Lùng nhùng khiến tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức tê liệt

Các quản lý xe, tài xế, phụ xe tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức bức xúc phản ánh sự việc ngay tại trụ sở Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam chiều ngày 3/11
Các quản lý xe, tài xế, phụ xe tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức bức xúc phản ánh sự việc ngay tại trụ sở Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam chiều ngày 3/11
TPO - Sáng ngày 4/11, ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Cty CP đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam cho biết, tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức (Quảng Nam) đã hoạt động trở lại sau 2 ngày ngừng hoạt động.

Cũng theo ông Hạnh, giữa Cty và các quản lý xe, tài xế, phụ xe đã cơ bản đạt được thống nhất theo phương án các quản lý xe bàn giao lại xe cho Cty để Cty trực tiếp quản lý. 

Để duy trì tuyến xe và giải quyết các vấn đề còn lại, hiện cty đang hợp đồng với bên ngoài để duy trì tuyến và cố gắng hoạt động hết 100% công suất xe trong thời gian sớm nhất để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. 

Trước đó, ngày 2/11, tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức (Quảng Nam) đã phải tạm ngừng hoạt động vì giữa Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam và đội quản lý xe, tài xế, phụ xe bất đồng ý kiến trong các điều khoản khoản của hợp đồng giao khoán, chế độ bảo hiểm… Cty không cấp phép xuất bến khiến tuyến xe buýt này ngừng hoạt động, trong khi người dân vẫn “dài cổ” chờ xe. 

Theo phản ánh của các lái xe và phụ xe trên 11 chiếc xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức, trước đây họ nhận khoán xe từ Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam quản lý và khai thác. Tuy nhiên, do hoạt động thua lỗ trong khi không có tiền để trả nợ vay của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam nên buộc phải chuyển cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam khai thác nhằm thu hồi nợ cho ngân sách nhà nước. 

Tháng 8 vừa qua, tuyến xe buýt này được chuyển qua cho Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng, tuy nhiên sau 2 tháng hoạt động, mới đây Cty này đã tổ chức họp và yêu cầu chủ quản lý xe phải đóng nhiều khoản tiền mà họ cho là vô lý và quá sức nên không chấp nhận thì liền bị công ty “cấm” hoạt động bằng việc không cấp lệnh cho phép xuất bến. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết: trong 2 tháng qua, nhân viên cty đã khảo sát trực tiếp trên tuyến xe này và nhận thấy có nhiều việc phải chấn chỉnh về vấn đề an toàn kỹ thuật của các xe, cũng như thái độ phục vụ, cử chỉ lời lẽ của lái xe và phụ xẹ. 

Do đó yêu cầu quản lý xe phải tiến hành sửa chữa theo hợp đồng, quản lý xe phải mua bảo hiểm vật chất đối với xe theo phương án Cty chịu 50%, quản lý xe chịu 50%, đóng các loại bảo hiểm theo quy định áp dụng từ ngày 1/1/2016, điều chỉnh thu khoán tăng từ 400.000 đồng/ngày lên 500.000 đồng/ngày.  

Qua nhiều lần họp, Cty thống nhất đóng 100% bảo hiểm vật chất đối với xe. Tuy nhiên, việc tăng khoán và nộp bảo hiểm người lao động không thống nhất. Do không thống nhất, Cty không thể cấp lệnh vận chuyển vì các quản lý xe đã thống nhất bàn giao xe, nếu cty cấp lệnh sẽ không an toàn cho tính mạng của hành khách cũng như tài sản của Cty và nếu xảy ra sự cố thì Cty phải chịu trách nhiệm. 

Cũng theo ông Hạnh việc tăng khoán là do tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức đang thua lỗ nặng. Hiện với mức khoán 400.000 đồng/ngày như hiện nay, thì Cty lỗ khoảng 250.000 đồng/ngày. Trong khi theo số liệu khảo sát thực tế các quản lý xe lãi 300.000 đồng/ngày. Cty đề xuất tăng 100.000 đồng/ngày là hoàn toàn hợp lý, với mong muốn anh em chia sẽ khó khăn với cty, cũng như có thêm nguồn lực để cty tái đầu tư nâng cao chất lượng.

“Các quản lý xe phải chia sẻ khó khăn chứ không thể chấp nhận việc quản lý xe lãi trong khi cty chịu lỗ, kéo dài dẫn đến phá sản lúc đó sẽ nguy hại cho quyền lợi người lao động. Việc tăng khoán này đã được thông nhất từ đơn vị cũ” ông Hạnh cho biết. 

Lùng nhùng khiến tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức tê liệt ảnh 1 Tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức hoạt động trở lại sau 2 ngày ngừng hoạt động.
“Trong việc này, chúng tôi không hề ép người lao động. Ngừng hoạt động quản lý xe lỗ một thì cty đang lỗ mười. Mục đích cuối cùng là duy trì tuyến xe buýt để phục vụ dân đảm bảo an toàn, hoạt động nề nếp, văn minh” ông Hạnh khẳng định.   

Liên quan đến số tiền bảo hiểm từ 800.000 – 900.000 đồng/tháng mà các tài xế và phụ xe phải nộp, theo ông Hạnh đây là yêu cầu bắt buộc theo quy định và đã được thống nhất trong hợp đồng giao khoán. Nếu người lao động đã đóng các loại bảo hiểm ở đơn vị khác (xã, phường) và chứng minh được điều đó thì cty sẽ không thu. 

MỚI - NÓNG