, quyết định sửa đổi phải quy định cụ thể điều kiện kinh doanh trên vỉa hè, như: Vỉa hè được kinh doanh phải rộng bao nhiêu, phần dành cho người đi bộ tối thiểu là bao nhiêu?

Như vậy, những tuyến phố có vỉa hè chỉ đủ rộng cho người đi bộ sẽ cấm kinh doanh bán hàng, trông giữ xe. Riêng những tuyến được kinh doanh trông giữ xe, sẽ quy định rõ cách để xe như thế nào (để dọc hay ngang, bao nhiêu hàng).

“Nước mình còn nghèo, còn nhiều thứ bẩn lắm, ví dụ thức ăn đường phố chẳng hạn. Thức ăn đường phố là tôi muốn dẹp lắm, nhưng một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị về hưu nói với tôi khi tôi làm Chủ tịch thành phố Hà Nội là “Anh mà dẹp anh phải nghĩ giải quyết lao động việc làm. Đằng sau gánh hàng rong là nuôi mẹ già, nuôi con ăn học”.

Giải quyết lao động việc làm cho bà con chỉ học lớp 4, lớp 5 thì rất khó, nhất là trong thời đại tin học bây giờ” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu (phát biểu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XII).

Trên tinh thần chỉnh sửa những bất hợp lý trong QĐ 227, thành phố tiếp tục phân cấp cho quận huyện quản lý vỉa hè. “Trước khi có QĐ 227, việc quản lý thuộc thành phố, nhưng thực tế cho thấy là không quản nổi. Do vậy, phân cấp là cần thiết. Thành phố chỉ ban hành văn bản về cơ chế, chính sách”- Ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, lần này thành phố sẽ quy định rõ trách nhiệm, chế tài xử lý sai phạm. Lập các đội thanh tra, kiểm tra chéo. Ngoài việc xử lý đơn vị, cá nhân kinh doanh vi phạm, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ cơ sở để sai phạm tái diễn, tránh việc “bảo kê” cho việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Xem xét đề xuất “Cấm bán hàng rong”!

Liên quan đến đề xuất của Sở Thương mại về việc cấm bán hàng rong trên các tuyến phố, ông Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Đây mới là đề xuất với thành phố, hiện đề xuất này đang đựơc xem xét, lấy ý kiến các ngành”.

Được biết, liên quan đến chủ trương cấm bán hàng rong tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã có cuộc họp nghe ý kiến các ngành. Tại cuộc họp này, ông Lâm Quốc Hùng-Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho biết riêng trên địa bàn quận có tới 2.000 người bán hàng rong, rất khó kiểm soát.

Ông Hùng đề xuất có thể cho kinh doanh trên một số tuyến phố trung tâm có khả năng kinh doanh hàng hóa, ăn uống. Đại diện Sở Tư pháp lại cho rằng, đối tượng bán hàng rong chủ yếu là dân nghèo, nếu cấm triệt để sẽ ảnh hưởng đời sống của người dân; thành phố nên quy định hàng rong được hoạt động theo giờ, tại những tuyến phố nhất định.

“Cấm bán hàng rong trên đường phố là chủ trương đúng, tuy nhiên thực hiện thế nào cho hiệu quả mới là vấn đề. Chưa kể, có ý kiến cho rằng hàng rong còn là một nét văn hóa Hà Nội, cần giữ gìn”-Ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, việc cấm bán hàng rong cũng rất khó, vì hầu như các gánh hàng rong không có ai quản lý, không lẽ người dân đang đi trên đường lại bị xua đuổi hay sao? “Tuy nhiên, cần thay đổi thói quen của người dân, tạo ý thức trong việc giữ gìn bộ mặt phố phường khang trang, sạch đẹp. Nhưng để có được điều đó, chắc chắn không thể để cho mọi việc diễn ra tự nhiên, cần phải có những quy định phù hợp, khả thi”-Ông Thịnh cho biết.

Hiện chủ trương cấm bán hàng rong đang được tổ chức lấy ý kiến các sở ngành, bởi chủ trương này rất nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới cả chục ngàn người đang kinh doanh trên hè phố của Thủ đô.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.