Lũng Slàng ngày mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trải qua bao gian khó, người Dao ở bản Lũng Slàng, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, điểm cực Bắc của tỉnh Lạng Sơn trở thành một nơi đáng sống, mọi người mong ngóng đến chơi thăm, trải nghiệm nét đẹp thôn quê, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như được nghe kể về thời kỳ bi hùng của đất và người dân nơi đây.

Chuyện hồi sinh

Lũng Slàng cách thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định chừng 15km, với vị trí nằm lọt thỏm trong lòng chảo, bao quanh là núi non trùng điệp hiểm trở, đường đi lại khó khăn, vậy nên nhiều năm trước đây các hộ dân nơi đây duy trì đời sống theo hướng tự cung, tự cấp.

Sương sớm ở Lũng Slàng vương vấn trên mái nhà, cỏ cây mướt xanh. Có thể do nơi đây cao, yên tĩnh, dù đã có nhiều tiếng gà gáy lanh lảnh báo sáng mà mây mù, sương muối vẫn nấn ná ở trên vạt hoa sim, hoa mua... Chú rể Triệu Quang Lợi, năm nay vừa tròn 25 tuổi đưa mắt nhìn ra cửa sổ thấy những quả lê đã tròn căng ẩn hiện trong đường viền thoáng tỏ của núi rừng lẫn vào những lùm cây sẫm màu. Hôm nay là ngày trọng đại của anh cũng là ngày vui của 37 hộ dân ở Lũng Slàng. Một bản với 178 nhân khẩu toàn bộ là người Dao Đỏ sống quần tụ, thương yêu nhau như anh em một nhà.

Ngôi nhà sàn của Lợi nằm ép vào dãy núi, nơi có rừng vầu xanh mướt rộng đến gần 1 ha. Sau khi học xong phổ thông, anh ra ngoài phố Thất Khê học nghề lái xe xúc, xe ủi liền gặp cô Triệu Thanh Lan cùng tuổi và cũng là dân tộc Dao, giáo viên trên địa bàn. Sau khoảng hai năm tìm hiểu, yêu nhau, họ được đôi bên gia đình tổ chức đám cưới.

“Mùa xuân đến với Lũng Slàng sẽ thấy cảnh vật và con người đang được khoác trên mình một diện mạo mới. Đó là sự đổi thay hiện hữu, niềm hân hoan phấn khởi đầy ắp trong câu chuyện của người dân tộc Dao nơi đây”, Bà Đặng Thị Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy Tràng Định.

Già bản Triệu Tiến Phin, 67 tuổi là người có uy tín ở Lũng Slàng, là bác ruột của Triệu Quang Lợi. Ông mau mắn giục cháu rể rửa mặt rồi thực hiện các nghi lễ theo tập tục của bản làng. Theo đó, chú rể không được đi rước dâu, thay vào đó sẽ ngồi nghe người già huấn thị, chỉ cho những “bảo bối” trở thành người đàn ông có vợ vẹn tròn. Hôm nay, ông Phin trịnh trọng mặc cho Lợi bộ y phục màu chàm xanh sẫm với áo, quần ống rộng và đầu đội chiếc mũ nồi còm thơm mùi hoa hồi ngan ngát.

Lũng Slàng ngày mới ảnh 1

Đoàn rước dâu đến Lũng Slàng. Ảnh: Minh Đức

-“Hôm nay, bác không răn dạy về đạo làm người vì cháu đã ra ngoài phố học nhiều điều hay rồi. Câu chuyện truyền thống của bản làng ta bấy lâu bác cất trong lòng, nay kể cho cháu nghe để biết trân quý, giữ gìn”, ông Triệu Tiến Phi chậm rãi nói rồi cầm tay dắt Lợi đến bên bếp lửa hồng. Ông ngước về phía đình Hoàng Làng, nhẩn nha kể lại: Vào những năm giữa thập kỷ 70 của thế kỷ trước, Lũng Slàng có khoảng chục nóc nhà sống du canh du cư trên đỉnh núi xa xăm, cách địa điểm hiện tại khoảng chục km. Ngày đó, dân trí còn thấp, đời sống cơ cực, vậy mà có kẻ xấu từ bên kia biên giới loan tin làm nghi kỵ giữa tộc người Dao và Tày- Nùng sống trên địa bàn.

Các bản làng đã rào kín “địa phận”, dòng nước bị đánh độc, gà vịt trâu bò bị mất trộm, ốm chết. Người dân Lũng Slàng hoang mang, lo lắng, nhất là vào mùa đông, lương thực, thực phẩm ngày càng cạn kiệt. Tình hình căng như dây đàn, nhiều người đã bỏ nhà ra đi… Đúng vào thời điểm khó khăn nhất, xuất hiện đoàn công tác cán bộ của tỉnh Lạng Sơn do Đại tá Đào Đình Bảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc công an tỉnh Lạng Sơn trực tiếp đến tìm hiểu thực tế ở địa phương. Dân bản từ ngạc nhiên đến thán phục vì cán bộ cấp cao không e ngại với tin đồn lan truyền “ bất cứ người lạ nào đến Lũng Slàng đều không có đường về”.

