Lung linh áo dài trên nền di sản

TP - “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” là tên sự kiện diễn ra tối 28/6 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, thêm một lần hiện thực hóa tham vọng nâng cấp hình ảnh chiếc áo dài dân tộc lên tầm cao mới.

ÐÊM ÐẶC BIỆT Ở VĂN MIẾU

Cuối cùng thì hơn 1000 mẫu áo dài cũng hiện ra tại sự kiện thứ hai của Chiến dịch Áo dài vì mục tiêu lớn (sự kiện đầu tiên là ở Hội An hôm 14/6). Địa điểm được chọn là khu vực giếng Thiên Quang của Văn Miếu. Thiên Quang trong Văn Miếu nghĩa là ánh sáng bầu trời mà con người thu nhận được. Tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nhân văn. Giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của trời và đất tập trung ở Văn Miếu Quốc Tử Giám- trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm.

Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 1 Khu vực giếng Thiên Quang được điểm trang những bông sen hồng. Các người mẫu phải đi một vòng quanh giếng- tới 200 mét, để trình diễn từng BST. Ảnh: Việt Anh

Bước vào Văn Miếu tối hôm đó, khán giả cảm nhận một không gian uy nghiêm tĩnh lặng quen thuộc, và êm dịu bởi sự xuất hiện của 400 chiếc đèn lồng trắng. Đi sâu vào trong lại lung linh mờ tỏ, khác hẳn thường ngày. Thành giếng Thiên Quang trang trí bằng những bông sen hồng rực rỡ. Khuê Văn Các lấp lánh hơn trên bóng rọi mặt giếng Thiên Quang.

Thời tiết may không quá nóng. Khu vực bao quanh giếng càng mát  so với các nơi khác thuộc Văn Miếu- đây trước hết là vấn đề phong thủy.

Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 2 NSND Trà Giang trình diễn cùng các người mẫu (BST Đờn ca Tài tử Nam Bộ của NTK Minh Hạnh)

Sự kiện “Áo dài- Di sản văn hóa Việt Nam” lần này được tổ chức bởi Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam và Bộ VHTTDL.  21 bộ sưu tập (BST)  của 21 nhà thiết kế (NTK) ba miền lấy ý tưởng từ 21 di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) của Việt Nam được thế giới công nhận, đã hiện ra theo một cách đặc biệt.

Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 3 Các người mẫu trình diễn BST Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương trong khi các học viên Học viện Phụ Nữ trang trọng đốt những nén hương. Ảnh: Việt Anh

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam - bà Hà Thị Nga phát biểu khai mạc khẳng định giá trị của chiếc áo dài và mục đích của sự kiện hôm nay, đồng thời tỏ tri ân các NTK, nhất là tổng đạo diễn Minh Hạnh đã “giành trọn thời xuân sắc để nâng tầm chiếc áo dài Việt ra thế giới”, rằng “bằng tình yêu, đam mê và khát vọng cống hiến, chị đã đồng hành với Hội LHPN Việt Nam trong hành trình vận động để khẳng định vị thế của áo dài...”

DIỆN MẠO MỚI

Chỉ có thể nói là một bữa tiệc đã mắt. Cách dàn dựng chương trình đã dẫn dắt khán giả đi từ miền Bắc, miền Trung vào Nam và dừng chân tại các di sản. Khán giả thấy được hình ảnh nguyên bản của các di sản đồng thời phấn khích với những sáng tạo hiện đại.

Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 4 NTK Hà Duy hát “Một khúc ca trù ngày xuân” trong khi trình diễn BST mang tên “Ca trù” của mình. Đứng cạnh anh là Á hậu Hoàng Anh và NSƯT Thanh Tú cùng cháu ngoại- đều là các người mẫu của đêm diễn

Tên, hình ảnh của 21 di sản hiện lên màn hình sân khấu, nhắc nhở khán giả về độ quan trọng, quý giá của nó. Còn di sản hiện lên tà áo dài của các người mẫu và diễn viên lại có độ bất ngờ, kể cả bất ngờ về phụ kiện đi kèm. Hoặc bất ngờ về cách trình diễn. Ví dụ: Người làm những động tác vũ đạo đẹp mắt để dẫn dắt cổ xúy cho BST về Đờn ca Tài tử Nam bộ của NTK Huệ Thi lại là một anh Tây vận áo dài đen rất đẹp. Hoặc trong khi các người mẫu trình diễn những tà áo dài đặc sắc của BST Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, thì các cô gái nhỏ của Học viện Phụ Nữ cùng dẫn dắt câu chuyện với những nén hương đốt dở, trông vô cùng trang trọng.

Đó là nét mới của cuộc này: Không chỉ các người mẫu và diễn viên mới là nhân vật chiếm lĩnh sàn diễn, mà luôn có hàng trăm cô gái của Học viện Phụ Nữ cùng kể câu chuyện “áo dài và di sản”.

Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 5 Các người mẫu đội khăn mỏ quạ trình diễn BST Hát Xoan của NTK Công Huân

Các NTK tỏ ra có những ý niệm, ý tưởng mới mẻ trong thiết kế lẫn trình diễn. Ví dụ các cô gái vận áo dài màu đỏ gụ trình diễn BST Hát Xoan của NTK Công Huân, trên nền của những thiết kế mới khiến di sản thêm sinh động và được thời đại hóa một cách thuyết phục.

