Hindustan Times dẫn một báo cáo mật của Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ, trong khi Trung Quốc đang mở rộng khả năng tác chiến tàu ngầm, trình độ của lực lượng tàu ngầm Hải quân Ấn Độ sẽ ở mức thấp nhất trong lịch sử vào năm 2015.
Tại thời điểm 2015, Hải quân Ấn Độ sẽ chỉ sở hữu 6-7 tàu ngầm, gồm tàu ngầm INS Arihant - chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo vũ trang hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Ấn Độ.
Trong năm tới, Hải quân Ấn Độ bắt đầu loại bỏ các tàu ngầm lớp Kilo của Nga và tàu ngầm HDW Type 209 của Đức.
Báo cáo cảnh báo Ấn Độ “chưa từng suy yếu đến vậy” và trình độ lực lượng tàu ngầm sẽ ở mức “báo động khẩn”.
Đối ngược lại, Trung Quốc đang vận hành gần 45 tàu ngầm, gồm 2 tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Báo cáo cho biết: “Trung Quốc có kế hoạch đóng thêm 15 tàu ngầm tấn công lớp Yuan, dựa trên động cơ đi-ê-zen mua của Đức”.
Các tàu ngầm lợp Yuan của Trung Quốc có thể được trang bị hệ thống truyền lực không cần không khí để xạc ắc quy mà không cần nổi lên mặt nước trong hơn 3 tuần. Hải quân Ấn Độ hiện chưa đạt được khả năng này.
Trong hai năm tới, quy mô của hạm đội tàu ngầm Ấn Độ sẽ chỉ tương đương Hải quân Pakistan. “Trong khi năng lực tàu ngầm Ấn Độ suy giảm, thì năng lực và sức mạnh của Hải quân Trung Quốc và Pakistan lại theo hướng gia tăng”.
Ấn Độ đã đặt hàng 6 tàu ngầm Scorpen. Số tàu này đang được đóng tại Mumbai bởi Công ty Mazagon Dock Ltd theo công nghệ của Công ty Pháp DCNS. Dự án có giá trị 235.620 triệu rupi (trên 5 tỷ USD), có tên hiệu P-75.
Tuy nhiên, chiếc tàu đầu tiên trong số này sẽ không thể đi vào hoạt động trước năm 2016-2017, mặc dù đáng ra nó phải được biên chế cho Hải quân Ấn Độ trong năm ngoái. Báo cáo cho rằng sự chậm chễ này đã khiến khoảng cách năng lực tàu ngầm ngày càng bị nới rộng hơn trong những năm tới.
Đỗ Tuấn
theo Hindustan Times