Chỉ 3 ngày sau khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, rất nhiều tài xế đã bị xử phạt lên tới vài chục triệu đồng, đồng thời giữ bằng lái tới gần 2 năm. Điều này khiến không ít người cảm thấy lo lắng và tìm cách chống chế.
Tìm kiếm trên mạng các cách “né” luật để có thể tự lái xe về, anh N.T.H. (Hà Nội) đã thấy một loại kẹo giải rượu của Hàn Quốc. Anh H cho biết: “Tôi thấy quảng cáo loại kẹo giải rượu, có tác dụng giải say nhanh chóng nên mua về dùng thử.”
Tuy nhiên theo anh H, sau khi dùng trong buổi nhậu và trở về nhà thì bị lực lượng chức năng giữ lại kiểm tra. "Khi thổi nồng độ cồn thì mới vỡ lẽ rằng loại kẹo này chẳng có tác dụng như quảng cáo” - anh H bức xúc.
Thử tìm hiểu về loại kẹo giải rượu này, PV đã tìm gặp chị Đỗ Quỳnh (Định Công, Hà Nội - một người chuyên kinh doanh loại kẹo giải rượu) thì được biết: Thực chất kẹo giải rượu không thể đưa nồng độ cồn về 0 như nhiều người dùng tưởng tượng. Lí do dẫn tới sự hiểu nhầm có thể do vị khách kia chưa hiểu rõ về loại kẹo này.
Chị Quỳnh giải thích, đây là kẹo mà người Hàn Quốc hay sử dụng trong các buổi nhậu. Nó là dạng kẹo dẻo có vị xoài và thường được đóng gói 3 viên trong 1 túi. Một túi vừa đủ để sử dụng trong một buổi nhậu.
“Người dùng có thể nhai trước, trong và sau khi uống từ 1 - 3 viên. Tốt nhất ăn trước khi uống 15 phút để tăng “tửu lượng” và sau ăn buổi nhậu để giải rượu” - chị Quỳnh nói.
Thực tế, loại kẹo này chỉ giúp dân nhậu có thể uống được khoẻ hơn, uống được nhiều hơn chứ không thể đưa nồng độ cồn về 0 như nhiều người lầm tưởng.
Tuy nhiên, việc tỉnh táo sau các buổi nhậu cũng là điều rất cần thiết, để có thể tìm cách trở về nhà an toàn sau bữa nhậu. Nhất là trong thời điểm gần Tết, các buổi liên hoan thường xuyên diễn ra.
Hiện nay, kẹo giải rượu đang được rao bán khá nhiều trên mạng xã hội. Giá kẹo dao động từ 50 - 55 nghìn đồng/túi 3 viên, giá một hộp gồm 10 gói là 450 - 500 nghìn đồng. Theo chị Quỳnh, loại kẹo chỉ bán chạy vào dịp cuối năm.