Lũng Slàng như ốc đảo trên non cao, tách biệt, nay quê hương đẹp xinh nếp nhà sàn thấp thoáng rặm vầu xanh. Tiếng hát Páo Dung trong tiếng Pí Lè dìu dặt trong niềm vui đám cưới độc đáo người Dao (trích lời bài hát truyền thống Lũng Slàng)

“Sau hai ngày sống chung với bà con, thấy được tấm chân tình, son sắc, ngay thẳng của người Lũng Slàng, Đại tá Đào Đình Bảng đã cảm mến, trở nên là người thân thiết của dân bản. Họ lên rừng hái măng, hoa quả tặng đoàn công tác. Đêm đến, bên chén rượu nồng, cả chủ lẫn khách ứa lệ, xúc động. Thế rồi, người Lũng Slàng được giải oan, nghe theo cán bộ tỉnh Lạng Sơn hạ sơn xuống vùng đất bây giờ sinh sống hòa thuận với các dân tộc khác. Dân bản mở hội vui mấy ngày đêm và coi như Lũng Slàng được hồi sinh thêm một lần nữa”, ông Triệu Tiến Phin thuật lại.

Lũng Slàng ngày mới ảnh 2

Lũng Slàng yên tĩnh Ảnh: Minh Đức

Khởi sắc

Vừa nghe xong câu chuyện, chú rể Triệu Quang Lợi xúc động ôm lấy bác ruột của mình. Bỗng có tiếng nói lanh lảnh vang lên “Đoàn nhà gái đến rồi”. Xuất hiện ở cầu thang dẫn lên nhà sàn có đoàn rước chừng hai chục người, đi đầu là thầy Mo thổi kèn Pí lè, phía sau chủ yếu là những người phụ nữ trẻ vận trang phục truyền thống với váy, áo, khăn quấn đầu, dây lưng đều được thêu hoa văn nổi bật màu đỏ. Cô dâu đi sau thầy Mo có khăn che kín mặt. Trên đầu cô đội vòng tròn lớn, còn ngực trang trí nhiều tua, chuỗi bông len màu đỏ 2 bên. Cả đoàn người di chuyển như những bông hoa gạo rung rinh, sôi động.

Lũng Slàng ngày mới ảnh 3

Rặng vầu độc đáo ở Lũng Slàng Ảnh: Minh Đức

Thầy Mo Lý Văn Dâm, chủ lễ cầm tấm vải chàm trao cho đại diện nhà gái 4 phong vải chàm (mỗi phong vải dài khoảng 1,5 m). Đây là sính lễ tượng trưng cho lòng biết ơn sự dưỡng dục của cha mẹ cô dâu, tấm vải như sự cam kết của gia đình nhà trai sẽ tiếp tục chăm sóc, bảo vệ cho cô dâu khi về nhà chồng. Hôm nay, các nghi thức được thầy Mo thực hiện trong lễ cưới chính đã rút ngắn từ 6 nội dung xưa xuống chỉ còn 3 nghi thức chính gồm: Lễ báo cáo gia tiên, lễ ghép rượu thành vợ chồng và lễ nhập hộ khẩu.

Sau khi đưa cô dâu vào phòng cưới, chú rể Triệu Quang Lợi ra vui với bạn bè, người thân. Anh cầm chén rượu sóng sánh men nồng mời chúng tôi, nói trong niềm xúc động: “Tôi rất hạnh phúc vì một số hủ tục lạc hậu trong đám cưới đã không còn, giúp 2 họ và vợ chồng tôi bớt tốn kém mà đám cưới vẫn diễn ra trang trọng, vui tươi, đậm chất truyền thống”.

Chung vui, Bí thư kiêm Trưởng thôn Triệu Xuân Phú giới thiệu: “Nhà nước đã mở một con đường về lòng chảo Lũng Slàng, mặc dù bề rộng chỉ đủ cho xe máy lưu thông nhưng đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán cho người dân địa phương. Năm 2009, chương trình 135 đưa điện lưới quốc gia về với bản, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Dao được nâng lên rõ rệt. Giờ đây nhiều hộ dân đã có những phương tiện sản xuất được cơ giới hóa, máy móc đã thay thế sức người, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, từ 100% hộ dân đói ăn đến nay toàn thôn chỉ còn 3/37 hộ nghèo. Việc học tập của các em học sinh trong bản cũng được cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục quan tâm, đã có phân trường cho học sinh Tiểu học và mẫu giáo. Ngoài tăng gia sản xuất trồng nông màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, ba năm nay người dân Lũng Slàng được cán bộ trên huyện xuống hướng dẫn trồng các cây đặc sản, ví như cây quế, cây hồi hiện đã có tới gần 20 ha...”. Nói rồi, Bí thư Phú chỉ cho tôi thấy thấp thoáng từng dãy nhà sàn rất ấn tượng bên rừng vầu xanh tươi, vui vẻ giới thiệu: Toàn bộ người dân đều lưu giữ nếp nhà sàn của cha ông. Hàng ngày, đám thanh niên nam nữ thi nhau hát điệu Páo Dung trong tiếng kèn Pí lè da diết. Tiếng Lảy cỏ vui nhộn lan xa…

“Tất cả du khách đến đây, dù lạ hay quen đều được mời về nhà ăn cơm, uống rượu. Nhất là dịp tháng 11 âm lịch, từng nhà lần lượt tổ chức ăn Tết sớm. Chúng tôi mổ lợn, thịt gà liên hoan ghi nhớ ngày này 45 năm về trước, Đại tá Đào Đình Bảng và cán bộ Bác Hồ đã tái sinh cho người dân Lũng Slàng chúng tôi”, Bí thư Triệu Xuân Phú trải lòng.

Ngoài kia, những nhánh hoa đào đã bật nụ đỏ. Trên cành, con chim chào mào cất tiếng lanh lảnh trong vắt chào xuân.

Xứ Lạng, áp tết Quý Mão 2023.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.