“Thông qua Chiến dịch Áo dài, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam muốn góp công sức để áo dài được ghi danh Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản Văn hóa Phi vật thể thế giới. Mong được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng Nhà nước và các ngành, cùng sự góp sức các nhà thiết kế, sự hưởng ứng của người dân...”, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

Các NTK cũng không ra chào khán giả theo cách thông thường- ở cuối mỗi BST nữa. NTK Hùng Việt chẳng hạn, anh vận chiếc áo dài nam lụng thụng dẫn đầu dàn người mẫu trình diện BST Danh thắng Tràng An của mình đi một vòng quanh giếng Thiên Quang. Không chờ ai hỏi, cuối đêm diễn Hùng Việt tự bạch với mọi người vào rằng anh hoàn toàn thả hồn vào bước chân của mình, vô cùng thư thái. Trông Hùng Việt trình diễn thấy bước chân đó có vẻ vô định thậm chí còn như mộng du.

Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 6 Ba NTK Đức Hải, Hùng Việt, Minh Minh (từ trái qua) xúc động trong đêm diễn

Ngồi hàng ghế VIP là rất nhiều khán giả nước ngoài: Phu nhân Đại sứ Ý tại Việt Nam, tham tán các nước và gia đình của họ... Cuộc trình diễn của các nghệ sỹ: NSND Trà Giang, NSND Lan Hương, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Thanh Loan cũng tạo điểm nhấn thú vị cho đêm diễn.

Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 7 NTK Huệ Thi (giơ tay vẫy) với BST Đờn ca Tài tử Nam Bộ
Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 8 BST chủ đề Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của NTK Trung Beret

Sau sự kiện này, áo dài thêm một lần định danh định vị bằng tính pháp lý thông qua sáng tạo của các NTK qua nhiều năm. Những giá trị văn hóa kép- di sản và áo dài, chính là tấm thẻ thông hành để áo dài được xác định nguồn gốc: Dù đi đến đâu, xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này đều không thể lẫn với bất cứ trang phục nào khác.

Di sản trên nền áo dài

21 bộ sưu tập được các NTK sáng tạo gồm: Vịnh Hạ Long (NTK Nguyễn Thúy); Hội Gióng đền Phù Đổng và Đền Sóc (Vũ Trần Đức Hải); Danh Thắng Tràng An (Hùng Việt); Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương (Minh Minh); Cao nguyên đá Đồng Văn (Hoài Nguyễn); Hoàng Thành Thăng Long (Nhi Hoàng); Ca trù (Hà Duy); Tín ngưỡng thờ Mẫu (Trần Thiện Khánh); Hát Xoan (Công Huân);  Dân ca Quan họ Bắc Ninh  (Trịnh Bích Thủy);  Thành Nhà Hồ (Lan Hương); Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh (NTK Thanh Thúy); Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Trần Thanh Mẫn); Quần thể Di tích Cố đô Huế  (Phương Thanh); Nhã nhạc Cung đình Huế” (Ngọc Hân); Phố cổ Hội An (Chula); Bài Chòi  (Cao Minh Tiến); Thánh Địa Mỹ Sơn (Cao Duy); Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (Trung Beret); Đờn ca Tài tử Nam Bộ” (Huệ Thi); Đờn ca Tài tử Nam Bộ” (Minh Hạnh). 

Nhà thiết kế nói gì?

NTK Cao Minh Tiến: Tôi muốn mang đến cái nhìn mới cho áo dài bằng quan điểm của những người trẻ sống trong thời đại 4.0. Bài Chòi là một di sản độc đáo, tôi muốn BST của mình thể hiện phong cách trẻ trung phóng khoáng mà không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống.

NTK Nhi Hoàng: Tôi sinh ra lớn lên tại Hà Nội. Hoàng thành Thăng Long là nơi mà lúc còn bé tôi thường được bố mẹ đưa đến, thấy kiến trúc rất “ngộ”. Lớn lên thì cảm thấy tự hào. Rất may lần này tôi được chọn đúng ý tưởng di sản Hoàng thành Thăng Long cho BST của mình, tôi mong diễn đạt vẻ đẹp này qua lăng kính của một công dân trẻ Thủ đô.

NTK Trần Thiện Khánh: Tín ngưỡng thờ Mẫu thật thiêng liêng, tôi rất tâm đắc. Mất hơn 5 tháng, tôi và các cộng sự miệt mài thiết kế, thêu hoa văn… Cũng may là tôi có nhiều thời gian hơn để thực hiện BST lấy cảm hứng từ Tín ngưỡng thờ Mẫu khi cả nước chung tay chống đại dịch.

NTK Công Huân: Đây là trải nghiệm rất thú vị để tôi có thể khám khá về di sản Hát Xoan. Tôi rất thích hình ảnh những cô bé hát Xoan trong bộ áo dài màu đỏ gụ với chiếc khăn mỏ quạ rất đáng yêu và những lời thơ ý nhạc mộc mạc, sâu sắc.

Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 9 BST của NTK Phương Thanh chủ đề Quần thể Di tích Cố đô Huế
Lung linh áo dài trên nền di sản ảnh 10 Mẫu của NTK Chula người Tây Ban Nha chủ đề Phố cổ Hội An. 
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.